Chưa thể định giá tài sản vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba

0
39

Cơ quan điều tra cho biết chưa thể định giá tất cả tài sản đã kê biên trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung lần 2 gửi VKSND cùng cấp về việc kê biên tài sản từ “tiền phạm tội” của Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng 22 bị can.

Theo kết luận điều tra, Công an TP.HCM đã kê biên, tạm giữ nhiều tài sản, tiền và đã có kết quả giám định một số tài sản trong vụ án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể tổ chức họp và kết luận định giá đối với phần tài sản trên.

Cụ thể, các tài sản bị tạm giữ gồm hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt khi khám xét; 20 thỏi kim loại màu vàng, kết quả giám định toàn bộ số hợp kim trên không phải là vàng; 257 miếng kim loại màu vàng có chữ Địa ốc Alibaba, đã qua giám định chất lượng; hơn 45 tỷ đồng trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba; 19 ôtô, xe máy do các bị can, nghi can sử dụng; hơn 1,6 tỷ đồng tiền đặt cọc thuê nhà trên địa bàn TP.HCM của Công ty Alibaba.

Ngoài ra, Công an TP.HCM đã kê biên tài sản gồm 650 thửa đất với tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất nêu trên là 1.478 tỷ đồng.

Kết luận điều tra bổ sung lần này thể hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định trưng cầu hội đồng định giá tài sản, tiến hành định giá tài sản đối với ôtô, xe máy và 257 miếng kim loại màu vàng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan phải thực hiện việc giãn cách xã hội, nên địa phương không thể tổ chức họp và kết luận định giá đối với phần tài sản trên.

Chua the dinh gia tai san,  dich benh covid-19,  Cong ty dia oc Alibaba anh 1

Công an khám xét và thu giữ các tài liệu, tang vật tại trụ sở Công ty Alibaba. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, việc truy tố đối với Nguyễn Thái Luyện và các bị can căn cứ trên phần tài sản bị chiếm đoạt là 2.503 tỷ đồng theo 4.130 đơn tố giác của bị hại. Kết quả định giá tài sản đối với số tài sản là bất động sản bị kê biên, tiền, xe cộ… nhằm phục vụ cho việc thi hành án; do đó, thông tin về tài sản cần định giá sẽ được Cơ quan CQĐT bổ sung ngay khi có kết quả, đảm bảo việc xét xử, thi hành án.

Kết luật điều tra bổ sung xác định Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”. Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu để lừa bán cho 4.130 bị hại, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh (32 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Một bị can khác là Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn