Những chiêu trò quảng cáo của các nhà bán lẻ dịp mua sắm này có thể khiến bạn “xiêu lòng” và chi trả cho sản phẩm không thực sự cần thiết.
Những chiêu trò quảng cáo của các nhà bán lẻ dịp mua sắm này có thể khiến bạn “xiêu lòng” và chi trả cho sản phẩm không thực sự cần thiết.
Đừng cho rằng mọi ưu đãi đều đặc biệt như lời chào mời. Theo The Guardian, hàng năm, các chuyên gia tiêu dùng phát hiện rằng chỉ số ít sản phẩm được quảng cáo “đúng” vào ngày Black Friday.
Ví dụ, năm 2019, chỉ 1% trong số những mặt hàng được nhóm này kiểm tra thực sự đang ở mức giá rẻ nhất vào dịp lễ mua sắm. Số còn lại đều có sẵn trong kho, với mức giá thấp hơn trong 6 tháng trước hoặc sau Black Friday.
“Hết lần này đến lần khác, chúng ta nhận ra rằng ‘ngày thứ 6 đen tối’ không nhất thiết là thời điểm tốt nhất để nhận được mức chiết khấu tốt”, Lisa Barber, biên tập viên về đồ gia dụng và dịch vụ gia đình của trang Which?, chia sẻ.
“Tuy nhiên, những người dành chút thời gian nghiên cứu thị trường sẽ có thể loại bỏ các quảng cáo thổi phồng và vẫn tìm được món hời thực sự tốt”, cô nói thêm.
Kiểm tra xem liệu bạn đang nhận được món hời chính hãng hay không
Chartered Trading Standards Institute (CTSI), một hiệp hội tiêu chuẩn thương mại của Anh, cho biết đôi khi, người bán nâng giá trước thời điểm Black Friday để làm cho sản phẩm có vẻ như là món hời thực sự.
Hiệp hội khuyên rằng người tiêu dùng nên sử dụng một số website nhằm kiểm tra xem sản phẩm muốn mua có giá bao nhiêu trong quá khứ, như CamelCamelCamel hoặc Pricespy.
Nếu bạn dự định đến trực tiếp cửa hàng tìm kiếm sản phẩm, hãy kiểm tra giá của món hàng trước khi đi để bạn có thể tự đưa ra so sánh riêng. Các nhà bán lẻ không có nghĩa vụ phải trả lời bạn về mức giá trước kia của sản phẩm.
Khôn ngoan trước các chiêu trò quảng cáo
Các nhà bán lẻ có một số cách khiến bạn quẹt thẻ thanh toán đơn hàng. Khi nắm được những “mánh khóe” này, bạn sẽ tránh rơi vào bẫy của họ.
Một thủ thuật phổ biến là tạo cảm giác cấp bách.
“Chúng ta sẽ bắt gặp những dòng chào mời như ‘Chỉ còn 10 cái cuối cùng’ hoặc ‘Hãy nhanh tay khi còn hàng’ ở các cửa hàng cả online lẫn trên phố. Hầu hết người tiêu dùng sẽ vô tình chọn mua những mặt hàng đó vì họ tin rằng đây là cơ hội cuối cùng để sở hữu chúng”, hãng marketing Sortlist cho biết.
Một thủ thuật khác là gửi tin nhắn thông báo có bao nhiêu người đang cùng xem mặt hàng bạn cân nhắc. Nó khiến bạn nghĩ rằng sản phẩm rất đáng giá và có nguy cơ “cháy hàng”.
Theo Sortlist, hãy nhắc nhở bản thân rằng nhiều người trong số họ không có khả năng “chốt đơn” sản phẩm đó.
Hãy lập danh sách sản phẩm bạn muốn mua
Bạn có thể cần quần áo mới hoặc sắm những món đồ để tặng cho người khác. Do đó, hãy lập danh sách để tiện theo dõi và thực hiện một số nghiên cứu trước ngày giảm giá.
Theo Sarah Pennells, chuyên gia tài chính tiêu dùng tại công ty tài chính Royal London, nếu muốn sắm một chiếc tivi, hãy đảm bảo rằng bạn biết mình muốn nó có những tính năng nào.
“Một số cửa hàng sử dụng Black Friday như cơ hội xử lý hàng cũ tồn kho hoặc không được ưa chuộng”, cô nói.
Nếu bạn hiểu rõ mình muốn gì trước khi mua sắm, bạn sẽ tránh tình trạng quá phấn khích và mang về nhà món đồ không phù hợp.
Ngoài việc có một danh sách rõ ràng, Pennells khuyên rằng bạn nên bám theo ngân sách đã đề ra trước đó. Theo chuyên gia, đừng quá lạc quan về khả năng tài chính của bạn lúc này vì sau Black Friday sẽ là mùa lễ tết.
Tự vấn bản thân có cần món đồ đó không
“Đừng mua sản phẩm chỉ vì nó rẻ. Sẽ thật phí tiền nếu bạn không cần hoặc không muốn nó”, chuyên gia tài chính Pennells nói.
Nếu còn phân vân, hãy nghĩ xem bạn phải lao động bao lâu để trả tiền cho chúng, chẳng hạn 2 ngày công hoặc cả tháng lương.
Đọc kỹ thỏa thuận về điều kiện trả hàng
Một số nhà bán lẻ đã ngăn chặn tình trạng ồ ạt trả lại hàng hóa và sinh ra mức phí cho việc đổi trả, bao gồm phí đóng gói và cước vận chuyển. Vì vậy, đừng cho rằng bạn sẽ không thiệt hại gì sau khi hoàn trả sản phẩm.
Hầu hết mặt hàng có thể hoàn trả và bạn được nhận lại toàn bộ chi phí bởi các nhà bán lẻ thường phải cho khách hàng 14 ngày để hủy mua hàng. Tuy nhiên, một số sản phẩm không áp dụng quy định này, bao gồm những món dễ hư hỏng hoặc hàng thiết kế, thủ công. Do đó, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua.
Hủy đăng ký nhận email
Nếu đăng ký nhận email từ các nhà bán lẻ, bạn có thể đã nhận được ít nhất một bức thư về chương trình giảm giá Black Friday của họ. Những lời quảng cáo được viết khéo léo có thể dễ dàng thu hút bạn truy cập website và xem có món hàng nào muốn mua.
Hãy loại bỏ sự cám dỗ này bằng cách xóa thư đó và hủy đăng ký email của nhà bán lẻ.
Tránh lừa đảo
Lừa đảo mua hàng, nơi khách hàng trả tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ không tồn tại, đang là một ngành tăng trưởng ở thời điểm hiện nay. Tại Anh, một số ngân hàng lớn cho biết lượng lớn khách hàng của họ đã trở thành nạn nhân lừa đảo với mức thiệt hại trung bình là 190 bảng.
Hãy đảm bảo rằng ưu đãi Black Friday của bạn không phải món hời “ảo” bằng cách xem trực tiếp trên website chính thức của các nhà bán lẻ thay vì truy cập liên kết đáng ngờ.
Hơn nữa, hãy suy nghĩ kỹ khi người bán yêu cầu chuyển khoản thanh toán. Bạn nên sử dụng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ để hạn chế sự cố xảy ra.
Đừng mua gì cả
Đương nhiên, cách tốt nhất để tránh lãng phí tiền là không mua gì cả. Hàng năm, nhiều người tiêu dùng ở 50 quốc gia tích cực hưởng ứng ngày Không Mua Gì (Buy Nothing Day).
Nhóm vận động chiến dịch Không Mua Gì ở Anh khuyến khích mọi người suy nghĩ về mặt trái của tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các lựa chọn mua sắm bền vững hơn.
“Tái chế là việc tốt. Tiết giảm càng tốt hơn”, trích thông điệp của nhóm.
Nguồn: News.zing.vn