Tình trạng bán tháo bất ngờ diễn ra trong phiên chiều khiến VN-Index tiếp tục mất gần 30 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp của thị trường.
Thị trường chứng khoán phiên 6/12 chứng kiến diễn biến khá giống biến động trong phiên cuối tuần trước. Chỉ số trong buổi sáng giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu và bất ngờ lao dốc về phiên chiều.
Tình trạng bán tháo bất ngờ xuất hiện trên diện rộng đẩy VN-Index có thời điểm mất gần 42 điểm. Sau đó chỉ số chính có sự thu hẹp khi còn giảm gần 30 điểm (2,06%) để kết phiên ở 1.413,58 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp với tổng mức giảm 71,6 điểm.
Diễn biến tương đồng cũng diễn ra trên sàn niêm yết quy mô nhỏ hơn là HNX khi chỉ số đại diện kết phiên lao dốc 13,4 điểm (2,99%) về 435,85 điểm. UPCoM-Index giảm -2,6% xuống 109,19 điểm.
VN-Index lại lao dốc trong phiên chiều ngày 6/12. Đồ thị: TradingView. |
Nhóm vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực; trong đó nhóm VN30 ghi nhận đến 22/30 mã giảm giá và chỉ 5 mã tăng giá. Một số cổ phiếu lớn giảm rất sâu tiêu biểu như HDB, HPG, KDH, GAS, SAB, STB… giảm 3,5-6%.
Xét về mức độ tác động,VCB của Vietcombank là mã làm mất nhiều điểm nhất lên chỉ số khi thị giá giảm 2,7% trong phiên đầu tuần; tiếp đến là GAS của PV Gas và HPG của Hòa Phát.
Ở chiều ngược lại, POW của PV Power là điểm sáng lớn nhất khi tăng 2,6% và gồng đỡ cho chỉ số, bên cạnh đó cổ phiếu chứng khoán với SSI và VND đứng tiếp theo về mức độ tác động tích cực lên thị trường.
Các cổ phiếu đầu cơ như SJF, IDI, CEO, SDA… vẫn tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn và ở trong trạng thái “trắng” bên mua với dư bán giá sàn ở mức cao. SJF dư bán giá sàn 12 triệu cổ phiếu còn ở IDI là hơn 10 triệu cổ phiếu.
Sắc đỏ hiện diện gần như tất cả các nhóm ngành quan trọng, trong đó rơi mạnh nhất thuộc về nhóm vật liệu ( khoảng -4,5%) và nhóm ngành sản xuất công nghiệp (-3%)…
Tổng số mã giảm giá trong phiên lên đến 943 (trong đó có 101 mã giảm sàn), ngược lại toàn thị trường chỉ có 159 mã tăng giá. Điều này đồng nghĩa cứ 1 mã tăng thì có gần 6 mã giảm giá trong phiên hôm nay.
Thanh khoản thị trường có sự giảm nhẹ so với phiên trước khi tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.078 tỷ đồng, giảm 1,9%. Đáng chú ý khi khối ngoại quay ngược mua ròng 300 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Cổ phiếu trụ lại kéo VN-Index đi lùi trong phiên đầu tuần. Nguồn: VNDirect. |
Thực tế với diễn biến tiêu cực từ tuần trước, phần lớn các đơn vị phân tích đưa ra quan điểm khá thận trọng về diễn biến thị trường và hàm ý về việc cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trước lo ngại về biến chủng Omicron vẫn chưa có thông tin rõ ràng.
Chứng khoán MB nhận định bối cảnh hiện tại dòng tiền đang suy giảm, khả năng thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời ở 1 đến 1,5 phiên ở các phiên đầu tuần sau và dòng tiền sau đợt giảm này có khả năng sẽ quay lại nhóm cổ phiếu bluechip.
Theo VDSC, diễn biến của chỉ số bị cản tại biên trên của mô hình tam giác nhỏ và phá vỡ biên dưới, cho thấy VN-Index đang phát tín hiệu xu hướng tiêu cực ngắn hạn.
Yuanta Việt Nam nhận định thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, do đó nếu đà giảm tiếp tục diễn ra ở phiên giao dịch đầu tuần thì rủi ro ngắn hạn có thể tăng mạnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ xuyên thủng đường trung bình 50 ngày.
Diễn biến này cũng đang diễn ra trên thị trường tài chính châu Á. Chỉ số MSCI AC Asean Index đã giảm khoảng 4% kể từ Lễ Tạ ơn của Mỹ – khi thông tin về biến thể virus mới lần đầu xuất hiện.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm gần 1% và Topix giảm 0,79%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 1,3% giá trị. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,57% hay ASX 200 của Australia giảm 0,39%.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan vừa trở thành quốc gia tiếp theo (sau Malaysia và Singapore) ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên dù đã thực hiện lệnh cấm du khách từ một số nước ở châu Phi từ đầu tháng 12.
Nguồn: News.zing.vn