Người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi cao nhất theo quy định là 20%, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tôi có người bạn cầm cố chiếc xe máy SH để vay 200 triệu đồng nhưng bên cho vay yêu cầu mức lãi suất 170%/năm so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay.
Với trường hợp trên, người cho vay tiền với lãi suất cao hơn quy định có bị xử lý?
Bộ Công an
Theo khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Như vậy, Bộ luật Hình sự 2015 dẫn chiếu trực tiếp về lãi suất đến Bộ luật Dân sự 2015 mà không cần căn cứ mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Tang vật một vụ án liên quan nhóm hoạt động tín dụng đen. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo đó, lãi suất cho vay gấp 5 lần lãi suất cao nhất như trong Bộ luật Dân sự quy định (20%) thì được coi là lãi nặng. Luật đã thời lượng hoá số tiền bất chính thu được từ 30 triệu đồng trở lên thì cấu thành tội phạm.
Đối với các hành vi cho vay có cầm cố và không cầm cố tài sản, theo quy định phải áp dụng mức lãi suất dưới 20%/năm, không căn cứ vào mức lãi suất ngân hàng công bố.
Căn cứ vào mức lãi suất tại từng sự việc cụ thể, người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mức lãi suất cho vay từ 100%/năm trở lên và thu lời bất chính từ 30 triệu trở lên.
Còn trường hợp cho vay vượt quá lãi suất 20% nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành.
Nguồn: News.zing.vn