Chàng trai Việt và những điều ‘tột cùng’ khi lần đầu đến Ấn Độ

0
195

Mãi đến tận bây giờ Thiết vẫn chưa thể quên được mùi khét kinh khủng trước những ngôi đền, nơi nghi thức đốt xác diễn ra.  

Thiết Nguyễn là chàng trai có sở thích về dựng phim, du lịch và kể chuyện đi. Anh đã có những tháng ngày ngao du khắp mọi miền tổ quốc để thỏa mãn niềm đam mê du lịch của mình. Từng có 3 năm làm về nhân sự, thêm 3 năm rưỡi làm vận hành game và hiện tại lại trong tình trạng “thất nghiệp”, mải miết rong ruổi những chuyến đi.

Sau hơn một năm đấu tranh lựa chọn giữa việc tiếp tục làm công việc ổn định, lương cao rồi lập gia đình như bao người đàn ông khác, hay mạnh dạn rời khỏi chiếc ghế văn phòng, bước ra ngoài kia để đến với miền đất lạ thì cách đây một năm, Thiết quyết định nghỉ việc để thực hiện ước mơ của mình, làm điều mình thích. Bằng kinh nghiệm về quay và dựng phim, anh làm việc tự do. Để kiếm đủ chi phí trang trải cho những chuyến đi, anh chàng phải nhận nhiều dự án, khối lượng công việc, áp lực cao hơn, bù lại được làm chủ thời gian của mình, không phải đúng giờ check-in, hết giờ quẹt thẻ nhân viên rồi về.

Thiết gặp những bạn nhỏ trong hành trình đến Ấn Độ

Thiết gặp những bạn nhỏ trong hành trình đến Ấn Độ.

Khi hành trình dài hơi bắt đầu, mọi thứ không còn mơ hồ như trước. Từng lộ trình dần hình thành rõ trong suy nghĩ. Chuyến đi đầu tiên sau khi nghỉ việc là “ăn dầm nằm dề” một tháng trời ở Trung Quốc. Anh chàng quyết định sử dụng hết thời hạn được cấp trong visa rồi mới trở về Việt Nam. Sau đó đến Ấn Độ, nhóm của anh đã có những trải nghiệm khó quên trên mảnh đất tâm linh chứa nhiều bí ẩn này.

Trước chuyến đi, Thiết khá thoải mái, không tìm hiểu nhiều về địa điểm sắp đến. Anh cho rằng những gì mình gặp bằng duyên sẽ hay hơn là có sự sắp đặt, dự đoán. Từng đi nhiều nước theo kiểu như vậy nên anh chàng nghĩ: “Không sao đâu”. Nhóm của Thiết chỉ đặt vé máy bay, khách sạn, chuẩn bị một số thứ cần thiết, mọi việc còn lại phần lớn tùy vào duyên số. Kết cục, chính sự chủ quan đó đã mang đến cho anh không ít thất vọng, thậm chí là gặp rắc rối, nhưng cũng có những điều không mong chờ mà lại đến cùng nhiều thiện ý.

Là một người thích cười, vui vẻ, anh chàng mong muốn được nhìn thấy những hình ảnh đẹp ở đất nước mình sắp đến, hoặc không đến nỗi quá xấu. Tuy nhiên mọi thứ ở Ấn Độ đều ở mức “tột cùng”, khoảng cách giữa cái tốt và cái xấu quá lớn nhiều lúc khiến anh hoang mang.

Nỗi ám ảnh đầu tiên là sự dơ bẩn và cái nóng của đất Ấn. Vừa ra khỏi sân bay, cả nhóm đã bị sốc nhiệt bởi thời tiết quá nóng. Nhưng điều khiến anh buồn nôn chính là bãi rác khổng lồ cạnh sân bay, bốc mùi hôi thối. Chưa kịp thích nghi với môi trường xung quanh thì cả chục tài xế tuk tuk bủa vây, chèo kéo khách du lịch. Vì có khá nhiều kinh nghiệm khi đi phượt nên nhóm của Thiết bình tĩnh, tách khỏi đám đông, đi thật xa khỏi sân bay tìm taxi cho an toàn hơn nhưng bất thành. Cuối cùng cũng chấp nhận đi tuk tuk sau một hồi trả giá.

Sự đối lập của Ấn Độ

Sự đối lập của Ấn Độ.

Thiết chia sẻ, người Ấn không xấu, nhưng những người làm du lịch ở Ấn thì không phải ai cũng tốt. Nạn “chặt chém” kinh khủng khiến anh chàng ngỡ ngàng. Anh kể, có lần bắt một chiếc xe, tài xế hét giá 1.000 rupee (khoảng 360.000 đồng). Ngờ vực, cậu chàng tìm xe khác thì được đề nghị với giá 500 rupee (khoảng 180.000 đồng). Thử trả giá xuống còn 200 rupee (khoảng 70.000 đồng), sau khi đắn đo thì tài xế cũng chấp nhận. Việc giá tiền taxi bị hét lên đến gấp 5 lần khiến anh đề phòng. Mỗi khi muốn mua một món hàng gì, đặc biệt là đồ lưu niệm thì phải kiểm tra thật kỹ, trả giá thật thấp và lòng cũng chỉ mong bị “hớ” ít thôi.

Từng bị hoãn nhiều chuyến bay, nhưng nếu nói đến hoãn huỷ ở Ấn thì là số một thế giới. Kinh khủng nhất là cảnh tượng hành khách chờ la liệt ở nhà ga xe lửa. Lần đầu tiên trong đời anh trải qua một chuyến tàu thay đổi giờ khởi hành bao nhiêu lần cũng không nhớ nổi. Chỉ biết rằng cả nhóm ngồi ôm hành lý, chốc chốc cử một người lại xem giờ tàu mới, vài lần thì tên chuyến tàu biến khỏi bảng thông báo, chứng tỏ chuyến tàu của Thiết đã bị hủy. Chỉ chờ có thế, hàng chục cò mồi đến đề nghị chở cả nhóm về khách sạn nghỉ ngơi hoặc mua vé tàu mới do họ bán với giá gấp chục lần. Tuy nhiên, có kinh nghiệm trước đó nên bản thân mách bảo rằng không nên tin ai ở ga tàu. Tốt nhất là cố thủ ở đây, đợi giờ tàu chính thức. Điều ngạc nhiên là không ai phàn nàn với dịch vụ vận chuyển tệ hại này, có lẽ tình trạng trên đã quá quen thuộc với người Ấn rồi.

Tham gia lễ hội Holi vào tháng 7 hàng năm là mục đích chính trong chuyến đi này. Trước khi đi, Thiết tìm hiểu qua mạng, mường tượng ra một lễ hội sắc màu rất đẹp, hay ho và dự định sẽ chụp được nhiều bức hình đáng giá. Có một tấm ảnh nổi tiếng, đó là nhiều người cười vui hết cỡ trước ngôi đền nào đó ở Ấn Độ. Nhưng sau khi hỏi người địa phương thì cảm giác hụt hẫng một lần nữa lại đến với anh, họ trả lời rằng không có nơi nào như thế này cả. Giây phút nhận ra bức ảnh đẹp đẽ đó là nhờ photoshop để thu hút khách du lịch khiến anh chàng cảm thấy bị “lừa dối”. Rồi dần cảm nhận lễ hội này đang diễn ra giống như “Color me run” tại Việt Nam, không có gì đặc sắc.

Hai ngày trước khi lễ hội bắt đầu, cả nhóm đến khu chợ bán bột màu, gặp gỡ người bản địa. Những ngày này đường phố rất đẹp. Các cô gái, những người đàn ông đại diện cho các đấng linh thiêng diễu hành quanh phố. Dân chúng quỳ xuống, dâng tiền lên, rồi được ban phúc lộc, hoa quả và chấm một dấu giữa trán.

Ngày chính thức, người dân và khách du lịch đi trên phố. Những người đàng hoàng sẽ bắt tay bạn, quét màu lên trán hoặc trên mặt sau đó nói “Happy Holi”. Còn những người trẻ, đặc biệt là thanh niên bản xứ thì ném bột màu và nước vô tội vạ, không cần để ý tới bất tiện của người khác. Có những lúc Thiết phải ôm máy ảnh, chạy thật nhanh qua đám đông nếu không người sẽ ướt sũng. Cũng may trước khi đi, cả nhóm đã dùng màng bọc thực phẩm bọc máy ảnh thật kỹ nên không gặp rủi ro đáng tiếc nào.

Kỷ niệm đáng nhớ là đêm hôm đó, khi mọi người mệt mỏi nên trở về khách sạn trước. Vì cảm thấy chưa thỏa mãn với lễ hội nên anh chàng một mình vác máy ảnh len lỏi vào các con hẻm để chiều trí tò mò của mình. Ngoài mong đợi, Thiết gặp những cụ già tốt bụng, những người vẫn đang cố gìn giữ nét văn hóa của lễ hội Holi ngồi bên đám lửa, họ mời anh ăn những chiếc bánh may mắn, giải thích ý nghĩa của lễ hội. Đây là lễ hội giảng hòa, tất cả mọi người ném bột màu vào nhau, xóa bỏ mọi mâu thuẫn, kéo gần khoảng cách giai cấp vẫn tồn tại trong xã hội, bắt đầu một mùa xuân mới. Đồng thời, những đứa con tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành và thần linh vào ngày này. Trước khi đi, họ không quên dặn dò anh những khu vực không nên đến vì tiềm ẩn nguy hiểm đối với khách du lịch, kể cả đàn ông. Chia tay những người bản xứ tốt bụng đó Thiết mới biết, hiện người giàu ở Ấn Độ không còn đón lễ hội này nữa. Những ngày này họ tụ tập với nhau, mở tiệc ăn uống xa hoa linh đình. Chỉ những người nghèo mới thực hiện đủ nghi thức và tôn trọng lễ hội Holi.

Rời New Delhi, Thiết cùng nhóm bạn về thành phố Varanasi, cái nôi của nhiều tôn giáo ở Ấn Độ. Tại đây, anh đã bị sốc khi chứng kiến một cảnh tượng mà có lẽ suốt đời mình không thể nào quên. Đó là phong tục hỏa táng người chết bên bờ sông Hằng –  một trong những dòng sông linh thiêng và huyền bí nhất thế giới.

Từng đọc qua nhiều sách báo, nhưng khi tận mắt đứng xem mới thấy sự rùng rợn của nghi lễ này. Thiết còn nhớ, lúc đó vừa đến, anh đang ở trong nhà trọ cùng với bạn. Bỗng nghe vài tiếng hô thật to giống trong các lễ hội. Sẵn tính tò mò, anh quơ vội máy ảnh và chạy ra xem. Tuy nhiên cảnh tưởng lại khiến anh chàng giật mình. Họ khiêng người quá cố nằm trên một cái cáng, không đặt trong quan tài, chỉ quấn vải, đi dọc sông Hằng. Vừa đi, họ vừa cầu nguyện, vừa hô gì đó. Với người Ấn, sông Hằng là dòng sông mẹ linh thiêng. Cuộc đời mỗi người phải có một lần tắm trên sông. Trước khi chết, xác của họ phải được nhúng xuống sông lần cuối cùng, tẩy rửa hết tội lỗi mà họ đã gây ra trên cõi trần.

Người dân đang hỏa táng người chết bên bờ sông Hằng

Người dân đang hỏa táng người chết bên bờ sông Hằng.

Sau khi nhúng nước, họ mang xác dựng nghiêng, phơi cho ráo nước, chờ đến gần tối thì thiêu trên đống củi khô. Khói đen bốc lên mù mịt, ám cả mấy khu đền thờ xung quanh. Mãi cho đến bây giờ Thiết vẫn chưa thể nào quên được mùi khét của đám khói đó. Không giống bất kỳ mùi khét nào anh từng ngửi. Rất ám ảnh.

Sau khi thiêu xong, tro cốt của người chết sẽ được rải xuống sông Hằng, đưa người đó về với cội nguồn. Ở đó vài ngày, ngày nào cũng nghe những tiếng hô ngoài đường nhưng những ngày sau Thiết không dám chạy ra xem nữa. Chỉ cần trải qua một lần là đủ ám ảnh cả đời. Dự định bơi trên sông Hằng trong kế hoạch của cả nhóm cũng bị sụp đổ sau khi chứng kiến toàn bộ quá trình. Không ai còn can đảm tắm trên dòng sông linh thiêng này nữa. Trong thâm tâm anh nghĩ, có lẽ dòng sông này sinh ra dành cho người Ấn, những người có đức tin và thuộc về nó, không dành cho những kẻ ngoại đạo. Đêm đó, cả nhóm thuê thuyền đi trên sông, đặt máy ảnh trên đùi, ghi lại toàn bộ cảnh diễn ra. Người dân Ấn Độ hoàn toàn công khai, không che giấu khách du lịch về những phong tục này.

Sau chuyến đi Ấn Độ, chàng trai 29 tuổi luôn nhìn đời ở những khía cạnh đẹp nay đã ngộ ra, hai mặt tốt và xấu luôn tồn tại song song trong cuộc sống. Chuyến đi này không thỏa mãn được Thiết vì anh bị sốt vài ngày. Nhiệt độ thay đổi liên tục, ban ngày quá nóng, về đêm thì lại quá lạnh khiến cơ thể không thích ứng kịp. Tuy nhiên, chắc chắn Thiết sẽ quay trở lại Ấn ít nhất một lần nữa để tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất dày văn hóa này.

Xem thêm một số hình ảnh trong chuyến đi Ấn Độ của Thiết Nguyễn

Theo Ngôi sao

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn