Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh tất cả dự án luật, dự thảo nghị quyết không bảo đảm chất lượng thì dứt khoát trả lại và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững và là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021-2030.
“Nói là nhiệm kỳ 5 năm nhưng chúng ta cũng đã gần hết năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Nhiệm vụ rất lớn nhưng quỹ thời gian có hạn. Chúng ta phải hết sức nghiêm túc, khẩn trương”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận Hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, sáng 3/11.
Không chấp nhận dự án luật được chuẩn bị sơ sài
Theo người đứng đầu Quốc hội, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Hình thức thể hiện văn bản phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài.
“Chất lượng đạo luật cuối cùng là phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế – xã hội bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Daibieunhandan.vn. |
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng đề án là tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo cơ quan, tổ chức Trung ương đến địa phương cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục nhất là công tác soạn thảo, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động.
“Tất cả dự án luật, dự thảo nghị quyết không bảo đảm chất lượng thì dứt khoát trả lại. Chúng ta không thể chấp nhận những dự án luật được chuẩn bị sơ sài. Tôi nói lại tinh thần này để các đồng chí nghiêm túc thực hiện”, ông Vương Đình Huệ quán triệt.
Nhấn mạnh nhiệm vụ lập pháp trong thời gian tới là một thách thức không nhỏ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đảm bảo tiến độ, nếu được thì đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và cho việc lập Chương trình năm 2023, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô
Trình bày tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022 là nhiệm vụ cần ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện. Chính phủ giao trách nhiệm cho 9 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo theo các quyết định phân công của Thủ tướng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Về nhiệm vụ trọng tâm, ông Sơn đề xuất tăng cường rà soát, xử lý triệt để quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế – xã hội để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả; đồng thời, nghiên cứu đề xuất thí điểm quy định đối với những vấn đề cấp bách, cần thiết mà thực tiễn đã đặt ra trong bối cảnh tình hình mới.
Còn tại tham luận của Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo cơ quan của thành phố chủ động thực hiện 3 nhiệm vụ, trong đó có việc tổng kết thi hành và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo ông Tuấn, qua 8 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến luật chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.
Chủ tịch HĐND Hà Nội đề nghị Luật Thủ đô cần được sửa đội toàn diện. Ảnh: Daibieunhandan.vn. |
Hà Nội đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô theo định hướng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân quyền, phân cấp cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của thành phố.
Luật Thủ đô sửa đổi sẽ có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; lựa chọn, xây dựng những cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế…
Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ hoàn thành vào năm 2022, để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.
Toà án Nhân dân tối cao sẽ sửa đổi, bổ sung về cơ cấu, tổ chức của các Tòa án cho phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung ngạch Thẩm phán của các cấp Tòa án; ban hành văn bản quy định về mô hình tổ chức hành chính tư pháp áp dụng cho các cấp Tòa án.
Quy định mới sẽ bổ sung về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp nhằm phân tách hoàn toàn quy trình thủ tục mang tính chất hành chính với quy trình thủ tục tố tụng tại các tòa án.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn