Nhấn mạnh xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, Chủ tịch nước cho rằng có thể áp dụng với án hành chính, dân sự và một số án hình sự cần thiết.
Ngày 26/8, chủ trì phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; “Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến tại toà án”.
“Cái mới bao giờ cũng là cái khó, phải cố gắng làm, thực hiện đường lối của Đảng nhưng phải bảo đảm chắc chắn và phù hợp”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Về Dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết xét xử trực tuyến khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến.
Xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành, nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định.
Phiên tòa vẫn phải đảm bảo trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên. Còn các đầu cầu, ví dụ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang bị cấp cứu hoặc đang mắc Covid-19 không thể đến tòa được có thể tham gia trực tuyến. Trong bối cảnh dịch Covid-19, áp dụng mô hình này có lợi hơn cho việc xét xử.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xét xử trực tuyến là vấn đề mới, cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Ảnh: VGP. |
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu, dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.
“Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật”, Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Người đứng đầu Nhà nước nhận định đây là vấn đề mới, cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Ông gợi ý trước hết áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
“Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật chặt chẽ của quá trình tranh tụng và những vấn đề đặt ra. Do đó, không thí điểm áp dụng pháp luật trong tố tụng”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Chủ tịch nước đề nghị TAND Tối cao hoàn thiện đề án, có hướng dẫn cụ thể, thống nhất phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức.
Về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Chủ tịch nước chia sẻ đây là vấn đề khó và nhạy cảm, cần khắc phục tồn tại để làm tốt hơn nữa.
Ông yêu cầu hoàn chỉnh đề án và đưa vào chương trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó có vấn đề cải cách tư pháp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
Chủ tịch nước đề nghị ban thư ký tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp, thảo luận để có thông báo kết luận, trước hết để sớm thông qua Đề án xét xử trực tuyến.
Nguồn: News.zing.vn