Chàng trai Việt mắc kẹt tại Nepal 9 tháng sau chuyến leo núi

0
99

Do tập trung vào việc chinh phục đỉnh núi, chàng trai Việt 25 tuổi đã gặp cú sốc lớn sau khi biết tin Nepal đóng cửa biên giới.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 1

Hồng Quân, chàng trai Việt Nam 25 tuổi, đã có kỷ niệm không thể quên trong năm 2020 – khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới. Từ dự định đẹp đẽ với chuyến chu du 2 châu lục Âu – Á trước khi về Việt Nam, Quân phải đi xin ăn, cầu cứu Đại sứ quán do mắc kẹt tại Nepal. Tuy nhiên, khi nhìn lại, Quân vẫn xem đây là những ngày tháng tuyệt vời mình đã may mắn được trải qua.

Sốc sau 3 tuần trên núi

Chia sẻ với Zing, Quân cho biết dự định của mình là xuất phát từ Đức, qua Pháp, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, qua Pakistan và đến Nepal. Sau Nepal, anh tính đi thêm Ấn Độ và một số nước khác trước khi về Việt Nam. Tuy nhiên, hành trình này đã phải dừng ngay ở Nepal vì tình hình dịch bệnh căng thẳng.

“Thời điểm tôi bắt đầu hành trình là đầu năm 2020. Lúc này, mọi người chưa nhận thức rõ được độ nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Tôi cũng nghĩ đó chỉ là dịch cúm thường và khi tới Nepal, tình hình vẫn ổn”, Quân cho biết.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 2

Khi chinh phục Tharpu Chuli, Quân không tưởng tượng mình sẽ kẹt ở Nepal 9 tháng sau đó.

Anh chọn Tharpu Chuli – đỉnh núi có độ cao hơn 5.600 m thuộc dãy Himalaya của Nepal – để thỏa mãn đam mê leo núi. Đây là đỉnh có vị trí đẹp ở trung tâm thánh địa Annapurna. Đường leo cũng tương đối dễ, phù hợp với sức của Quân.

Nhìn chung, quá trình leo của Quân cũng không gặp nhiều vấn đề do anh đã có sự chuẩn bị kỹ từ trước về thể lực, đồng thời thuê thêm sherpa dẫn đường. Dù vậy, anh vẫn bị bỏng nắng ở phần mặt do ánh mặt trời phản chiếu từ băng vì quên mất khăn bịt. Điều này khiến da mặt Quân bị tím tái, rát do bong da. Lần khác, Quân dẫm nhầm xuống hố băng, phải đi đôi giày ướt lạnh suốt 2 giờ trước khi đến điểm trại.

“Tôi tưởng mình đã mất chân luôn rồi. Nó lạnh cóng, không còn cảm giác gì hết. Tôi vốn chuẩn bị sẵn 2 đôi giày nhưng một đôi lại nằm trong túi của sherpa vác đồ (đã đi tới điểm dừng chân trước để chuẩn bị)”, Quân kể.

Tuy nhiên, những khó khăn về thể chất cũng không khiến Quân sốc như lúc đã chinh phục xong Tharpu Chuli và quay về thành phố chính. Do không lên mạng cập nhật tình hình, Quân không biết trong thời gian mình leo núi, Nepal đã đóng cửa biên giới, mọi hoạt động du lịch phải tạm dừng.

Tôi tưởng mình đã mất chân luôn rồi”

Chàng trai 25 tuổi chia sẻ mình có thuê điện thoại vệ tinh và chuẩn bị sẵn định vị GPS để đảm bảo an toàn trong quãng đường leo. Điện thoại di động anh cũng mang theo nhưng không mua SIM ở Nepal nên không thể sử dụng Internet thường xuyên. Chỉ khi dừng chân tại các tea house (hay lodge) ở những trạm thấp, Quân mới bắt được Wi-Fi để sử dụng.

“Ngay từ đầu, tôi đã chủ trương không dùng Internet để tập trung leo. Do đó, tôi không nắm được tình hình bên dưới núi thế nào. Lần cuối tôi sử dụng mạng, cũng không có tin tức gì quá đáng ngại. Tôi cũng không gọi cho gia đình, phần vì không mua SIM. Dùng điện thoại vệ tinh cũng được, tuy nhiên, cước phí rất đắt”, Quân kể.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 3

Quân không sử dụng Internet để tập trung chinh phục đỉnh.

Vì thế, sau khi kết thúc hành trình ở Tharpu Chuli, Quân gần như “đứng hình” khi nghe tin Nepal đóng biên và các hoạt động du lịch tạm dừng.

Anh nhớ lại: “Lúc đấy, tôi đang ở trạm cách mặt đất cỡ 3.000 m. Mọi tea house đã đóng cửa, phải chật vật mãi mới xin được chỗ ngủ nhờ. Sau khi xuống núi, tôi chạy ngay đến Lãnh sự Quán Việt Nam ở Nepal và được hướng dẫn liên lạc đến Đại sứ Quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Họ cho biết sẽ không có chuyến bay giải cứu ở Nepal. Nếu muốn, tôi cần sang Ấn Độ. Tuy nhiên, phía Đại sứ Quán ở Ấn Độ cũng thông báo chưa có chuyến bay nào hết. Và thế là, tôi chính thức kẹt lại Nepal”.

“Trông tôi cứ như xác ướp”

Đó là câu Quân tự tả lại mình khi nghĩ về những ngày kẹt lại ở Nepal. Anh tự nhận mình vốn đã không to cao gì (chỉ cao 1,7 m và nặng 55 kg). Tuy nhiên, do không hợp đồ ăn Nepal, Quân đã sụt thêm 4 kg.

Trong 3 tháng đầu Nepal đóng cửa, Quân phải ở một phòng dorm 6 người giá rẻ. Không thể tự mua nguyên liệu và nấu ăn, chàng trai 25 tuổi đi xin ăn tại các nhà hàng bản địa. Rất may, những người Nepal thân thiện cũng chung tay cưu mang khách du lịch bị kẹt thời điểm này.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 4

Quân phải đi xin ăn trong những tháng đầu mắc kẹt.

Trước cửa nhà hàng, họ đặt chiếc bàn và để đồ ăn miễn phí trên đó. Mỗi ngày, Quân lại ra lấy ăn tạm. Tuy nhiên, khẩu vị của người Nepal thực sự khó để anh thích nghi.

“Dân bên đó theo đạo Phật và Hindu nhiều nên không ăn thịt bò, thịt lợn. Các suất ăn tốt lắm cũng chỉ có thịt gà. Tuy nhiên, đồ ăn của họ rất cay, nhiều dầu mỡ và không đủ dinh dưỡng đối với tôi. Vì thế, đợt kẹt ở đây, tôi trông hệt cái xác ướp”, Quân chia sẻ.

Sau khoảng 3 tháng đầu khó khăn, thời gian sau, tình hình nới lỏng và Quân nhận được trợ giúp từ một số người Việt tại đây. Anh có chỗ ở tốt hơn và tự chủ trong việc mua đồ, nấu nướng. Nhờ vậy, sức khỏe Quân cũng không tệ như đợt trước đó.

Tuy nhiên, 3 tháng khổ sở cũng không hẳn toàn chuyện buồn. Trong thời gian ở dorm, Quân quen thêm 5 người bạn ngoại quốc khác. Họ chính là những người đồng hành với anh trong hành trình chưa được chuẩn bị trước sau này.

Lên đường với những người bạn mới

“Nhóm tôi quen ở dorm có 5 người nhưng họ đều không phải dân chuyên leo núi. Có người sang đây để trekking. Có người đang thực hiện hành trình đạp xe xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khi tôi đề xuất ý tưởng leo núi trong thời gian chờ về nước, họ đều ủng hộ. Một người trong nhóm khá cao tuổi nên không thể nhập hội”, anh kể.

Và như thế, Quân có thêm 5 chiến hữu trong những tháng kẹt lại ở Nepal. Anh vạch ra kế hoạch leo đỉnh Imja Tse (6.189 m), Mera (6.476 m) và Ama Dablam (6.812 m).

Trước chuyến đi, Quân phải thực hiện khóa huấn luyện ngắn cho các bạn về kỹ năng leo. Điểm đầu tiên họ chọn là Imja Tse. Lần này, do các công ty du lịch vẫn đang đóng cửa, nhóm 5 người tự leo mà không có sherpa hỗ trợ.

Và, họ đã thất bại.

Ở độ cao khoảng 5.000 m, nhóm cần vượt qua khu vực sông băng. Nếu chuẩn bị kỹ hơn, họ lẽ ra nên mang thêm thang. Tuy nhiên, do sự thiếu sót này, công sức leo 5.000 m của họ coi như bỏ đi. Nhóm của Quân đã thử tiếp cận khu vực này 2 lần nhưng đều thất bại do địa hình nguy hiểm và thời tiết xấu.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 5

Nhóm của Quân thất bại khi chinh phục Imja Tse do chuẩn bị chưa kỹ.

Do đó, họ bỏ cuộc và trở lại thành phố chính. Thời điểm này, các công ty du lịch bắt đầu hoạt động lại nên nhóm thuê thêm được sherpa. Sau lần thất bại đầu tiên, họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn nên cả 2 lần chinh phục đỉnh Mera và Ama Dablam đều thành công.

Dù vậy, mọi thứ cũng không quá dễ dàng. Theo Quân, thời điểm khó khăn nhất ở cả 2 lần leo đều rơi vào đêm trước khi lên đỉnh. Do ở độ cao khoảng 5.000 m đổ lên, thời tiết rất xấu.

“Tôi nhớ đêm cuối cùng trước khi chạm lên đỉnh Mera. Nhiệt độ ngoài trời xuống khoảng âm 20 độ C, gió quật mạnh, tuyết rơi dày. Dù chúng tôi đã chọn dựng lều ở khu núp gió, cái lạnh thấu da vẫn khiến tôi phải bật dậy từ 2h.

Hôm trước đó, nhóm quyết định ngủ từ 17h để 4h hôm sau có sức leo lên đỉnh. Tuy nhiên, tôi ngủ tiếp không nổi nên phải dậy đun ấm cà phê, nấu gói mì ăn cho ấm người”, anh nhớ lại.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 6

Quân tự hào giơ lá cờ Việt Nam sau khi chinh phục thành công đỉnh Mera.

Tới 4h, cả nhóm tiếp tục hành trình lên đỉnh. Lúc này, chân ai nấy cũng rã rời. Mọi người phải nối nhau bằng dây để đề phòng có người bước hụt xuống sông băng. Sau hơn 6 giờ, họ đã chạm chân đến đỉnh Mera. Khung cảnh tuyệt đẹp trước mắt khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.

Quân lấy trong túi lá quốc kỳ để lưu lại tấm hình kỷ niệm. Cảm giác tự hào trào dâng trong lòng anh. Chính Quân cũng không nghĩ một người sinh ra ở vùng đồng bằng lại có thể đặt chân lên đỉnh núi cao gần 6.500 m như thế.

“Tôi nhỏ hơn những người bạn đi cùng, thân hình chắc chỉ bằng nửa họ. Tuy nhiên, quyết tâm và sức lực của tôi chắc chắn không thua họ. Họ vác được balo nặng 25 kg suốt hành trình, tôi cũng làm được thế”, Quân tự hào.

nguoi viet ket o nuoc ngoai anh 7

Họ trải qua những khó khăn cùng nhiều kỷ niệm hài hước với nhau.

Ngoài những lúc khó khăn, Quân cũng nhớ vài kỷ niệm “cười ra nước mắt” với nhóm bạn này. Đó là lúc họ đang nghỉ ở trạm dừng chân số 3 trên đường lên đỉnh Ama Dablam, cao cỡ 6.400 m. Đêm xuống, cả nhóm chia thành 3 lều ngủ.

Người bạn ngủ cùng Quân bị đau bụng. Tuy nhiên, ngoài trời quá lạnh, anh ta không thể ra ngoài để cởi quần “giải quyết”.

“Tôi chỉ biết quay mặt đi để anh ấy ‘xử’ luôn trong lều. Nếu ra ngoài lúc đó để đi vệ sinh, anh ấy chắc đóng băng luôn”, Quân nhớ lại.

Tôi chỉ biết quay mặt đi để anh ấy ‘xử’ luôn trong lều”

Kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Mera và Ama Dablam cùng nhóm bạn, Quân còn tự mình leo thêm một số đỉnh khác. Tới khoảng đầu tháng 12, anh nhận được tin báo từ Đại sứ Quán ở Ấn Độ là có chuyến bay giải cứu. Chia tay Nepal, tạm biệt những người bạn đã giúp đỡ mình suốt 9 tháng trời, Quân đến Ấn Độ và trở về Việt Nam.

“Tôi tiếc nhiều thứ lắm vì cũng có những dự định mình chưa thực hiện xong. Dù vậy, công việc ở Việt Nam cũng lộn xộn quá rồi nên trở về sớm lúc nào, hay lúc ấy. Trong tương lai, tôi muốn chinh phục đủ 7 đỉnh cao nhất ở 7 châu lục. Đây sẽ là kế hoạch cần nhiều thời gian.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn