Chiến lược chống phạt đền cho tuyển Việt Nam

0
64

Giảm sai lầm cá nhân, chủ động cầm bóng để giải tỏa áp lực là những giải pháp cần thiết để tuyển Việt Nam thoát nỗi ám ảnh mang tên phạt đền.

5 quả phạt đền trong 9 trận là thống kê đáng báo động của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022. Đó không phải con số của một đội bóng thực sự chắc chắn đang trên đà bước lên đỉnh cao.

Làm thế nào để giảm số quả phạt đền phải nhận trong những trận tới là bài toán khó với HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, ông đã phần nào tìm thấy đáp án trong 90 phút kiên cường trước Australia trên sân Mỹ Đình.

tuyen viet nam chong phat den anh 1

Tuyển Việt Nam nhận số quả phạt đền ở vòng loại World Cup 2022 nhiều hơn 5 đội cùng bảng cộng lại. Ảnh: AFC.

Sự non nớt trong lần đầu ‘ra biển’

Nói về lý do tuyển Việt Nam chịu nhiều phạt đền, HLV Park Hang-seo đề cập đến thói quen cầu thủ và vị trí đội hình lùi xuống quá thấp, dẫn đến để đối thủ đè nén.

Ở khía cạnh đầu tiên, cả 5 tình huống dẫn đến phạt đền đều đến từ lỗi hậu vệ hoặc thủ môn. Chia sẻ với Zing, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định phạt đền trước hết đến từ sai sót phòng ngự cá nhân, yếu tố khó tránh khỏi trong lần đầu đội tuyển ra biển lớn. Các tiền vệ, tiền đạo mà Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh phải so tài đều thuộc mẫu “quái kiệt” châu lục như Salman Al-Faraj, Salem Al-Dawsari (Saudi Arabia) hay Ali Mabkhout, Fabio Lima (UAE).

“Khi tuyển Việt Nam tiến ra châu lục, gặp đối thủ ở trình độ cao, họ sẽ khai thác được những mặt hạn chế của hậu vệ Việt Nam. Tuyển Việt Nam phòng ngự số đông, thi đấu kiên cường nhưng nếu không giữ tập trung hay chơi tỉnh táo thì rất dễ sai lầm”.

“Sai lầm của Quế Ngọc Hải ở quả phạt đền thứ hai trước Saudi Arabia đến từ sự non nớt. Nếu dày dạn, Ngọc Hải sẽ không phạm lỗi như vậy ở tình huống tiền đạo đối thủ chỉ đi bóng để kiếm phạt đền. Những đối thủ ở trình độ cao luôn biết cách khai thác điểm yếu, buộc chúng ta mắc sai lầm”, cựu HLV Đoàn Minh Xương phân tích.

Tuy nhiên, trách nhiệm không thuộc về riêng hàng phòng ngự. Trong bóng đá đỉnh cao, phòng ngự và tấn công là nhiệm vụ của tập thể. Cầu thủ phòng ngự cao nhất trên sân là tiền đạo, người gây sức ép ngăn đối thủ triển khai bóng, còn cầu thủ tấn công thấp nhất là thủ môn, chốt luân chuyển bóng đầu tiên ở hàng thủ.

Với đội bóng đề cao cự ly đội hình như tuyển Việt Nam của HLV Park, phòng ngự tập thể hay tấn công tập thể càng cần được đề cao. Do đó, những sai số hậu vệ mắc phải đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cách chơi của cả đội.

Bàn thua ở trận gặp Saudi Arabia là một minh chứng. Tiền vệ trung tâm Mohamed Kanno đã thực hiện đường chuyền xuyên tuyến 40 m, giúp đồng đội băng xuống cánh phải và đưa bóng vào trong, buộc Duy Mạnh lăn xả cản phá và để bóng chạm tay trong vùng cấm, dẫn đến quả 11m. Đây là lỗi hệ thống từ khâu đánh chặn của hàng tiền vệ đến cách di chuyển đồng bộ để giữ cự ly của khối đội hình. Tình huống mắc lỗi của Duy Mạnh chỉ là kết quả cuối cùng.

“Đấy là bài học cho cả nền bóng đá mà chỉ những trải nghiệm đỉnh cao mới mang lại. Cầu thủ phải thi đấu nhiều mới thích ứng được với đẳng cấp này. Trong trận gặp Saudi Arabia, tuyển Việt Nam nhập cuộc tốt nhưng không giữ được bản lĩnh và tâm lý thi đấu, dẫn đến cuốn theo lối chơi của đối thủ và không kiểm soát được nhịp độ trận đấu. Khi mất nhịp chơi bóng, sức ép hàng thủ phải chịu dẫn đến sai lầm là điều hiển nhiên”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.

tuyen viet nam chong phat den anh 2

Chủ động cầm bóng, đẩy cao khối phòng ngự là cách tốt nhất để tuyển Việt Nam hạn chế bị thổi phạt đền. Ảnh: Minh Chiến.

Chơi bóng chủ động

Lời giải cho bài toán phạt đền được hé lộ ở trận gặp Australia. Trên sân Mỹ Đình tối 7/9, HLV Park chỉ thay 3/11 vị trí chính thức so với trận trước. Sơ đồ 5-4-1 được duy trì nhưng cách tiếp cận đã khác. Tuyển Việt Nam không lùi sâu đội hình “bo kín” vòng cấm, lấy số đông phòng ngự bị động như trận gặp Saudi Arabia. Vẫn giữ khối phòng ngự giăng ngang với hai lớp (hậu vệ và tiền vệ), nhưng các học trò của thầy Park thi đấu áp sát chủ động.

Các tiền vệ như Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức đẩy cao gây sức ép để bắt bài đường chuyền, ngăn đối thủ triển khai bóng ở tuyến giữa. Khi tuyến hai (hàng tiền vệ bị vượt qua), các trung vệ cũng thay phiên rời vị trí để tạo áp lực, ngăn đối thủ phối hợp nhóm.

Do chủ nhà gây áp lực, Australia chỉ có thể chuyền bóng ở những vùng an toàn (không gian 2/3 giữa sân), không thể liên tục nhồi bóng vào vòng 16,5 m để tạo áp lực cho khối phòng ngự.

HLV Park Hang-seo từng chia sẻ muốn hàng hậu vệ có thể đẩy cao thêm khoảng 10m, di chuyển càng xa vùng cấm càng tốt. Đẩy cao đội hình và gây áp lực ở tuyến giữa đồng nghĩa hậu vệ có thể đẩy “vùng phạm lỗi” ra ngoài khu cấm địa, tới những vị trí không nguy hiểm cho cầu môn.

Ngoài ra, việc các cầu thủ tự tin cầm bóng ban chuyền và giữ nhịp cũng tạo khoảng thời gian cần thiết để khối phòng ngự tự tổ chức, định hướng lại vị trí. Triết lý “cầm bóng cũng là phòng ngự” đang là xu hướng của bóng đá hiện đại. Không cách phòng ngự nào tốt hơn việc chủ động chơi bóng theo ý muốn thay vì để đối thủ kiểm soát, thao túng.

Trong hiệp 2, tuyển Việt Nam đá với sơ đồ 3-5-2, nâng mức độ chủ động áp sát thêm một nấc với sự hiện diện của một tiền vệ phòng ngự (Phạm Đức Huy). Nhờ vậy, vòng cấm của Đặng Văn Lâm được đảm bảo an toàn. 6 cú sút (1 trúng đích) là tất cả những gì đoàn quân đang chơi bóng tại châu Âu của Australia làm được. Khi hậu vệ được giảm áp lực, sai sót dẫn tới phạt đền vì thế mà giảm xuống.

“Tuyển Việt Nam chơi phòng ngự phản công nhưng phải giữ được nhịp chơi, đừng cuốn theo đối thủ. Hãy giữ quả bóng trong chân càng lâu càng tốt. Khi mình kiểm soát bóng, đối thủ không thể tấn công. Cầm bóng tạo ra cơ hội tấn công cũng là giúp hàng thủ có thời gian hồi phục. Bên cạnh đó, cần đẩy thế trận phòng ngự ra xa cầu môn, khoảng 20-25m, cố gắng phạm lỗi từ xa, đừng lùi về sân nhà quá sâu để đối thủ áp sát cầu môn”.

“Trong bàn thua gặp phải tối 7/9, tiền đạo Australia đã đồng loạt tiếp cận vùng cấm chỉ sau 2 nhịp chuyền, khiến hậu vệ và thủ môn không kịp trở tay. Gặp đối thủ càng mạnh, càng khỏe, càng phải ngăn họ hiện diện trong vùng cấm”, cựu HLV Bình Dương nói thêm.

Một con số nữa HLV Park Hang-seo cần lưu tâm là 4 trong 5 quả phạt đền gần nhất của ĐTQG đều đến từ những trận đấu của tháng 6 và 9, quãng thời gian V.League “đóng băng”. Sai lầm tăng vọt khi các cầu thủ không được thi đấu đỉnh cao để duy trì cảm giác bóng. Với tần suất ít ỏi 2 trận mỗi tháng (bằng khoảng một phần ba cầu thủ chuyên nghiệp thông thường), tuyển Việt Nam cần giải pháp để cầu thủ lấy lại cân bằng.

“Các hậu vệ chưa có phong độ tốt, nhiều người còn dính chấn thương bởi không thi đấu đỉnh cao trong khoảng thời gian dài. Giai đoạn tháng 10, tuyển Việt Nam phải đá 2 trận sân khách. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, cầu thủ có thể lại mất cảm giác, bất ổn. Cả tháng trời, họ chỉ đá 1, 2 trận thì không dễ duy trì trạng thái ổn định”.

“Theo tôi, tuyển Việt Nam nên tập trung sớm, giúp cầu thủ nghỉ tại chỗ, thay vì ‘xả trại’. Ngoài ra, VFF cần đầu tư tốt cho y tế để cầu thủ hồi phục, có nền tảng thể lực tốt. Đội cũng nên lên đường sớm, có 1, 2 trận giao hữu khởi động trước cuộc so tài với tuyển Trung Quốc vào ngày 7/10. Đá giao hữu với quân xanh chất lượng là yếu tố quan trọng, giúp cầu thủ có cảm giác cơ thể với cường độ thi đấu cao, chứ đá với U22 Việt Nam mãi không phải phương án hiệu quả”, ông Xương kết luận.

Trọng tài từ chối cho Việt Nam hưởng phạt đền Sau khi tham khảo VAR, trọng tài người Qatar Ibrahim Al-Jassim từ chối cho tuyển Việt Nam hưởng phạt đền ở trận gặp Australia ở vòng loại World Cup 2022 tối 7/9.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn