Sau hàng loạt chợ đầu mối, truyền thống ở TP.HCM tạm đóng cửa, các siêu thị và sàn TMĐT lập tức tăng nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thịt heo.
Nghe tin chợ Hóc Môn sẽ tạm đóng cửa từ 0h ngày 28/6, ngay chiều 27/6 chị Lan ở Thủ Đức chạy ngay ra siêu thị VinMart+. Tại đây, mặt hàng thực phẩm thiết yếu như trứng, thịt, đồ đông lạnh vẫn còn tương đối nhiều, dù không đa dạng như ngoài chợ, nhất là mặt hàng rau củ và thịt.
Qua ngày hôm sau, vẫn lo lắng, bà nội trợ này lại cùng chồng đánh xe đến siêu thị Big C gần nhà để trực tiếp xem xét hàng hóa.
“Hàng hóa vẫn còn nhiều, không kém gì ngày thường, nên tôi chỉ mua tích trữ vừa đủ dùng vài ngày”, chị Lan nói.
Siêu thị tăng gần gấp đôi nguồn hàng
Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết ngay từ khi nhận thông tin về chỉ thị số 10 của TP.HCM, các chuỗi Go!, Big C, Tops Market đã làm việc với các nhà cung cấp hàng tươi sống để chủ động tăng 50-60% lượng hàng.
“Đối với ngành hàng tươi sống, chúng tôi mua trực tiếp từ nông dân, hợp tác xã, lò giết mổ, nhà máy và kiểm soát nguồn cung thông qua 3 kho lớn tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Lạt. Nhờ đó, chúng tôi vừa cam kết nguồn gốc, chất lượng và giá thành vừa đảm bảo tốc độ cung ứng. Việc đóng cửa các chợ truyền thống, chợ đầu mối không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của chúng tôi”, bà nhấn mạnh.
Tương tự Central, đại diện các hệ thống siêu thị cho biết đã sẵn sàng tăng cường nguồn cung với mức giá hợp lý để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các hệ thống bán lẻ hiện đại tăng cường nguồn hàng sau khi chợ đầu mối Hóc Môn và một số chợ truyền thống dừng hoạt động. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cụ thể, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, sau khi nhận tin chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa, đơn vị này đã chủ động tăng 300% lượng hàng cho toàn hệ thống cửa hàng tại TP HCM, trong đó bao gồm thịt heo, rau, củ, quả. Hệ thống này ưu tiên đẩy mạnh khâu mua bán online.
Còn đại diện Saigon Co.op cho biết đã tăng lượng thịt heo cho hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food lên gần gấp đôi sau khi có tin chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa.
Theo đó, doanh nghiệp đã làm việc và đặt hàng để các đơn vị cung cấp thịt chủ động có kế hoạch giết mổ, đảm bảo nguồn cung cấp theo kế hoạch. “Trong đó, các nhà cung cấp Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy… đang chạy hết công suất và sẵn sàng giao bổ sung nhiều chuyến trong ngày cho các siêu thị của Saigon Co.op”, vị này nói thêm.
Giá bán hiện nay ổn định và có xu hướng giảm nhẹ, trước mắt giảm 3.000 đồng/kg, chưa kể các siêu thị còn chủ động thực hiện khuyến mãi.
Hệ thống bán lẻ này cũng cho biết đã sẵn sàng một trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh và hàng loạt mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để kịp thời bổ sung thay thế, can thiệp nhằm ổn định giá cả thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, khẳng định chuỗi VinMart và VinMart+ có năng lực cung ứng đến 1.800 con heo thịt mỗi ngày. Đồng thời, lượng thịt gà và các sản phẩm tươi sống khác cũng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Theo thống kê sơ bộ, nhu cầu mua sắm tích trữ và tiêu dùng hàng ngày với sản phẩm thịt heo hiện tăng từ 2-3 lần tại các điểm bán khác nhau của các chuỗi này. Tính chung toàn hệ thống, lượng khách đến mua sắm trực tiếp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, trong khi lượng đơn đặt hàng online tăng trên 50%.
Các kênh online trợ sức
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động như hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Các siêu thị, bên cạnh phương thức bán hàng trực tiếp, đã tổ chức và tăng cường bán hàng online. Một bộ phận người tiêu dùng cũng đã hạn chế đến chợ, siêu thị và tận dụng kênh mua sắm này”, ông nói.
Các siêu thị hiện tăng cường bán hàng qua điện thoại, website và kết nối với các ứng dụng đi chợ hộ, sàn TMĐT. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đại diện Saigon Co.op thừa nhận lượng khách trực tiếp đến siêu thị không tăng nhiều trong những ngày qua, vẫn thấp so với trung bình trước đây. Tuy nhiên, lượng đơn hàng qua điện thoại, website và các ứng dụng công nghệ tăng đột biến 3-5 lần tùy địa điểm, có thời điểm quá tải.
Trong khi đó, sàn TMĐT Lazada cũng đang liên tục trao đổi và phối hợp với các nhà bán hàng, đối tác để tăng cường mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa mặt hàng trên sàn nhằm đáp ứng sức mua tăng đến gần 70%.
Hiện doanh nghiệp hợp tác với gần 40 nhà bán hàng và nhãn hàng tươi sống như CP, Saigonfood, Topmeal, Gà Ngon 3F, Thực phẩm MegaDeli, Thịt heo thảo mộc Sagri, VFood, Terrisa Direct, 3SachFood, GKitchen…
Bên cạnh đó, sàn thương mại này cũng chủ động đẩy mạnh đội ngũ vận chuyển nhằm đảm bảo quá trình mua sắm online diễn ra thông suốt cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động.
Các địa phương chủ động thông tin về địa chỉ các điểm bán bình ổn thị trường, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để người dân an tâm mua sắm.
Riêng với các hệ thống phân phối hiện đại, Sở Công Thương TP yêu cầu rà soát lại năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau củ quả, chủ động liên hệ với các nhà cung cấp để tính toán nâng cao khả năng cung ứng, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng lên mức cao nhất.
Đặc biệt, các đơn vị này cần chủ động nghiên cứu phương án tiếp nhận hàng hóa đột xuất từ các địa phương chuyển về, khả năng tiếp nhận, thông tin các kho bãi… và cung cấp thông tin cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm để Sở Công Thương TP kết nối đường dây nóng điều chuyển, phân phối hàng hóa khi cần thiết.
Nguồn: News.zing.vn