Công ty Mai Phương, chủ sở hữu khu đất biệt thự rộng 3.400 m2 ở Tam Đảo, kiến nghị tòa phúc thẩm tuyên trả lại tài sản này cho doanh nghiệp.
TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến ngày 27/9 mở lại phiên phúc thẩm để xét kháng cáo của ông Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí – PVB) và 5 người khác liên quan vụ án xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Hôm nay, 24/9, HĐXX đã nhận được đơn yêu cầu bổ sung kháng cáo của ông Kiều Đào Lâm, Giám đốc Công ty Mai Phương. Doanh nghiệp này đang quản lý khu biệt thự rộng 3.400 m2 ở Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.
Theo tòa sơ thẩm, khu biệt thự trên do Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ.
Năm 2011, Trịnh Xuân Thanh nói với bị cáo Hồng bán lại biệt thự cho Công ty Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố của bị cáo Thanh, đứng tên chủ sở hữu. Đến năm 2016, ông Kiều Đào Lâm trở thành chủ mới của Công ty Mai Phương và khu biệt thự trên.
Tòa sơ thẩm kết luận Trịnh Xuân Thanh chủ mưu vụ mua lô đất biệt thự ở Tam Đảo. Ảnh: TTXVN. |
Bản án sơ thẩm ngày 15/3 buộc các bên trả lại cho PVC quyền sử dụng khu đất biệt thự, tiếp tục thu giữ sổ đỏ đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Phương.
Cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ 3 ngay tình, không đánh giá chứng cứ đúng thực tế khách quan khi tuyên trả lại đất cho PVC, Công ty Mai Phương kiến nghị tòa phúc thẩm tuyên trả lại quyền sử dụng khu đất 3.400 m2 cho doanh nghiệp này.
Công ty Mai Phương cho rằng giao dịch giữa PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, ông Kiều Đào Lâm nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, trong đó có khu đất biệt thự, rồi trở thành chủ mới của tài sản không bị pháp luật cấm.
“Ông Lâm cũng không biết việc lô đất PVC Kinh Bắc chuyển nhượng cho Công ty Mai Phương được hình thành từ nguồn tiền nào, cần áp dụng quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình”, Công ty Mai Phương nêu.
Trong đơn bổ sung kháng cáo, chủ mới của biệt thự ở Tam Đảo cho rằng theo bản án sơ thẩm, PVC không yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400 m2. PVC chỉ yêu cầu tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, đại diện VKSND Hà Nội chỉ đề nghị Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường hơn 13 tỷ cho PVC. Khi tuyên án, tòa sơ thẩm đã buộc trả lại lô đất cho PVC. Đây là những căn cứ để Công ty Mai Phương kháng cáo.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ngoài phần dân sự trên, 5 bị cáo gồm Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng giám đốc PVC); Nguyễn Xuân Thủy; Khương Anh Tuấn (2 cựu phó phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB) cùng xin giảm nhẹ hình phạt.
Người còn lại là Lê Thanh Thái (cựu trưởng phòng thuộc PVB) mong tòa phúc thẩm cho hưởng án treo. Trước đó, Vũ Thanh Hà bị phạt 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm cùng lĩnh 30 tháng tù. Lê Thanh Thái bị phạt 2 năm tù.
Liên quan vụ án này, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) và Trịnh Xuân Thanh không kháng cáo. Theo án sơ thẩm, ông Thăng bị phạt 11 năm tù và bồi thường 200 tỷ đồng. Còn Trịnh Xuân Thanh lĩnh 18 năm tù và phải bồi thường hơn 143 tỷ.
Nguồn: News.zing.vn