Chi Lăng (Lạng Sơn): Phát triển du lịch di tích gắn với sinh thái

0
Chi Lăng (Lạng Sơn): Phát triển du lịch di tích gắn với sinh thái

Là một huyện có nhiều khu di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua, huyện Chi Lăng đã xây dựng phương án phát triển du lịch di tích gắn với sinh thái của vùng.

Người dân Chi Lăng giới thiệu về đặc sản na Chi Lăng tại lễ hội Na

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Chi Lăng có nhiều điểm di tích lịch sử, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch của vùng. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động du lịch tại địa phương còn mang tính tự phát, lượng khách đến các điểm di tích vẫn rất ít, chỉ tập trung trong một vài ngày diễn ra lễ hội. Nguyên nhân là do tuyên truyền, quảng bá về du lịch còn yếu, chưa có chiến lược quảng bá bài bản chuyên sâu, chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tuyến du lịch. Bên cạnh đó, các công trình di tích lâu ngày không được tôn tạo, một số đã xuống cấp… nên chưa thu hút được khách du lịch đến với địa phương. Trước thực trạng đó, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện về việc khôi phục và phát huy thế mạnh tập trung vào phát triển du lịch di tích kết hợp với sinh thái, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú.

Hiện nay trên địa bàn huyện Chi Lăng có 112 điểm di tích, bao gồm: 56 di tích lịch sử cách mạng; 10 di tích danh thắng; 6 di tích khảo cổ; 40 di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích này phần lớn nằm trong chuỗi quần thể di tích lịch sử Chi Lăng. Đây là những điểm di tích rất có tiềm năng phát triển nếu biết kết hợp đúng hướng và tận dụng lợi thế sinh thái của địa phương.

Anh Trần Công Anh, một du khách đến từ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định chia sẻ: “Nhân chuyến lên tham quan ở Lạng Sơn cùng với bạn bè, qua các câu chuyện lịch sử tôi được nghe nhiều đến các di tích ở huyện Chi Lăng, điển hình là ải Chi Lăng. Đây là những di tích rất nổi tiếng, gắn với lịch sử của dân tộc, nhưng khi đến đây tham quan thì mọi thứ vẫn còn rất đơn điệu, không có các chỗ vui chơi, nên khó có thể giữ chân được du khách. Trong khi ở đây lại có đặc sản na, dọc đường đi có nhiều vườn na rất đẹp, nếu biết cách tận dụng, tôi nghĩ rằng đó sẽ là tiềm năng để thu hút du lịch”.

Được biết, hằng năm, huyện đều có kế hoạch nâng cấp, tu bổ các di tích đồng thời phối hợp với các ngành, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng, hình thành tuyến du lịch này. Đặc biệt là xây dựng tuyến du lịch gồm 6 điểm: nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng – đền Quỷ Môn – ải Chi Lăng – hang Xăng dầu – đập Bãi Hào – ải Chi Lăng. Trong đó, điểm nhấn là kết hợp khai thác tuyến du lịch này gắn với sinh thái, dựa vào các vùng sản xuất đặc trưng của vùng, nổi bật là các vườn cây ăn quả. Với giải pháp này, tại các điểm đến trong chuỗi hành trình, các du khách sẽ được tản bộ vào các vườn na, vườn cam, bưởi cùng các sản vật khác để thưởng ngoạn và nếm thử các đặc sản của vùng. Đồng thời, tại điểm kết thúc của tuyến du lịch, các du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực với những món ăn xứ Lạng ngay tại vùng đặc sản.

Bà Đinh Thị Thao cho biết thêm: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện về tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tôn tạo, trùng tu, khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao dân gian và khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của quê hương để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái. Hy vọng, với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong huyện, các sản phẩm du lịch văn hóa ở Chi Lăng sẽ tạo được sức hút lớn với du khách và thực sự trở thành một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương.

HOÀNG TÙNG

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn