Công nghệ phát triển đã khiến cho những chuyến đi của chúng ta trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích là cái giá đắt phải trả mà vô hình trung, chúng ta đều không nhận ra.
Trong giấc mơ con trẻ, chúng ta từng nhìn thấy mình vẫy vùng trên những con tàu hay đóng vai làm những nhà thám hiểm chinh phục mọi ngóc ngách trong vườn nhà mà cứ ngỡ đang ở châu Phi.
Chúng ta có đủ mọi thứ: cái ống nhòm vỏ chai, chiếc la bàn hỏng của bố đưa cho, cái cặp xách giả vờ làm balo thám hiểm và tinh thần chẳng biết sợ hãi của những kẻ lữ hành. Không điện thoại, không máy ảnh, không gậy tự sướng, chúng ta lên đường bằng trái tim yêu tự do. Dù ba mẹ có gọi về cho đòn roi, lũ trẻ vẫn quyết tâm tìm được vùng đất mới.
Vậy mà lớn lên, chúng ta quên đi giấc mơ ngây thơ đó. Chẳng còn những cơn mưa trú vội bên gốc cây rồi giả vờ là khách sạn ven đường, chúng ta không nhìn thế giới bằng đôi mắt rồi phải thốt lên ngỡ ngàng trước một cảnh đẹp. Chỉ còn những ngón tay lướt nhanh trên mặt điện thoại, những tiếng lách tách của máy ảnh hay con đường đã được vạch ra trước mắt.
Những cuộc phiêu lưu chưa bao giờ đơn giản đến thế, và du lịch trở thành một món ăn nhanh cho những người muốn dễ dàng tìm một hành trình có sẵn.
Công nghệ, internet và điện thoại đã thay đổi cách chúng ta du lịch mất rồi.
Những chuyến đi đích thực thời chưa có smartphone
“6 năm trước, tôi đã có chuyến đi cùng 3 người bạn thân đến vùng Trung Mỹ. Một buổi chiều, khi chúng tôi đang băng qua những con đường của đất nước Costa Rica thì một cơn bão nhiệt đới ập đến. Chúng tôi quyết định tìm nơi để ở chứ không tiếp tục lái xe qua màn mưa đêm lạnh như vậy.
Đó là một hành trình mà không ai mang điện thoại bên mình. Chúng tôi tấp vào một nơi tưởng chừng như một khách sạn. Dù đầy rủi ro, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Và đúng như những gì tưởng tượng, căn phòng 2 giường đôi đó thực sự rất kinh khủng: ánh đèn leo lắt, phòng hôi hám và ẩm thấp, không có toilet lại còn đầy gián.
Không có điện thoại để đi tìm một khách sạn khác, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và buông vài lời chửi thề. Giữa một căn phòng bụi bặm của một khách sạn bên đường, 4 đứa chúng tôi quyết định khui chai rượu rẻ tiền nhất và kỷ niệm hành trình đáng nhớ này.
Với tôi, đêm đó chắc chắn đã là một kỷ niệm mà không bao giờ tôi có thể quên được. Có lẽ nếu là bây giờ, tôi sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm như vậy. Cuộc sống hiện đại, ai có thể du lịch mà rời chiếc điện thoại của họ ra nửa bước?
Tôi tự hỏi mình rằng nếu có điện thoại lúc đó thì mọi thứ sẽ ra sao? Chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi. Chúng tôi sẽ có rất nhiều các ứng dụng để tìm được một chỗ ở tử tế. Internet có thể giúp chúng ta tìm đường, có một giá tốt cho khách sạn, giữ liên lạc với bạn bè và người thân…
Nhưng nó luôn đi kèm với một cái giá….”
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Khánh Hòa
Chúng ta luôn nắm trong tay chiếc điện thoại của mình vì đơn giản, chúng ta sợ sẽ không có những trải nghiệm đáng nhớ nhất và cơ hội để bạn bè biết tới.
Chúng ta chỉ chăm chăm tìm góc chụp nơi bờ biển mà cô gái nọ tung lên Instagram, khoảng trời mây trắng xanh đã khiến cậu trai kia có vài nghìn lượt yêu thích…
Bạn đã bao giờ thử nghĩ rằng thói quen du lịch của bạn sẽ thay đổi ra sao nếu không có điện thoại bên mình chưa? Chắc chắn, sẽ không còn hàng giờ liền ngụp lặn trong lời bình luận và đánh giá về một khách sạn mà khiến bạn phân vân không biết chọn ra sao, sẽ chẳng còn việc một cặp đôi đi du lịch thì đứa lái xe, đứa check điện thoại up ảnh, suy tư nặn caption và im lìm trên cả chặng đi.
Chúng ta vẫn đang sống trong vùng an toàn của mình, không dám bước đi hay chọn 1 địa điểm mà không có ai đánh giá trên 10 điểm. Từ bao giờ, du lịch đã trở thành một món hàng mà không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà ta từng có vậy? Và từ bao giờ, du lịch là phải dựa trên gợi ý của những con người chưa chắc đã cùng tư tưởng với bản thân mình? Ta đi du lịch là để trải nghiệm cho ta, hay là để trải nghiệm thứ mà người khác đã từng trải nghiệm?
Khi chúng ta quá mải mê đi tìm những trải nghiệm “của người khác”, chúng ta đánh mất đi ý nghĩa của chuyến đi mà chúng ta đã háo hức chờ đợi cả tháng trời. Chúng ta chỉ chăm chăm tìm góc chụp nơi bờ biển mà cô gái nọ tung lên Instagram, khoảng trời mây trắng xanh đã khiến cậu trai kia có vài nghìn lượt yêu thích, hay mấy chiếc ghế xinh xinh nơi sảnh nghỉ của khách sạn mà bạn tìm được trên Trip Advisor.
Nhưng con đường là ở dưới chân ta và bạn không thể biết được điều kỳ diệu gì đang đón chờ phía trước. Không có điện thoại hay Internet, bạn sẽ dấn thân vào một trải nghiệm hoàn toàn mới: đi đến những nơi mà không có app bản đồ nào chỉ cho bạn, thử nói chuyện với những người địa phương để biết nhiều hơn về vùng đất bạn đang tới mà không cần thông qua mấy lời luyên thuyên “chạy qua hàng văn hóa” của đám tourguide và khấp khởi với niềm hy vọng về một điều mới mẻ đang ở phía trước.
Du lịch là để được mở to mắt đón nhận những điều thực sự là mới, chứ không phải đợi người ta rót vào tai một vài khổ văn lý thuyết mà sách nào cũng in.
Du lịch không phải là hành trình tìm kiếm những cái like. Vì không ai trưởng thành bằng cách ngồi đếm like mỗi ngày
“Mọi người chỉ muốn làm những thứ khiến cho họ trở nên hào nhoáng trên mạng xã hội”. Chạy theo cái gọi là “hiệu ứng Instagram”, họ quên đi mất một điều rằng trải nghiệm không phải ở chiếc xe bạn đang đi mà chính là hành trình bạn đang có.
Người ta có thể chụp lại được chiếc xe đạp để đăng tải lên Instagram hay một món ăn ngon mà chỉ cần đẹp là đủ với họ, nhưng mà khoảnh khắc mà bạn sung sướng vỡ òa khi dậy sớm đón được bình minh hấp hé trên bờ biển thì đâu phải ai cũng có thể giơ máy ra chụp kịp?
Hoặc có những khi, chúng ta mải miết tìm tới chân trời trong tấm ảnh đã lồng qua cả chục lớp filter, để rồi ngỡ ngàng, bẽ bàng khi nhận ra màu sắc nhợt nhạt thật sự của nó. Chúng ta quá mải miết để đuổi theo cái hành trình vốn không thuộc về mình để nhìn quanh quất bên ta, tất cả chỉ mang một màu ảm đạm, nhờ nhờ, không phải cái sắc rực rỡ như những tấm hình trên Instagram hay Facebook.
Đừng đi những nơi mà người khác muốn hay chỉ vì nó cho bạn vài nghìn like, trải nghiệm này là của bạn và chẳng ai lớn lên được bằng cách ngồi đếm like mỗi ngày.
Đôi lúc, bạn nghi ngờ chính bản thân mình khi số like nhích lên ì ạch
Bạn chiến thắng bản thân, thở hồng hộc, bạn nằm vật ra mặt đất lấm lem khi chính thức đặt chân được lên đỉnh núi; bạn đổ mồ hôi, tay chân xước xát, vết côn trùng cắn khắp người sau chặng vượt đường rừng và thành quả là chạm tay tới cột mốc Fansipang và phóng tầm mắt ra không gian hùng vỹ của nơi đỉnh cao thiên nhiên. Nhưng điều bạn thiếu là một tấm ảnh độc đáo để cho bạn bè xem và họ nghĩ trải nghiệm của bạn chẳng hay ho gì, và thế là bạn tự vấn, hay là hành trình của mình vẫn chưa đủ đặc biệt nhỉ?
Giấc mơ mà chúng ta từng mơ lớn, trải nghiệm mà chúng ta từng ấp ủ cả đời thực hiện chưa bao giờ lại dễ bị đem ra đánh giá, bàn tán như vậy. Chúng ta nghi ngờ bản thân khi số like nhích lên ì ạch rồi thấy những bình luận chê bai, cười cợt. Họ chỉ biết đến chuyến đi của bạn qua những tấm hình nhưng họ đâu có biết, bạn đã thực sự hòa mình vào không gian và chẳng quan tâm gì tới những thứ để “sống ảo”, “tăng like” đó.
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ
Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ người ta dám dấn thân vào một hành trình mà không có chiếc điện thoại hay những đồ dùng công nghệ hỗ trợ bên cạnh. Chúng ta có hàng trăm lý do cho sự lệ thuộc của mình vào công nghệ cho một hành trình được gắn mác “đi tìm tự do, đi tìm kiếm trải nghiệm”.
Trải nghiệm của những kẻ mê xê dịch không nằm trên chiếc điện thoại, nó nằm ở đôi chân muốn đi và niềm khao khát được nhìn ngắm thế giới mới.
Bantindulich.vn – Nguồn: Kenh14
Nguồn: News.zing.vn