Mọi thứ thay đổi chóng vánh với phi hành đoàn chuyến bay của Air India từ thủ đô Delhi đến Kabul hôm 15/8.
Khi chiếc máy bay của Air India chở theo 40 hành khách chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Kabul chiều 15/8, kiểm soát viên không lưu địa phương xác nhận cho phép nó hạ cánh.
Đó là một buổi chiều oi bức, với nhiệt độ lên tới 35 độ C.
Một chiếc trực thăng Chinook của quân đội Mỹ trên bầu trời Kabul hôm 15/8. Ảnh: AP. |
Diễn biến quá nhanh
Tuy nhiên, 6 thành viên phi hành đoàn không hề biết rằng ở dưới mặt đất, mọi thứ đang thay đổi một cách chóng vánh. Các chiến binh Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul sau khi chính phủ Afghanistan sụp đổ.
Đó là dấu chấm hết cho cuộc chiến được phát động bởi Mỹ và các đồng minh cách đây 20 năm.
Khi các phi công chuẩn bị cho máy bay hạ cánh, họ được kiểm soát viên không lưu yêu cầu ở lại trên bầu trời mà không đưa ra lý do nào.
Suốt 90 phút sau đó, chiếc máy bay phải lượn vòng quanh bầu trời Kabul ở độ cao 5.000 m.
Do đã lường trước được những khó khăn về mặt liên lạc, điều thường xuyên xảy ra khi hạ cánh xuống Kabul, chiếc máy bay đã mang theo lượng nhiên liệu nhiều hơn mức cần thiết.
Các phi công cho biết hoạt động đường không ở Kabul thường rất bận rộn. Vào thời gian này trong năm, việc hạ cánh ở thành phố còn gặp một thách thức khác: Đó là những cơn gió mạnh và gió giật.
Khi đó, có ít nhất 2 hãng hàng không nước ngoài đang bay lòng vòng trên bầu trời Kabul để chờ được hạ cánh.
Chiếc Airbus A320 của Air India cuối cùng cũng chạm đất vào lúc 15h30 giờ địa phương. Đường bay Delhi – Kabul thường kéo dài từ 105 đến 120 phút, nhưng trong chiều chủ nhật đó, phải mất ba tiếng rưỡi để chiếc máy bay có thể hạ cánh.
Một số hành khách trên máy bay cho biết họ có thể cảm nhận được sự căng thẳng đang diễn ra ở mặt đất, nhưng không rõ về nguyên nhân.
Các binh sĩ xuất hiện trên đường băng, trong khi đó những chiếc C-17 Globemaster và trực thăng Chinook liên tiếp đáp xuống rồi lại bay đi.
Những chiếc máy bay dân sự của Pakistan và Qatar cũng được nhìn thấy trên đường băng.
“Chúng tôi nghe được rằng các nhân viên sân bay đang ẩn náu ở đó, và có một lượng lớn người đang cố gắng để vào được sân bay”, một hành khách chia sẻ.
Người dân Afghanistan vượt qua hàng rào để tìm đường vào bên trong sân bay Kabul. Ảnh: Reuters. |
Sau khi máy bay hạ cánh, phi hành đoàn ở lại trên máy bay – theo quy định sẵn có mỗi khi họ đáp xuống Kabul.
Sau khi chờ hơn một tiếng rưỡi trên đường băng, chiếc máy bay của Air India cất cánh rời đi với 129 hành khách. Trong số này có nhiều quan chức chính phủ Afghanistan, ít nhất hai thành viên quốc hội và một cố vấn cấp cao của cựu tổng thống.
Một số khác dường như đã lỡ chuyến bay vì họ bị mắc kẹt do tắc đường ở thủ đô Kabul.
“Tôi chưa từng thấy cảnh những công dân của một quốc gia tuyệt vọng muốn rời khỏi đất nước của họ đến vậy. Khi họ bước lên máy bay, bạn có thể thấy sự tuyệt vọng đó trong mắt họ”, một hành khách nói.
Phần lớn hành khách là người Afghanistan đang cố rời khỏi đất nước của họ. Cũng có một số ít là các công dân Ấn Độ.
Đến tối 15/8, sự tuyệt vọng càng tăng thêm khi hàng nghìn người Afghanistan đã đổ tới sân bay Kabul để rời khỏi đất nước. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em xuất hiện trên khắp sân bay, ngay cả trên đường băng. Các hãng hàng không lớn cũng điều chỉnh đường bay của họ để tránh không phận Afghanistan.
Air India vẫn khai thác các chuyến bay hàng tuần đến thủ đô Kabul, nhưng mọi thứ hiện nay đều không chắc chắn. Một phát ngôn viên của hãng cho biết theo lịch trình, vẫn có một chuyến bay thương mại đến Kabul vào chiều 16/8.
“Nhưng nếu không phận bị đóng cửa, chúng tôi sẽ không thể hoạt động”, phát ngôn viên cho biết.
Chỉ còn lại sự tuyệt vọng
Tình hình tại sân bay Kabul thậm chí còn tồi tệ hơn vào lúc này, nhiều người dân thậm chí đã cố bám lấy một chiếc máy bay quân sự của Mỹ khi nó đang cất cánh trên đường băng.
Khi sự hỗn loạn lan rộng, quân đội Mỹ đã kiểm soát khu vực dân sự của sân bay Kabul. Trong khi đó nhiều người chen lấn và tìm cách trèo lên hai chiếc máy bay thương mại đang đậu cạnh nhà ga.
Do hoạt động hàng không dân sự tạm thời đã bị dừng lại, trong khi các máy bay quân sự chỉ đón những công dân nước ngoài, nhiều người Afghanistan nhận ra rằng cơ hội của họ là rất mong manh.
Sau khi Taliban xuất hiện ở dinh tổng thống, còn tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước, việc tiếp cận sân bay Hamid Karzai – nằm cách trung tâm Kabul 5 km – chỉ có thể được thực hiện thông qua các chốt kiểm soát do Taliban thiết lập.
Các chiến binh Taliban bên ngoài sân bay. Ảnh: Reuters. |
Sự tuyệt vọng hiện lên rõ rệt và nhiều người đã rơi nước mắt, cũng có những báo cáo về tiếng súng nổ ra ở sân bay trong ngày hôm nay.
Hai mươi năm sau khi Mỹ xâm lược Afghanistan, sân bay Kabul vào lúc này là một trong những địa điểm cuối cùng ở thủ đô không bị Taliban kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tất cả các nhân viên đại sứ quán và gia đình đã được sơ tán đến sân bay, dưới sự bảo vệ của các binh sĩ Mỹ.
Nhưng đối với hàng nghìn người dân Afghanistan, họ không có lối thoát nào khác.
Nguồn: News.zing.vn