Châu Á có thể trở thành ‘thùng thuốc súng’ do chạy đua vũ trang

0
Châu Á có thể trở thành ‘thùng thuốc súng’ do chạy đua vũ trang

Các trung tâm quyền lực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự, khiến nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng trong khu vực.

chay dua vu trang anh 1

Tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, ngoại ô thành phố Thượng Hải, con tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được chế tạo. Con tàu này sẽ có khả năng cho máy bay tốc độ cất cánh tương tự với các tàu sân bay Mỹ. Đây là một trong những biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Để phản ứng trước sức mạnh của Bắc Kinh, các quốc gia trong khu vực cũng đang lặng lẽ tăng cường sức mạnh quân sự. Xu thế này có thể khiến khu vực rơi vào bất ổn.

Châu Á – Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ mắc phải “thế lưỡng nan về an ninh” – thuật ngữ chỉ tình trạng các quốc gia buộc phải liên tục củng cố lực lượng quân sự để đáp trả động thái tương tự của các nước khác.

“Nguy cơ xung đột giữa các nước lớn đang gia tăng”, ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhận định. “Chúng ta đang xây dựng lực lượng cho một cuộc khủng hoảng tiềm tàng”.

Trung Quốc trỗi dậy

Tiềm lực quân sự của Trung Quốc đang gia tăng đáng kể. Lực lượng hải quân nước này đã vượt Mỹ về số tàu. Trung Quốc cũng sở hữu các loại máy bay chiến đấu tối tân và kho vũ khí hạt nhân không thể coi nhẹ, theo CNN.

chay dua vu trang anh 2

Hải quân Trung Quốc đã vượt Mỹ về số tàu. Ảnh: Financial Times.

Đáng chú ý, xu hướng tăng ngân sách quân sự và quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, giúp nước này thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật với Mỹ.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm. Tuy vậy, thông tin này bị Bắc Kinh phủ nhận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây chỉ là thử nghiệm thiết bị vũ trụ thông thường.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc không phải là điều duy nhất khiến các quốc gia láng giềng chú ý. Mối quan ngại còn đến từ những phát ngôn của các quan chức Bắc Kinh, thể hiện qua tuyên bố của các nhà ngoại giao “chiến lang”.

Ông Arzan Tarapore, nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, cho biết các nước láng giềng coi sự quyết đoán của Trung Quốc là lời cảnh báo. “Đây không chỉ là ‘ngoại giao chiến lang’, mà còn là tham vọng thúc đẩy các yêu sách về lãnh thổ phi lý”, ông nói.

Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường sức mạnh

Trong số các quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy xây dựng lực lượng quân sự có hai nước “sát nách” Trung Quốc: Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tháng 10 vừa qua, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết tăng gấp đôi tiềm lực quân sự. Nếu lời hứa đó được thực hiện, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên đạt mức ngân sách quốc phòng 2% GDP kể từ sau Chiến tranh thế giới II.

Nhật Bản cũng dự định triển khai thêm tên lửa tới quần đảo Okinawa trong năm 2022. Các chuyên gia nhận định đây là hành động nhằm kiềm chế các động thái của Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan.

chay dua vu trang anh 3

Nhật Bản đã đặt mua tiêm kinh F-35 từ Mỹ để hiện đại hóa lực lượng không quân. Ảnh: U.S. Air Force.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đặt mua tiêm kích F-35 từ Mỹ, cũng như cải tiến các tàu khu trục trực thăng thành tàu sân bay đủ khả năng để máy bay F-35 cất cánh. Nước này cũng đang có ý định bổ sung thêm tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu vào kho vũ khí của mình.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang tích cực tăng cường tiềm lực quân sự nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Tháng 9 vừa qua, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm thông thường.

Động thái trên diễn ra ngay sau khi Mỹ đồng ý kết thúc một hiệp ước từ năm 1970 nhằm hạn chế chương trình phát triển vũ khí của Seoul. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng dự kiến sở hữu con tàu sân bay đầu tiên vào năm 2023.

Tuy cùng là đồng minh của Mỹ, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tồn tại nhiều vấn đề mang tính lịch sử. Điều này có thể làm phức tạp thêm tình hình.

“Một số nhà lãnh đạo cánh hữu tại Tokyo có thể nói: Nhìn vào Hàn Quốc đi, họ đã có một con tàu sân bay đầy đủ, chúng ta cũng cần một chiếc, vì đây là sự tự tôn dân tộc”, ông Lionel Fatton, chuyên gia về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Đại học Webster, Thụy Sĩ, nói.

Australia, Ấn Độ không đứng ngoài cuộc

Trái với Nhật Bản và Hàn Quốc, Australia không ngại tăng cường sự phụ thuộc về quân sự vào Washington. Tháng 9 vừa qua, Canberra chính thức tuyên bố hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp để tham gia liên minh AUKUS với Mỹ và Anh, giúp Australia trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hiệp ước này giúp hải quân Australia tăng tầm hoạt động tới Biển Đông, cũng như giúp Washington và London tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Ngoài ra, liên minh còn cho thấy Australia “chọn” Mỹ thay vì Trung Quốc, làm thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á – Thái Bình Dương.

chay dua vu trang anh 4

Australia quyết định tham gia liên minh AUKUS với Mỹ và Anh. Ảnh: Straits Times.

Liên minh AUKUS đón nhận phản ứng trái chiều từ Đông Nam Á. Malaysia và Indonesia là hai quốc gia công khai bày tỏ quan ngại liên minh này sẽ châm ngòi chạy đua vũ trang trong khu vực. Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định mối lo này là không có cơ sở.

Bên cạnh eo biển Đài Loan hay Biển Đông, giới chuyên gia còn lo ngại về căng thẳng ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Chỉ hơn một năm trước, vào tháng 6/2020, hàng chục binh sĩ hai nước đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Thụy Điển, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đạt khoảng 72 tỷ USD, cao thứ ba thế giới. Nước này cũng đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội, từ không quân đến hải quân. INS Vikrant, con tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ, đang trải qua các khâu hoàn thiện và thử nghiệm cuối cùng.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Arzan Tarapore tại Đại học Stanford nhận định các động thái của Ấn Độ vẫn khá rời rạc.

“Lực lượng không quân rất cần được bổ sung nguồn lực tài chính, trong khi số tàu ngầm hải quân ‘nghỉ hưu’ đang nhiều hơn số tàu được đóng mới hay mua mới”, ông nói.

Khi Ấn Độ tăng cường tiềm lực quân sự, quốc gia lo ngại nhất là Pakistan. Theo ông Tarapore, điều này là không thể tránh khỏi. “Quốc gia này sẽ làm những gì cần thiết để đối phó với các áp lực về quân sự”, ông nói.

Tương lai đáng lo ngại

Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ dừng tăng cường sức mạnh quân sự, khi Bắc Kinh vẫn nói rằng Mỹ là nguyên nhân cho cuộc “chạy đua vũ trang” trong khu vực.

Và khi Trung Quốc xây dựng thêm lực lượng, các quốc gia xung quanh không thể ngồi yên.

Một số chính trị gia và chuyên gia quân sự đã so sánh tình hình hiện nay với tình trạng căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dượng và châu Âu trong những năm 1930, ngay trước Chiến tranh thế giới II.

chay dua vu trang anh 5

Nhiều chuyên gia và chính trị gia bày tỏ lo ngại về căng thẳng trong khu vực. Ảnh: Japan Times.

Tiến sĩ Peter Layton tại Đại học Griffith, Australia, hy vọng sự phụ thuộc kinh tế giữa các quốc gia sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột. “Giờ đây, câu hỏi là liệu hệ thống kinh tế có đủ mạnh để ngăn chặn xung đột quân sự hay không”.

Trong khi đó, chuyên gia Malcolm Davis tại ASPI nhận định các quốc gia sẽ “không có sự lựa chọn” trong bối cảnh tình hình khu vực trở nên nguy hiểm hơn do chạy đua vũ trang.

“Hành vi gây hấn và quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra, dù các nước láng giềng phản ứng thế nào đi chăng nữa”, ông nói. “Kể cả khi chúng ta không phản ứng, họ vẫn sẽ tiếp tục”.

Nhà nghiên cứu Arzan Tarapore chỉ ra sự yếu kém về quân sự có thể thúc đẩy hành vi gây hấn của các quốc gia khác, trong khi sức mạnh quân sự có thể là tác nhân kiềm chế xung đột.

“Chạy đua vũ trang rất tốn kém. Tuy vậy, cái giá của việc để thua trong cuộc chạy đua này là tai hại hơn nhiều”, ông kết luận.

Nguồn: News.zing.vn