China Evergrande được cho là đã kịp thời thanh toán khoản lãi trái phiếu 148 triệu USD và tránh khỏi một vụ vỡ nợ. Nhưng một số nhà đầu tư cho biết vẫn chưa được trả tiền.
Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, một quỹ nắm giữ trái phiếu của China Evergrande đã được trả khoản lãi cho một trái phiếu coupon đến hạn hôm 11/10. Nhưng quỹ này vẫn chưa được nhận một khoản trả lãi khác tới hạn cùng ngày.
Như vậy, China Evergrande – tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới – có thể chưa trả hết 148 triệu USD tiền lãi cho 3 trái phiếu đến hạn ngày 11/10.
Sau nhiều năm vay nợ ồ ạt để mở rộng, khoản tiền phải trả của China Evergrande – tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn – đã lên tới hơn 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Số phận chưa rõ ràng
Hôm 11/10, China Evergrande đã không thể thanh toán 148 triệu USD lãi trái phiếu coupon đến hạn. Thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày. Nếu vẫn chưa trả lãi vào ngày 10/11, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn sẽ vỡ nợ.
Trước đó, China Evergrande đã 2 lần thoát vỡ nợ vào phút chót. Tập đoàn thanh toán chậm ngay trước khi kết thúc khoảng thời gian ân hạn.
Hôm 8/11, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể làm gia tăng “căng thẳng tài chính” tại đất nước 1,4 tỷ dân, “tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ”.
Trong báo cáo định kỳ 6 tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhắc đến cuộc khủng hoảng của China Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc. Tập đoàn từng cảnh báo rằng có thể không trả được khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
China Evergrande sẽ phải thanh toán 8 tỷ USD lãi và gốc trái phiếu nước ngoài trong năm tới. Ảnh: Reuters. |
Giới quan sát lo ngại rằng hố nợ của China Evergrande có thể lây lan sang lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính.
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng liệu động lực tăng trưởng này có phải một quả bom hẹn giờ của nền kinh tế hay không. Một phần nguyên nhân là những khoản nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản.
Theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Tìm cách tăng tiền mặt
Clearstream – nhà cung cấp dịch vụ lưu ký – cho biết đã thực hiện thanh toán lãi suất cho khách hàng đối với 3 trái phiếu coupon đến hạn ngày 11/10 của China Evergrande. Nhưng một số trái chủ, chẳng hạn DMSA Deutsche Markt Screening Agentur của Đức, vẫn chưa nhận được bất cứ khoản thanh toán nào.
Trong tuần này, nỗ lực tăng tiền mặt của China Evergrande đã có một số kết quả. Tập đoàn huy động được khoảng 144 triệu USD nhờ bán cổ phần trong công ty truyền thông HengTen Networks Group.
Theo truyền thông Hong Kong, ông Hứa đang dùng một biệt thự tại thành phố làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết China Evergrande đã có thêm 50 triệu USD tiền mặt sau khi bán 2 chuyên cơ.
Dù các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản, các lỗ hổng tài chính vẫn có nguy cơ tiếp tục gia tăng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
Nhưng China Evergrande vẫn đối mặt với khoản nợ lớn hơn nhiều trong những tháng tới. Theo các nhà phân tích của Moody’s và S&P Global Ratings, tập đoàn của ông Hứa sẽ phải thanh toán 8 tỷ USD lãi và gốc trái phiếu nước ngoài vào năm 2022.
Theo Bloomberg, các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.
Kể từ khi China Evergrande chào sàn Hong Kong vào năm 2009, ông Hứa đã thu về 7 tỷ USD cổ tức. Ông sử dụng 3,3 tỷ USD mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty và tài sản. Nhưng vẫn không rõ nhà sáng lập China Evergrande còn đầu tư vào những nơi nào khác.
“Dù các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản, các lỗ hổng tài chính vẫn có nguy cơ tiếp tục gia tăng”, FED cảnh báo.
Theo FED, với quy mô nền kinh tế, hệ thống tài chính của Trung Quốc và sức ảnh hưởng trên toàn cầu, “sự căng thẳng tài chính ở Trung Quốc có thể làm gia tăng sức ép đối với thị trường tài chính toàn cầu”, bởi nhiều nhà đầu tư trở nên e dè hơn. FED cho rằng điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động tới Mỹ.
Nguồn: News.zing.vn