Châu Á được lợi gì từ cuộc gặp Biden – Putin?

0
36

Tổng thống Mỹ và Nga sẽ gặp vào tuần tới để trao đổi về quan hệ song phương. Sự hạ nhiệt trong căng thẳng giữa hai cường quốc sẽ có lợi cho hầu hết châu Á, theo các chuyên gia.

dia chinh tri chau A anh 1

Tại châu Á, Ấn Độ có lẽ là nước đặc biệt hào hứng trước cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo nhận định của C. Raja Mohan – giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore – trong bài viết trên Foreign Policy ngày 11/6.

Theo ông Mohan, Ấn Độ đang nuôi hy vọng hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ tìm được cách hòa thuận trong cuộc gặp giữa tháng 6. Việc quan hệ Mỹ – Nga tốt đẹp ắt sẽ tạo điều kiện giúp Ấn Độ đối phó một Trung Quốc ngày càng cứng rắn.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á mong muốn căng thẳng Mỹ – Nga hạ nhiệt. Nhiều nước cùng châu lục cũng tin rằng việc Nga có vai trò độc lập hơn sẽ giúp họ có thêm không gian để lèo lái trong cuộc đối đầu Trung – Mỹ sắp tới.

Những người hoài nghi chỉ ra rằng cả Washington và Moscow đều đánh giá thấp triển vọng của cuộc gặp thượng định. Nhiều vấn đề khó vẫn đang cản trở quan hệ Mỹ – Nga.

Vì thế, việc các nước châu Á, trừ Trung Quốc, hy vọng quan hệ ba bên Washington – Bắc Kinh – Moscow sớm được nhấn nút “reset” (tái khởi động) là không thực tiễn.

Tuy nhiên, chỉ cần tam giác chiến lược nói trên được nới lỏng đôi chút cũng sẽ có hệ quả lớn đối với cục diện địa chính trị châu Á. Châu Âu sẽ chịu tác động đầu tiên nếu căng thẳng Mỹ – Nga hạ nhiệt. Tác động này sau đó sẽ lan tỏa đến châu Á.

dia chinh tri chau A anh 2

Nếu Nga yên ổn với Mỹ và đạt được thỏa hiệp chính trị với châu Âu, Moscow có thể sẽ không còn bị thôi thúc nghiêng về lập trường của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

EU “rảnh tay” hơn nếu Mỹ – Nga hạ nhiệt

Trật tự an ninh châu Âu từ lâu đã là “trận địa” giữa Mỹ và Nga. Sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 dẫn đến một giai đoạn tương đối hòa thuận giữa Nga và phương Tây. Nhưng bước qua thiên niên kỷ mới, quan hệ hai bên bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng.

Từ đó đến nay, giữa Mỹ và Nga xảy ra nhiều mâu thuẫn hơn. Quan hệ song phương càng thêm rạn nứt sau khi sự việc Crimea vào năm 2014.

Quyết định gặp ông Putin từ đầu nhiệm kỳ cho thấy Tổng thống Biden đang có cái nhìn mới về mối quan hệ không suôn sẻ với Nga, trong bối cảnh ông muốn tập trung vào thách thức lớn hơn từ Trung Quốc, và cũng cần huy động sự ủng hộ từ châu Âu cho cuộc cạnh tranh địa chính trị mới với Bắc Kinh.

Ông Biden dường như sẵn sàng đảo ngược mệnh đề thường thấy tại Washington, rằng Mỹ có thể và phải đồng thời đối phó cả Nga và Trung Quốc.

Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên chủ chốt bắt đầu có cách tiếp cận mới với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khối này cũng dần nhận ra thách thức có tính hệ thống mà Trung Quốc tạo ra.

Tuy nhiên, khả năng đóng góp của khối này vào an ninh châu Á sẽ bị giới hạn bởi mối đe dọa gần hơn từ Nga.

Do đó, một thỏa thuận giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ phục vụ lợi ích của cả Mỹ và châu Âu, nhưng không ai dám nghĩ điều này trong tầm với.

Tại Washington lúc này có rất ít người ủng hộ việc tạo dựng quan hệ tích cực với Nga. Nội bộ Brussels cũng chưa thống nhất về cách ứng phó với Moscow.

Tuy nhiên, hoàn cảnh thường có thể buộc các quốc gia làm những điều dường như không tưởng. Một khoảng tạm lắng trong xung đột giữa Nga và phương Tây có thể đặt nền tảng cho quá trình sắp xếp lại địa chính trị Âu – Á. Một châu Âu bớt lo lắng về Nga có thể đóng vai trò lớn hơn ở châu Á.

Nhiều nhân vật tại Washington hoài nghi về việc Moscow có thể tạo ra lợi thế cho phương Tây ở châu Á. Nguyên nhân là quan hệ Nga – Trung Quốc trước mắt đang rất tích cực, và Moscow cũng thể hiện mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ ấy.

dia chinh tri chau A anh 3

Châu Âu sẽ “rảnh tay” hơn để tập trung vào châu Á nếu bớt căng thẳng với Nga. Ảnh: Reuters.

Kể cả khi Mỹ và châu Âu có thể đặt ra thỏa thuận chấp nhận được với Nga, khả năng Moscow muốn đánh đổi mối quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh là rất thấp.

Tuy nhiên, Nga chưa liên minh với Trung Quốc. Cũng không nên giả định rằng Moscow buộc phải trở thành đối tác của Bắc Kinh, theo ông Mohan.

Nếu Nga yên ổn với Mỹ và đạt được thỏa hiệp chính trị với châu Âu, Moscow có thể sẽ không còn bị thôi thúc phải nghiêng về lập trường của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Như vậy, Moscow nhiều khả năng sẽ lấy lại được vai trò độc lập trong vấn đề an ninh châu Á.

Phần lớn châu Á cởi mở với Nga

Kể cả ở thời cực thịnh, ảnh hưởng của Liên Xô tại châu Á cũng khá hữu hạn. Khi Washington bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh vào thập niên 1970, Moscow càng thêm “ra rìa” tại châu Á.

Nhưng một điều chắc chắn là Nga vẫn còn ảnh hưởng tại nhiều nơi ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ bán đảo Triều Tiên tới các khu vực ở châu Phi. Trong những nơi này có Ấn Độ.

Từ trước đến nay, Ấn Độ luôn muốn giữ gìn quan hệ thân thiết với Nga. Nhưng thái độ đối đầu giữa Moscow và Washington trong những năm gần đây bắt đầu bó hẹp hành động của New Delhi.

Đồng thời, Nga cũng muốn giữ quan hệ với Ấn Độ. Nga duy trì trung lập trong cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên Himalayas bắt đầu từ mùa xuân năm 2020.

Trong lúc cuộc đụng độ diễn ra, Nga vẫn để mở nguồn cung thiết bị quân sự cần thiết cho lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Khác với Ấn Độ, Nhật Bản luôn muốn sát lại gần Nga nhưng không thành công. Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản tích cực trao đổi với Nga để giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh, nhưng hai bên không đạt thỏa thuận trước khi ông Abe từ chức vào tháng 9/2020.

dia chinh tri chau A anh 4

Việc quan hệ Mỹ – Nga tốt đẹp được cho là sẽ tạo điều kiện giúp Ấn Độ đối phó một Trung Quốc ngày càng cứng rắn. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Cả New Delhi, Tokyo, và Moscow cùng đặt hy vọng vào đối thoại ba bên (Track II) được thực hiện giữa các viện chính sách ba nước. Mục đích là có được sự thấu hiểu tốt hơn về các mối quan hệ phức tạp trong khu vực và tìm được tiếng nói chung.

Sự trung lập, hay thậm chí là ủng hộ, của Nga sẽ rất đáng giá đối với Ấn Độ và Nhật Bản trong lúc hai nước tìm cách khôi phục thế cân bằng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thế cân bằng này trước đó bị phá vỡ bởi thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.

Phần còn lại của châu Á cũng cởi mở trước khả năng Nga đóng góp vai trò lớn hơn trong khu vực.

Cục diện trên có thể thay đổi nếu quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng châu Âu ít xung đột hơn, đồng thời Nga xa rời chính sách của Trung Quốc tại châu Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trên hết, nhu cầu an ninh ở châu Á lúc này đang rất lớn. Cả Mỹ, châu Âu, và phần lớn châu Á đều sẽ có lợi nếu Nga là người đóng góp vào an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì thế, diễn biến cuộc gặp tuần sau sẽ được châu Á theo dõi rất sát sao.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn