Tình cảm của Tống Phước Bảo dành cho Sài Gòn quá lớn, vì thế nếu chỉ dùng từ “yêu” thì chưa đủ để bày tỏ tấm lòng của nhà văn đối với mảnh đất phồn hoa này.
Sài Gòn còn thương thì về là tên tập tản văn – truyện ngắn mới của Tống Phước Bảo – một nhà văn trẻ có nhiều triển vọng trong làng văn nghệ TP.HCM.
Cuốn sách “dành cho những ai đã đến, đang ở và có những ước mơ đặt chân đến miền đất lành này. Dẫu chỉ ghé qua nơi này trong chốc lát, hay gá phận mình một đoạn ngắn cuộc đời, cũng có khi gắn chặt quãng dài bôn ba trăm đường vạn xóm ngàn hẻm ở mảnh đất phù hoa này”.
Sài Gòn còn thương thì về do NXB Đà Nẵng và Tym Books Media liên kết phát hành. Ảnh: Tym Books Media |
Thương mảnh đất chân tình, trượng nghĩa
Sài Gòn còn thương thì về gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm: Sài Gòn – TP.HCM. Đó cũng là những cảm xúc, “cảm thương đẹp đẽ” của một “thị dân chính gốc” đối với mảnh đất này.
Viết về Sài Gòn – TP.HCM, nơi mình sinh ra, lớn lên, làm việc… tưởng chừng sẽ là công việc dễ dàng với Tống Phước Bảo, thế nhưng nó lại không hề đơn giản chút nào. Bởi có rất nhiều điều Bảo muốn thổ lộ, bộc bạch mà không biết bắt đầu từ đâu.
Trong lời tựa cuốn sách, Bảo viết: “Thật sự viết về Sài Gòn, là điều tôi lo lắng nhất mà cũng luôn là một sự háo hức mỗi khi cầm bút. Người ta thường chẳng dễ dàng dùng câu chữ để diễn tả lòng mình với mảnh đất đã ấp yêu mình hơn 30 năm”.
“Vì vậy phải thật chậm, thật kỹ và phải đợi đến lúc lòng mình hứng khởi nhất tôi mới bắt đầu những dòng dành cho Sài Gòn. Bởi tôi thương Sài Gòn như thương một người tình”.
Lý giải vì sao dùng từ “thương” chứ không phải là từ “yêu” khi nói đến tình cảm sâu thẳm của mình đối Sài Gòn – TP.HCM, Tống Phước Bảo cho biết: “Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất phồn hoa này, nếu dùng từ yêu thì chưa đủ để bày tỏ tấm lòng của tôi. Phải gọi là thương. Bởi chính khi thương nơi nào đó, ta mới nhớ quay quắt và thèm trở về mỗi bận đi xa”.
“Bởi vì khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc… Bởi chỉ có thương Sài Gòn người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”.
Tác giả Tống Phước Bảo. Ảnh: FBNV. |
Chạm tới ngõ ngách tâm hồn thị dân
Và cũng từ chữ “thương” mà bạn đọc sẽ thấy một Sài Gòn thật khác so với các cuốn sách viết về Sài Gòn khác, hoặc những điều mà những người khác từng nói đến về thành phố này.
Đó là một Sài Gòn hào sảng, nghĩa khí khiến người xứ khác phải thốt lên Xứ gì lắm Lục Vân Tiên.
Đó là một Sài Gòn chẳng phải chỉ có hoa cho người giàu, chẳng phải chỉ có lệ cho người nghèo (Người biết thương người).
Đó là một Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen. Chẳng thể ghét chỉ có thương (Đừng vội ghét khi chưa kịp thương).
Đó là một Sài Gòn bao dung thảo thơm và đem lại niềm hạnh phúc. Dẫu cho mảnh đất này vẫn bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền (Sài Gòn và những mơ ước sau chảo dẻ rang).
Đó là một Sài Gòn níu giữ biết bao người trân quý giá trị xưa (Sài Gòn lê la, chè hoa khắp nẻo)
Đó là một Sài Gòn thay đổi và thích nghi, để lại nỗi niềm tiếc nuối trước sự mai một của những nét đẹp bình dị xưa (Báo giấy – Tiếc thay một chút nghĩa cũ, Cà phê kho – Chuyện cũ kỹ của những người trẻ).
Đó là một Sài Gòn hội tụ sự đa dạng văn hóa, ẩm thực và là mảnh đất chung sống chan hòa của người Việt ba miền Bắc Trung Nam…
Bằng góc nhìn rộng mở, xuất phát từ một sự “cảm thương đẹp đẽ”, Sài Gòn còn thương thì về đã chạm đến ngõ ngách tâm hồn của những người thị dân chính gốc nơi đây và với cả những người mới đặt chân vùng đất này. Cuốn sách là một phần ký ức đẹp của tác giả dành cho Sài Gòn – TP.HCM và cho những ai trót thương đất này.
Nguồn: News.zing.vn