Không lịch trình, không vội vã, không buộc mình phải ăn hết món Huế, Quốc Việt đã có chuyến trải nghiệm như một người dân cố đô.
Dưới đây là chia sẻ của Quốc Việt, đến từ Nam Định, hiện sinh sống và làm việc ở Hà Nội về chuyến khám phá Huế vừa qua.
Trước đây, khi lên lịch trình, tôi cố thêm vào danh sách càng nhiều điểm càng tốt và chi li quỹ thời gian để đi hết trong một lần. Nhưng lần đến Huế này, tôi chọn cho mình một lịch trình không có trước.
Xách túi lên và đi
Tối thứ sáu, rời cơ quan là tôi bắt chuyến xe giường nằm đi Huế. Mọi thứ nhanh gọn và đơn giản vì giờ có nhiều website đặt qua mạng rõ ràng điểm lên xuống và giờ giấc. Tôi nhẹ túi đi với tâm thế đến sống như một cư dân cố đô, loanh quanh chơi vài ngày.
Italy có phương pháp giáo dục Montessori lấy tính tự hấp thụ của trẻ làm trọng tâm. Tôi làm theo, đọc ”sách” của riêng mình và không cố nhìn ra những điểm được tả và hình dung về điểm đến từ trước.
Có mặt ở thành phố sáng thứ bảy, tôi đặt chân xuống gần Đại Nội, nhưng không vội ghé chỉ để ”check in”. Để tìm phương tiện đi lại cho chủ động, tôi đến Phố Tây của Huế (khu vực đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão) . Nơi này cho thuê xe máy nhiều, giá khoảng 100.000 đồng cho 24 tiếng, bên cạnh cả xe đạp. Đường vào đây từ kinh thành dẫn qua cầu Trường Tiền không quá dài, có thể đi bộ vãn cảnh.
Đi dọc phố Tây, rất dễ bắt gặp những hostel treo giá trên dưới 4 USD mỗi đêm cho giường dorm. Chỗ tôi ở sạch sẽ, nhân viên thân thiện và nói giọng Huế. Khu phố tĩnh lặng ban ngày, trái ngược không khí sôi nổi về tối khi hóa phố đi bộ khá giống các đô thị lớn.
Dạo đường Võ Thị Sáu, tôi bắt gặp tình cờ một quán cà phê mà sau thành chốn quen. Đây là quán duy nhất tôi nghỉ chân suốt hành trình. Các bạn nhân viên thấy khách qua lại nhiều quen mặt, khiến tôi cảm giác thân thuộc như thể đang sống trong thành phố của mình.
Kế bên quán cà phê là một quán bánh Huế có tiếng. Thực đơn gồm bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram ít… Tôi ăn duy nhất bánh nậm để cảm nhận rõ mùi thơm bột gạo tẻ, lá dong gói và vị mắm se cay. Màu xanh mướt của lá dong ánh lên cùng mỡ bánh đọng lại rất lâu trong tâm trí.
Ấn tượng kiểu đó, nếu như đã cố nếm hết các đồ, tôi không có được. Hồi đi Hội An, tôi từng thưởng thức loại bánh tương tự mà về sau chẳng nhớ nổi mùi vị thế nào, chỉ vì ”quá chén” thử cho biết đủ loại.
Đừng chỉ hỏi đường
Tôi được người dân địa phương chỉ chỗ họ hay lui tới sau bao nhiêu năm sinh sống. Một trong số đó là quán bún bò ăn sáng, ngon lại vừa túi tiền (Huế về chiều tối ít mở bún bò hơn).
Đáp lại, khi được anh bạn xe ôm bản địa chở đến nhà thờ Phủ Cam, tôi kể anh nghe về chỗ gần đó lưu giữ kỷ niệm của một mối tình nổi tiếng. Người bao năm ở Huế ấy chưa từng nghe nói đến Gác Trịnh, nơi Trịnh Công Sơn sinh sống một thời những năm 60-70 thế kỷ trước, và thường ngồi lan can nhìn xuống đường ngắm “Diễm” mỗi khi “Diễm” tan trường về.
Lang thang đường phố cố đô, tôi bắt gặp Đại học Sư phạm, đường Nguyễn Trường Tộ rợp cây, Quốc Học Huế nhuộm hồng.
Hành trình của riêng mình
Tôi trân trọng mỗi cơ duyên bắt gặp dọc đường. Như quán chè của bà cụ trên vỉa hè Nguyễn Công Trứ, tôi xà vào và chẳng nhớ nổi thành phần chè nhưng khó quên vị muối được thêm; hay bánh bao người Huế đạp xe bán rong trên đường quê đến phá Tam Giang, ngon mà rẻ đến độ phải mua hai chiếc cho đỡ áy náy.
Nhắc đến Tam Giang, tôi ghé vì nghe có hoàng hôn đáng nhớ. Đường đi hơi dài nên trước khi tới được phá, tôi kịp thấy hoàng hôn chiếu trên cánh đồng, nơi bọn trẻ con đá bóng dưới trời chạng vạng và đàn trâu thả bộ xung quanh.
Về phòng, tôi thảnh thơi đặt lưng xuống giường sau ngày dài rong chơi, chẳng bận bịu suy tính checklist hôm sau.
Sáng chủ nhật, tôi thong thả tìm đường ra đồi Vọng Cảnh, đơn giản bởi cái tên nghe thi vị và muốn ngắm sông Hương từ trên cao. Đường đi dễ, khoảng 8 km từ trung tâm. Người Huế có một điểm picnic lý tưởng. Đỉnh đồi sạch, râm mát nhờ thông che phủ và quang cảnh trước mắt dễ khiến người đến lần đầu đứng sững lại. Sông Hương nhìn từ đây bao bọc bởi núi và rừng cây xanh, đàn thuyền lướt trông rất Huế.
Trọn buổi chiều cuối được tôi dành cho Đại Nội. Tôi chậm rãi lưu lại trong quảng trường phía sau cột cờ, cảm nhận làn gió thổi quanh kinh thành và ghi nhớ khoảnh khắc ngồi đó.
Từ đây, mua vé vào Đại Nội, tôi đi qua hết cánh cửa này đến cánh cửa khác. Bắt đầu là điện Thái Hoà, nơi vua Nguyễn ngự triều, ghế vua ngồi vẫn nằm giữa. Phía trong điện không cho phép quay phim chụp ảnh. Nhưng tôi nhớ cảm giác xúc động của mình khi chạm từng mảng gỗ sơn son thếp vàng đã vài trăm năm tuổi.
Huế, trong ngày cuối tuần của tôi, nắng oi chứ không mưa buồn đìu hiu. Bước quanh khu kinh thành rất rộng, tôi khát nước dừng chân ăn chè ở một gánh ven quảng trường.
Tôi hẹn người bán sẽ trở lại quán chị vào lần sau tới Huế, mà chẳng lo nghĩ còn nơi nào chưa trải nghiệm.
Quốc Việt
Nguồn: Vnexpress.net