Công việc bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, trong thời gian nghỉ ở nhà, Minh Tân làm ra những mô hình phố cổ, nhà cửa từ các mảnh gỗ vụn, được nhiều người tìm mua.
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, công việc chính của Trần Minh Tân (sinh năm 1994) là thiết kế nội thất, trang trí quán cà phê, homestay.
Đầu tháng 3/2021, chàng trai Đồng Nai bắt tay vào làm những ngôi nhà ngỗ mini, sau một lần đi qua xưởng mộc thấy những tấm gỗ vụn vứt lăn lóc.
“Mình thường xuyên tiếp xúc với gỗ vì công việc chính là thiết kế nội thất. Nhiều lần thấy các nhà xưởng bỏ đi nhiều gỗ vụn, gỗ thừa, mình quyết định xin về làm đồ handmade để vừa thỏa sức sáng tạo, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ban đầu, đi thu gom gỗ, nhiều người thắc mắc hành động của mình. Thế nhưng, sau khi xem các tác phẩm từ những mảnh gỗ bỏ đi thì họ hiểu ra và rất thích thú”, Tân nói với Zing.
Minh Tân tạo hình phố cổ Hội An từ gỗ vụn. |
Để hoàn thiện một sản phẩm từ gỗ tái chế, đầu tiên, Tân sẽ lên ý tưởng, chọn các miếng gỗ vụn có kích thước và hình dáng phù hợp. Sau đó, anh sử dụng cưa tay, cắt thành hình dạng mong muốn. Ngoài những miếng gỗ vụn, anh còn dùng thêm sắt, kẽm, keo, màu vẽ để hỗ trợ liên kết và hoàn thiện sản phẩm.
Mỗi tối, sau giờ làm việc, Tân lại cặm cụi bên cưa đĩa, máy chà nhám, súng bắn đinh để sáng tạo tác phẩm mới. Ngoài ra, Tân thường xuyên dùng đến búa, kìm, kéo… thậm chí là dao trổ và nhíp để tạo hình các chi tiết từ nhỏ đến lớn.
Tân cho biết gỗ vụn thường có kích thước nhỏ nên dễ dàng trong việc tạo hình sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó cũng gây khó khăn vì chúng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và tập trung cao độ.
“Nhiều lần, mình sơ ý một chút là phải làm lại từ đầu. Mình luôn chú trọng đến việc sắp xếp bố cục với tỷ lệ hài hòa hay phối màu sắc sao cho hợp lý và chân thật”, Tân nói thêm.
Để làm một ngôi nhà từ gỗ vụn, chàng trai Đồng Nai thường mất khoảng 2-4 tiếng, đôi khi cả vài ngày mới hoàn thiện.
Thuộc kiểu người mê xê dịch, thích khám phá vùng đất mới, thế nên những cảnh đẹp trong các chuyến du lịch thường được Tân đưa vào tác phẩm. Ví dụ như ngọn hải đăng trên bờ biển, các con thuyền cập bến sau chuyến ra khơi dài hay ngôi nhà ven biển đơn sơ nhưng đầy màu sắc.
Phần lớn tác phẩm của chàng trai này gắn liền với biển. “Có lẽ vì khi đến đó, đầu óc mỗi người cảm thấy thư thái và thoải mái hơn”, Tân tâm sự.
Những sản phẩm từ gỗ vụ của Minh Tân được nhiều khách hàng yêu thích. |
Trong 50 mô hình đã thực hiện, ngoài một số tác phẩm mô phỏng cảnh vật những chuyến du lịch, Tân còn tạo ra những ngôi nhà hay con phố ở châu Âu, bởi khách đặt mua đa số là người nước ngoài.
Thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tân phải tạm ngưng công việc chính, dành thời gian ở nhà để làm các sản phẩm khách hàng đặt.
Với giá bán từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, dù nghỉ dịch ở nhà, mỗi tháng, anh có thể kiếm thêm vài triệu từ công việc tay trái này.
“Mình luôn nỗ lực để các món đồ làm ra sẽ mang dấu ấn cá nhân, đảm bảo sự độc lạ giữa thị trường đồ handmade đang phát triển. Mình nghĩ là cứ làm bằng cái tâm và sự đam mê thì các sản phẩm sẽ có ‘hồn’ cũng như mang lại những giá trị nhất định”, Tân bộc bạch.
Nguồn: News.zing.vn