Chuẩn bị phương án nối lại thương mại với nước đã áp dụng vaccine

0
Chuẩn bị phương án nối lại thương mại với nước đã áp dụng vaccine

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia đã áp dụng vaccine Covid-19.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra một số kiến nghị mới trong bối cảnh hiện tại. Trong đó ông nhấn mạnh đến 2 việc là chuẩn bị phương án nối lại hoạt động thương mại đầu tư với quốc gia đã áp dụng vaccine, ngoài ra cũng cần có kịch bản về thương mại với một số quốc gia có thay đổi lớn về chính trị.

Niềm tin của người dân về triển vọng kinh tế

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Ông đánh giá sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

noi lai hoat dong dau tu va thuong mai anh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư.

Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Ngoài ra, thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Đến nay đã xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá vẫn có nhiều cơ hội đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại…

Sớm ban hành gói hỗ trợ bổ sung

Để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế – xã hội.

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế. Ông cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Các bộ, cơ quan trung ương cần khẩn trương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoặc chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ, kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước với trọng tâm là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải…

Làm như vậy sẽ giúp đạt được “mục tiêu kép”, vừa hỗ trợ các ngành còn gặp khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động.

noi lai hoat dong dau tu va thuong mai anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất sớm xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn. Ảnh: Viconsip.

Thứ hai, Bộ trưởng KHĐT cho rằng cần theo dõi sát diễn biến dịch ở các nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ việc cách ly. Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia đã áp dụng vaccine.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng lộ trình, cách thức phân phối vaccine để triển khai, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Thứ ba, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm. Cần nhanh chóng vận chuyển, phân phối con giống, vật nuôi và các tư liệu sản xuất khác tới địa phương, khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt, để thực hiện tái sản xuất, bảo đảm đời sống của người dân và nguồn cung cho thị trường.

Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần đánh giá tác động của Hiệp định RCEP đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam khi Ấn Độ không tham gia. Xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguồn: News.zing.vn