Cá nhân được huy động từ thiện với điều kiện chặt chẽ, công chức không phải học bồi dưỡng chứng chỉ ngoại ngữ, tăng mức bảo hiểm tiền gửi… là những chính sách mới sắp có hiệu lực.
Kể từ tháng 12, nhiều chính sách mới liên quan đến người dân sẽ chính thức có hiệu lực.
Đây cũng là “hạn chót” để thực hiện chuyển đổi một số thủ tục, ví dụ xe kinh doanh vận tải phải chuyển biển số có nền màu vàng; sang tên xe qua nhiều đời chủ khi thiếu giấy tờ; hoàn thiện hồ sơ để hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Siết chặt quy định cá nhân vận động từ thiện
Nghị định 93 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hiệu lực từ ngày 11/12.
Thay đổi lớn nhất trong nghị định này so với quy định hiện hành là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đều có thể vận động quyên góp từ thiện nhưng đi kèm với những điều kiện chặt chẽ.
Cảnh vận chuyển đồ cứu trợ trong đợt mưa lũ tại miền Trung năm 2020. Ảnh: Phạm Trường. |
Theo đó, khi vận động từ thiện, cá nhân phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Đáng chú ý, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, đồng thời, phải ghi chép, biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ.
Công chức không phải học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Đây là nội dung mới tại Nghị định 89 của Chính phủ, sửa đổi Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 10/12, quy định nhiều nội dung mới liên quan việc bồi dưỡng công chức, viên chức.
Theo đó, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
So với hiện hành tại Nghị định 101, nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ đã được bãi bỏ.
Nghị định 89 sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.
Nới điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học công lập.
Cụ thể, một trong những điều kiện để viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính là được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính.
Quy định cũ yêu cầu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi/xét.
Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 26/12 và thay thế Thông tư 18 năm 2017, Thông tư 08 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu
Đây là nội dung mới đáng chú ý được ghi nhận tại Điều 3 Quyết định 32 của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 12/12.
Theo quy định mới, khi ngân hàng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền tại ngân hàng đó sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Người gửi tiền ngân hàng có thể được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu nếu ngân hàng phá sản. Ảnh: Liêu Lãm. |
Trước đó, theo Quyết định 21 của Thủ tướng, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa chỉ có 75 triệu đồng.
Ngoài ra, Quyết định 32 cũng nêu rõ các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12/12/2021 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn áp dụng theo Quyết định 21/2017 là 75 triệu đồng.
Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước
Nghị định 103 của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
Theo đó, với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.
Đơn cử, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20.
Tiêu chuẩn với người ra nước ngoài học tập bằng nguồn ngân sách
Nội dung này được quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có hiệu lực từ ngày 1/12.
Theo đó, công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
– Không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng.
– Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác).
– Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên).
Công an xã được giao trách nhiệm tương đương công an phường
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/12, gồm 2 đổi mới quan trọng.
Thứ nhất, bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã. Tức là trách nhiệm của công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an.
Các lực lượng này có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thứ hai, bổ sung quy định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, và tạm định đình chỉ vì bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Nguồn: News.zing.vn