Chuyện ‘cầm nhầm’ đồ ở chung cư TP.HCM mùa dịch

0
97

Giãn cách xã hội, nhiều chung cư ở TP.HCM siết chặt quy định giao nhận đồ từ các shipper, tuy nhiên việc này lại vô tình tạo kẽ hở cho những người có ý đồ không tốt.

Trên hội nhóm của các cộng đồng cư dân ở chung cư TP.HCM, nhiều thành viên đăng tải thông tin thường xuyên bị “cầm nhầm” đồ khi shipper giao nhận hàng hóa tại sảnh.

Anh Hải Đăng (34 tuổi, cư dân Vinhomes Central Park) từng đặt mua hai chai cồn sát khuẩn và một vài loại thuốc cùng đồ dùng y tế, được shipper để tại bàn ở sảnh. Khi xuống nhận đồ thì túi đồ của anh được buộc lơi lỏng, hai chai cồn cũng “không cánh mà bay”.

“Tôi cứ nghĩ chắc là ai đó nhầm lẫn đồ đạc gì thôi, có hai chai cồn giá trị không lớn nên thôi không truy cứu. Ai ngờ đâu cứ thấy mấy hôm là có người lên group báo mất đồ”, anh Đăng chia sẻ.

“Cầm nhầm” nhưng mất thật

Trả lời phỏng vấn Zing, anh Hải Đăng cho biết ngoài trường hợp của anh, có khá nhiều người cũng gặp cảnh “éo le” tương tự. Song có người báo lên thì bị nhầm lẫn thật, nhưng cũng có người đợi mãi vẫn không thấy đồ của mình quay về.

cam nham do trong chung cu anh 1

Shipper không thể giao tận tay người đặt hàng tại chung cư mà phải đặt đồ lên các bàn giao nhận. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi thành phố ra Chỉ thị 16, nhà nhà đều tuân thủ quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt, việc giao nhận hàng giữa shipper và người dân phải đảm bảo khoảng cách, hạn chế tiếp xúc nhất có thể.

Thời điểm này, hầu hết chung cư đều quy định shipper đặt hàng hóa tại bàn giao nhận phía trước sảnh của mỗi tòa nhà sau đó liên hệ người nhận xuống lấy.

Tuy nhiên, nhiều người bận rộn hoặc chưa thể xuống lấy ngay được thì hàng hóa để trên bàn bỗng chốc “không cánh mà bay”.

Chị L.H.A. (28 tuổi, cư dân Masteri Thảo Điền) cũng gặp trường hợp tương tự. Chị đặt mua 5 kg khoai lang và một túi rau củ các loại, nhưng xuống đến nơi nhận hàng thì chỉ còn túi khoai lang nằm chỏng chơ.

“Tôi tưởng bên shop đồ giao thiếu nên gọi điện lại kiểm tra với người ta, sau đó bên shop gửi hình shipper giao đầy đủ đồ nên tôi mới nghĩ là mọi người lấy nhầm. Vì số lượng đồ trên bàn giao nhận cũng khá nhiều”, chị H.A. nói.

Chị H.A. cũng cho biết đã dặn bảo vệ tại tòa nhà nếu có ai nhầm lẫn mang trả lại thì liên hệ giúp chị trên căn hộ. Tuy nhiên, đợi ròng rã từ chiều đến tối vẫn không thấy “tăm hơi” túi rau củ của mình thì chị xác định đã mất.

“Mùa dịch như thế này, thực phẩm rau củ quý như vàng, sơ sẩy là mất”, chị L.H.A. nói thêm.

Không chỉ thực phẩm hay đồ dùng ý tế bị “cầm nhầm”, chia sẻ với Zing, chị Vũ Thúy (34 tuổi, cư dân Vinhomes Central Park) cho biết chị cũng gặp phải tình trạng mất đồ là túi tã bỉm cho con.

Chị Thúy kể vì bận chăm con nhỏ nên shipper giao hàng từ chiều, đặt tại bàn nhận đồ mà đến tối chị mới xuống lấy được, hậu quả là túi tã giấy đã “không cánh mà bay”. Thời điểm này, bảo vệ đã giao ca nên chị Thúy cũng không thể hỏi thêm được về món đồ đã mất.

“Đâu ai nghĩ tã bỉm cũng bị mất, mà đúng túi tã xịn nữa. Tôi cứ nghĩ đây là dạng đồ dùng cá nhân nên không nghĩ sẽ bị người ta lấy”, chị Thúy chia sẻ.

Tình trạng “thất lạc” đồ như anh Hải Đăng hay chị Thúy, chị L.H.A không phải là hiếm, rất nhiều thành viên trong các hội nhóm chung cư bày tỏ mình cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Nhiều người chia sẻ khi thì mất bánh mì, sữa,… lúc lại mất rau củ, trái cây,… Thậm chí, từng có trường hợp mất đồ ngay cả khi shipper đặt đồ trong hòm thư.

Giải pháp tình thế

Phía dưới các bài đăng mất đồ của các thành viên trong chung cư, nhiều người bàn đến giải pháp triệt để, tránh tình trạng “quen tay cầm nhầm”.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng những người bị mất đồ nên liên hệ với bảo vệ tại tòa nhà để kiểm tra camera, song không phải ai cũng đủ thời gian hay sự kiên nhẫn hoàn thành quy trình này.

Đôi lúc vì giá trị đơn hàng bị mất không lớn, lại cảm thấy phiền phức, nên nhiều người chỉ tặc lưỡi cho qua.

Anh Hải Đăng chia sẻ vì giá trị đơn hàng không lớn, lại nghĩ kiểm tra camera rồi thì cũng chưa chắc xác định được chính xác người lấy là ai nên quyết định bỏ qua. Anh chỉ tự nhắc mình sau này nhận hàng thì nhận sớm hơn, hoặc nhờ bảo vệ chú ý giúp.

cam nham do trong chung cu anh 2

Giá trị đơn hàng không cao nên anh Đăng không muốn tốn thời gian tìm hiểu. Ảnh: NVCC.

Không ít người rơi vào trường hợp mất đồ, có yêu cầu kiểm tra camera nhưng quy trình giải quyết vấn đề này không nhanh gọn nên họ chỉ có thể đợi.

“Chị hàng xóm cùng tòa nhà của tôi cũng bị người ta ‘cầm nhầm’ túi bánh kẹo. Chị báo lên bảo vệ người ta bảo không quản lý camera, phải làm đơn gửi lên lễ tân thì được trả lời là đợi thêm một thời gian”, chị L.H.A. nói thêm.

Một số ý kiến khác cho rằng việc kiểm tra camera là hành động cảnh báo, thậm chí chụp ảnh đăng tải vào group chung cũng là để răn đe cho những “tội phạm cơ hội”. Chứ thực chất có lúc kiểm tra xong vẫn không xác định được là ai lấy vì chất lượng camera kém.

“Đã muốn lấy là sẽ tìm mọi cách lấy, mình có cảnh báo răn đe thì cũng một thời điểm nào thôi, người có lòng tham thì vẫn sẽ lợi dụng sơ hở”, tài khoản Duyen Nguyen nêu quan điểm.

Sau phản ánh của các cư dân, nhiều chung cư cũng đã có giải pháp siết chặt hơn vấn đề này. Bên cạnh đặt camera quay trực tiếp ra bàn nhận đồ thì nhiều nơi còn dán bảng thông báo và cử thêm bảo vệ quan sát trong các khu vực.

Thậm chí, tại Vinhomes Central Park, ban quản trị chung cư đã tính đến phương án lắp đặt camera và cho phép cư dân theo dõi trực tiếp qua ứng dụng trên điện thoại. Đây đều là những giải pháp tình thế để giúp người dân tại các chung cư hạn chế việc thất lạc đồ.

“Lúc dịch dã thế này, mọi người chỉ nên sống tốt rồi giúp đỡ nhau thêm chứ ai lại đi gây phiền hà như thế”, tài khoản Kỳ Anh bày tỏ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn