Dịch Covid-19 phức tạp, nhiều khu lưu trú ở Đà Lạt và khu vực lân cận của tỉnh Lâm Đồng phải tạm thời đóng cửa. Chủ homestay tranh thủ chăm sóc vườn rau organic, bán hàng online…
Dịch Covid-19 phức tạp, nhiều khu lưu trú ở Đà Lạt và khu vực lân cận của tỉnh Lâm Đồng phải tạm thời đóng cửa. Chủ homestay tranh thủ chăm sóc vườn rau organic, bán hàng online…
Phố núi Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung ngày càng phát triển, thu hút hội mê xê dịch khắp nơi tìm đến nhờ khung cảnh yên bình của những rừng thông xanh ẩn hiện giữa màn sương cùng bầu không khí lãng đãng.
Nhiều người trẻ tìm đến đây để thực hiện ước mơ “bỏ phố về quê” lập nghiệp. Đại dịch Covid-19 khiến du lịch trì trệ, 5 chủ homestay trong cuộc trò chuyện với Zing phải nhiều lần đóng cửa, không thể nhận khách.
_____
Từ TP.HCM, tôi và chồng lên Đà Lạt sống được 3 năm. Ngoài thiết kế, kinh doanh homestay, chúng tôi còn kham luôn việc chụp ảnh cưới, trang điểm cô dâu.
Dịch bệnh bùng phát, cuộc sống cũng ảnh hưởng và xáo trộn khá nhiều. Riêng homestay, phần lớn nguồn khách nằm ở TP.HCM – nơi dịch diễn biến phức tạp nên việc kinh doanh cũng chững lại từ cuối tháng 5. Giai đoạn khó khăn này, nhiều người phải trả đất, quay lại TP.HCM vì không có khách. Về phần mình, tiền thuê nhà không quá cao nên sống tiết kiệm một chút thì vẫn gắng được.
Tôi luôn muốn nhìn cuộc sống theo cách tích cực, xem khoảng thời gian “thất nghiệp tạm thời” này là cơ hội để thư giãn và chăm sóc bản thân.
Mỗi ngày, tôi dậy sớm tưới cây, đi chợ, nấu ăn hoặc vào rừng chơi với bé cún. Trong khi TP.HCM ồn ào và hối hả, bầu không khí Đà Lạt lại trong lành, mọi thứ đều dễ chịu. Dịch bệnh căn thẳng nhưng tinh thần tôi vẫn thoải mái, dẫu sao cũng tốt hơn việc ở suốt trong bốn bức tường.
Hơn nữa, tôi đặt niềm vui vào công việc trồng rau quả organic như salad, cải xoăn, củ dền, phúc bồn tử, cà chua bi… trong mảnh vườn gần 100 m2. Mỗi lần thu hoạch, tôi để lại một phần cho gia đình ăn và đem tặng bạn bè nữa.
_____
Từ hồi còn sinh viên đến khi đi làm, ngót nghét 7-8 năm, tôi đều ở TP.HCM. Tôi làm công việc thiết kế nội thất tự do. Sau đó, tôi quyết định lên Đà Lạt sinh sống từ năm 2018.
Tháng 6/2020, tôi mở một cơ sở lưu trú. Không gian ở đây nhỏ thôi, nhưng ấm cúng với căn nhà gỗ nằm dưới thung lũng, sau con dốc ngoằn ngoèo. Thỉnh thoảng tôi đón vài vị khách muốn lên tận hưởng không khí mát mẻ, xung quanh là chim chóc, rừng cây.
Ban đầu, tôi nhận nhiều khách dài hạn vì nhu cầu lên Đà Lạt đổi không khí WFH (làm việc tại nhà). Tuy nhiên, dịch lần này bùng phát nhanh quá, TP.HCM và nhiều nơi giãn cách, khách đành lỡ hẹn với phố núi.
Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu lần khách đặt phòng rồi lại hủy vì dịch, tôi cũng không còn quá bận tâm.
Tôi tranh thủ hoàn thành xong mô hình lưu trú kiểu Glamping để chuẩn bị đón khách sau dịch. Kiểu du lịch này đang khá phổ biến trong giới mê xê dịch. Du khách thuê khu vực cắm trại dựng sẵn lều kèm theo tiện nghi nhất định.
Mỗi ngày, tôi đều tranh thủ làm vườn, chăm sóc gần 4.000 m2 vườn hồng, cà phê và dâu tây. Mùa này cà phê đang ra trái nên tôi phải thường xuyên cắt tỉa cành. Kinh nghiệm trồng trọt tôi học của hàng xóm chứ không qua trường lớp bài bản.
Tôi cũng dành thời gian nấu ăn, thỉnh thoảng cùng bạn bè đến quán cà phê hoặc hẹn anh em đến giao lưu, nghỉ ngơi ở một homestay khác.
Tôi vốn là nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp ảnh cưới tại thành phố sương mù. Tôi hiện thực hóa đam mê mở một homestay nhỏ từ tháng 10/2020.
Ngày đó, ngoài thời gian chụp ảnh, tôi đi từng ngóc ngách Đà Lạt tìm căn hộ nằm giữa khung cảnh nên thơ ưng ý nhất rồi sửa sang, trang trí theo đúng mong muốn của mình.
Homestay Đà Lạt thì nhiều không đếm xuể, tôi cho rằng chỉ cần mình cố gắng tạo ra không gian riêng, mang phong cách cá nhân ấn tượng thì sẽ thu hút những du khách yêu Đà Lạt có cùng “gu”. Bản thân tôi đi nhiều nơi, ở không ít chỗ, nên hiểu du khách cần gì khi đi du lịch.
Biết mở homestay giữa mùa dịch sẽ gặp nhiều thách thức nhưng thích quá tôi không từ bỏ được. Hiện tại, khi các căn nhà đều trống phòng, tôi dồn toàn bộ công sức hoàn thành hai khu lưu trú mới quy mô lớn hơn.
Tôi tin dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Những người bạn sẽ trở lại thành phố mộng mơ.
Thay vì cho thuê phòng theo ngày, khi dịch bùng phát ở TP.HCM, tôi chuyển hướng sang đối tượng khách dài hạn. Khoảng giữa tháng 5, tôi chia sẻ thông tin trên fanpage và các hội nhóm thì cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới có khách thuê. Lượng khách và thu nhập tất nhiên không thể so sánh với thời điểm trước dịch nhưng cũng phần nào bù đắp được chi phí.
Nhà tôi hiện tại vẫn chưa kín chỗ, chỉ có 2/4 phòng được thuê. Khách ở dài hạn tại homestay chủ yếu là người từ tỉnh khác đến Đà Lạt công tác. Trong số đó, có một du khách ban đầu chỉ định lên phố núi du lịch vài ngày nhưng bị kẹt lại đây. Bạn đành làm việc từ xa.
Mùa dịch, Đà Lạt dường như chậm lại, không có nhiều việc để làm như trước, hầu hết quán cà phê, khu du lịch, khách sạn hay homestay khác đều đóng cửa. Các quán ăn cũng chủ yếu bán mang về.
Cuộc sống của tôi cũng có nhiều thay đổi. Trước dịch, khách du lịch ghé lưu trú nhiều, tôi bận luôn tay luôn chân. Tôi luôn tự mình chuẩn bị chu toàn mọi thứ từ chăm sóc góc sân đến dọn dẹp, thay ga gối…
Bây giờ, khi có nhiều thời gian rảnh hơn, tôi tập trung vào việc tự decor trang trí nhà và nấu ăn. Tôi cũng đang tìm thêm công việc bán thời gian, thu nhập giảm nên làm gì cũng phải tính trước sau.
Mùa dịch này, điều tôi vui và trân quý nhất có lẽ là tin nhắn của các bạn khách cũ hỏi thăm tình hình Đà Lạt. Tôi coi mỗi vị khách là một người bạn, chúng tôi thường trò chuyện, động viên nhau.
Thích Home là một ngôi nhà gỗ nhỏ bên rừng thông, giữa thiên nhiên xanh mướt của Ma Bó, vùng đất nằm gần địa danh Tà Năng nổi tiếng. Tôi cùng một vài người bạn xây dựng nơi này và đưa vào hoạt động từ tháng 2.
Du khách thường tìm đến đây khi muốn hòa mình vào thiên nhiên, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống thường nhật. Họ đơn giản cần một chỗ nghỉ ngơi, chơi với chó, mèo, ngắm bình mình, tham gia chạy bộ, đạp xe hay chèo thuyền.
Mở cửa trong mùa dịch tất nhiên tôi phải chấp nhận rủi ro. Từ đầu tháng 5, homestay thông báo tạm đóng cửa. Một vài du khách gọi điện đặt phòng nhưng tôi đều hẹn lại đến khi dịch lắng xuống.
Tôi có nhiều thời gian hơn để xây dựng lại chương trình du lịch kết hợp hoạt động học làm gùi, đan lát, làm rượu cần… Thỉnh thoảng, nhà tôi tổ chức chiếu phim cho trẻ em xung quanh.
Những vật dụng trong nhà tôi đều tự tay làm hết. Tôi trồng thêm rau, nuôi gà, đóng bàn ghế… Ngoài một số thực phẩm “tự cung tự cấp”, cứ một tuần một lần, tôi ghé khu chợ cách chỗ ở 25 km mua cá, thịt…
Ngoài ra, tôi còn theo chân người dân địa phương đi hái nấm linh chi, thu mua rồi bán trên kênh online giao hàng các tỉnh. Nhờ khoản thu nhập thêm này, tôi có thể trang trải cho những ngày sắp tới.
Nguồn: News.zing.vn