China Evergrande trượt tới bờ vực, Trung Quốc có ra tay giải cứu?

0
China Evergrande trượt tới bờ vực, Trung Quốc có ra tay giải cứu?

Hố nợ 300 tỷ USD của China Evergrande có thể tác động lớn để tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ vào cuộc khi tập đoàn địa ốc hết đường lui.

Khung hoang no Evergrande anh 1

Đợt bán tháo hôm 20/9 làm dấy lên lo ngại rằng “hố nợ” 300 tỷ USD của China Evergrande – tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc – sẽ lan sang toàn bộ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và tác động đến các thị trường trên thế giới.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào đảm bảo rằng nhà nước có kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande.

China Evergrande Group – tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới – nợ tổng cộng hơn 300 tỷ USD và sẽ phải trả 124 tỷ USD ngay trong năm nay.

Nói với Zing, các chuyên gia tài chính quốc tế nhận định khủng hoảng nợ của China Evergrande có thể đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Do đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ vào cuộc nếu gã khổng lồ bất động sản hết lựa chọn.

Khung hoang no Evergrande anh 2

Các chủ nợ biểu tình bên ngoài trụ sở của China Evergrande ở Thâm Quyến. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ lây lan

“Khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nó không dẫn đến rủi ro toàn hệ thống. Bởi rõ ràng là chính quyền sẽ can thiệp nếu cần thiết”, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) bình luận với Zing.

Do đó, theo ông, câu chuyện của China Evergrande sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc. “Rất khó để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như hồi năm 2008. Sự sụp đổ của China Evergrande có thể ảnh hưởng đến các thành phố tại Trung Quốc”, ông Moya bình luận.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

“Nguy cơ lây lan đang tăng lên từng ngày. Hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ gặp rủi ro nếu China Evergrande sụp đổ. Các nhà băng và tổ chức tín dụng có thể chịu ảnh hưởng lớn, thậm chí dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng”, vị chuyên gia cảnh báo.

“Đến khi gã khổng lồ bất động sản cạn kiệt lựa chọn, Bắc Kinh có thể bắt đầu hành động”, ông Moya dự đoán.

Khung hoang no Evergrande anh 3

Những đối tác từng làm ăn với công ty, bao gồm các nhà máy thép, công ty nội thất, ngân hàng, khách hàng và trái chủ, đều rơi vào tình thế khó khăn. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại Anh), tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ phụ thuộc vào việc tập đoàn có được giải cứu hay không, và được giải cứu như thế nào.

“Việc cho phép một công ty có quy mô lớn với khoản nợ khổng lồ như vậy sụp đổ chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng gợn sóng”, ông Erlam bình luận với Zing.

“Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rằng không một công ty nào quá lớn để thất bại. Nhưng với những tác động nghiêm trọng từ vụ sụp đổ, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn vào cuộc để giải cứu Evergrande”, ông nói thêm.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ gặp rủi ro nếu China Evergrande sụp đổ

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda

Giới chuyên gia nhận định China Evergrande là phép thử đối với chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh buộc phải chọn giữa duy trì sự ổn định xã hội và tài chính, hoặc tiếp tục theo đuổi chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản.

Những năm qua, giới chức trách Trung Quốc đã quyết tâm theo đuổi chiến dịch giảm đòn bẩy và hạ nhiệt trên thị trường bất động sản. Năm ngoái, ông Quách Thụ Thanh – Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CSRC) – nhận định rằng rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính là các nhà băng tiếp xúc quá nhiều với thị trường bất động sản.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực điều chỉnh giá nhà đất, vốn là động lực thúc đẩy ngành bất động sản và nền kinh tế của đất nước 1,4 tỷ dân.

Chính quyền Bắc Kinh cũng thắt chặt việc phê duyệt thế chấp, tăng lãi suất cho những người mua nhà lần đầu, áp dụng các biện pháp kiểm soát cho thuê ở thành phố và dừng một số hoạt động đấu giá đất tập trung.

Năm ngoái, chính phủ đã đưa ra quy tắc “ba lằn ranh đỏ”, buộc những nhà phát triển bất động sản phải đáp ứng nếu muốn vay thêm tiền.

Thúc giục Bắc Kinh vào cuộc

“Trong trường hợp tệ hại nhất, hậu quả của bom nợ China Evergrande có thể khá nghiêm trọng. Đó là một cuộc khủng hoảng tín dụng tiềm ẩn, giá bất động sản lao dốc, các doanh nghiệp làm ăn với công ty này điêu đứng”, chuyên gia tài chính Erlam cảnh báo.

Theo ông, đó là lý do nhiều nhà đầu tư cảnh báo về “khoảnh khắc Lehman Brothers” thứ hai. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Tuy nhiên, tôi không cho rằng điều này sẽ xảy ra. Các nhà đầu tư vẫn khá lạc quan”, ông Erlam nhận định.

“Dù vậy, khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thị trường bất động sản nước này có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. Đó là một kết quả không mong muốn”, ông nói thêm.

Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 8, doanh số bán nhà tính theo giá trị tại Trung Quốc đã giảm 20% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hố nợ của Evergrande sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thị trường bất động sản nước này có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. Đó là một kết quả không mong muốn

Chuyên gia tài chính Craig Erlam

Tại đất nước 1,4 tỷ dân, nhiều người không muốn giá nhà lao dốc. Những năm qua, họ đã cố gắng mua nhà với kỳ vọng giá nhà sẽ ngày càng tăng cao.

Ngày nay, bất động sản chiếm 40% tài sản hộ gia đình. Việc mua một hoặc hai căn nhà được coi là thước đo thành công đối với không ít người Trung Quốc.

“Do phần lớn tài sản của mọi người là bất động sản, việc điều chỉnh chỉ 10% cũng là cú hích lớn với nhiều người”, nhà phân tích Fraser Howie nhận định.

Giới chuyên gia cũng thúc giục Bắc Kinh sớm vào cuộc. “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không nao núng trong việc hạ đòn bẩy của thị trường bất động sản”, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, đứng đầu là ông Hui Shan, cho biết.

“Những thông tin mới nhất liên quan đến Evergrande cho thấy hoạt động của thị trường nhà ở sẽ xấu đi hơn nữa, nếu chính phủ không đưa ra một lộ trình rõ ràng, hướng tới giải pháp cuối cùng”, nhóm chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn theo các nhà phân tích của Citigroup, đứng đầu là chuyên gia Dirk Willer, việc theo đuổi các chính sách cứng nhắc, trong khi những khó khăn của Evergrande vẫn tồn tại, sẽ khiến tình hình càng trở nên tệ hại, vượt mức chính phủ có thể chấp nhận.

Nói với Zing, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (tại Singapore) cho rằng Trung Quốc có thể giải quyết khủng hoảng nợ của China Evergrande bằng một giao dịch hoán đổi nợ thành cổ phần.

Theo đó, những nghĩa vụ hoặc nợ của công ty bị đổi thành cổ phần. Như vậy, các nhà băng sẽ nắm giữ gần như toàn bộ vốn của tập đoàn.

Còn theo ông Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, một số doanh nghiệp quốc doanh dồi dào vốn có thể tiếp quản China Evergrande. “Tất cả đều trông chờ vào giải pháp của Bắc Kinh. Khủng hoảng sẽ lây lan nếu vấn đề không được xử lý sớm”, ông nhấn mạnh.

Nguồn: News.zing.vn