Chùa Bổ Đà đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

0
123

(TITC) – Sáng ngày 12/3/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà và khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà năm 2017.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (ảnh: Báo Bắc Giang)

Chùa Bổ Đà có tên chữ là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, và thường được dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ, nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Di tích chùa Bổ Đà tương truyền được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), sang đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) được mở rộng, phát triển hưng thịnh. Trải qua thời gian, đến nay di tích đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Quần thể di tích chùa Bổ Đà gồm các khu chính: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa. Đây là nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm.

Hiện chùa còn lưu giữ hơn 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX)… Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa.

Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính (có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX) thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Đây là kho di sản tư liệu quý có giá trị về lịch sử Phật giáo và còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…

Nơi đây còn có vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 ngôi tháp lớn nhỏ, là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng Thiền Lâm Tế nằm ở bên trái khu nội tự và vườn chùa trên diện tích gần 8000m2.

Với những giá trị đặc biệt đó, chùa Bổ Đà đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ tháng 1/1992; Hội nghị kỷ lục gia Việt Nam công nhận Vườn tháp chùa Bổ Đà là vườn tháp lớn nhất Việt Nam và Bộ mộc bản kinh Phật của thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam từ tháng 5/2016; Và đến tháng 12/2016, Chùa được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh trống khai hội (ảnh: Báo Bắc Giang)

Cùng với đó, Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà cũng được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ tháng 1/2017. Lễ hội chùa Bổ Đà là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà diễn ra hàng năm vào các ngày 16, 17, 18 tháng Hai âm lịch.

Năm nay, Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc như: Trưng bày triển lãm sản vật làng nghề, nông sản thực phẩm tiêu biểu của địa phương; Trình diễn Thư pháp; Giải vô địch kéo co; Hội thi chim hót; Liên hoan hát Quan họ huyện Việt Yên lần thứ XVII và hát Quan họ Đối đáp, hát Quan họ dưới thuyền; biểu diễn nghệ thuật…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Về nơi đất lành chốn thiêng” (ảnh: Báo Bắc Giang) 

Thanh Tâm

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn