Theo CEO Thái Minh Châu, chuyển đổi số sẽ là hướng đi bền vững, nhất là với những đơn vị làm sách dựa nhiều vào công nghệ.
Bà Thái Minh Châu là nhà sáng lập, điều hành Công ty xuất bản Phục Hưng, đồng thời là Giám đốc đối ngoại của Fonos, ứng dụng sách nói có bản quyền tại Việt Nam.
Trước yêu cầu của việc phát triển văn hóa đọc thời đại công nghệ số, bà chia sẻ về sách nói và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản.
Sách nói và sách giấy truyền thống sẽ cùng “win – win”
– Bà đánh giá thế nào về những ưu điểm vượt trội của sách nói?
– Theo tôi, lý do sách nói ngày càng phổ biến là bởi tính tiện dụng và dễ tiếp cận của nó. Bạn chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể tận hưởng sản phẩm của sách nói.
Bên cạnh đó, gần đây, chúng ta thường nghe nhiều về xu hướng multi-tasking (làm việc đa nhiệm), tức làm nhiều việc trong cùng một khoảng thời gian.
Cuộc sống ngày càng bận rộn, với đa số người trẻ, thời gian ở công sở đã chiếm đến 8 tiếng/ngày, họ không còn nhiều thì giờ cho việc khác. Với nội dung âm thanh, họ có thể vừa nghe, vừa kiêm nhiệm thêm hoạt động khác như nấu ăn, chạy bộ, dọn dẹp nhà cửa…
Đồng thời, sách nói cũng là sự hiện diện theo xu thế chung trong xã hội thời 4.0, mọi thứ đều phát triển xoay quanh tiến bộ công nghệ.
Việt Nam là nước có dân số sử dụng smartphone đứng thứ 10 thế giới và thứ hai Đông Nam Á năm 2020, với 61,3 triệu smartphone. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các nội dung số cũng như sách nói.
Nghe cũng như đọc, cũng là một quá trình chúng ta tiếp nhận và hấp thụ thông tin, kiến thức. Lợi ích của sách nói so với sách giấy là như nhau và đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience, các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Gallant tại UC Berkeley đã quét não của 9 người khi họ đọc và nghe.
Nhìn vào bản phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu thấy rằng những câu chuyện đã kích thích các khu vực nhận thức và cảm xúc giống nhau, bất kể họ đọc hay nghe sách.
Ngoài ra, sách nói còn có nhiều điều hữu ích khác cho chúng ta như giảm suy nghĩ tiêu cực, giúp thư giãn đôi mắt, cải thiện giấc ngủ, bồi đắp kỹ năng đọc – viết…
Việc phát triển sách nói sẽ tác động thế nào đối với văn hóa đọc truyền thống?
– Sách nói và sách giấy truyền thống là mối quan hệ tương hỗ, không mang tính thay thế hay va chạm lợi ích, mà là “win – win”, đôi bên cùng có lợi. Là người vừa làm sách giấy, vừa làm sách nói, tôi may mắn có được cái nhìn trực quan về vấn đề này.
Thực tế, chúng tôi đang có mối quan hệ hợp tác rất tốt đẹp với nhiều tên tuổi lớn trong ngành. Cùng nhau, chúng tôi tạo ra sự đa dạng cho ngành xuất bản. Điều đó đồng nghĩa với việc người đọc được thụ hưởng nhiều quyền lợi hơn, khi có nhiều lựa chọn hơn.
Bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại của sách nói Fonos. Ảnh: FBNV. |
Xu thế cần đẩy mạnh trong thời công nghệ số
– Với công nghệ hiện đại, chuyển đổi liên tục, theo bà, sách nói có phải là xu thế mới của chuyển đổi số trong xuất bản?
– Chuyển đổi số hiện nay đã là xu hướng trong mọi ngành nghề. Là doanh nghiệp dựa nhiều vào công nghệ, chúng tôi xác định đây sẽ là hướng đi bền vững.
Song song việc đẩy mạnh hợp tác với các nhà xuất bản, tác giả sách hay những nhà sáng tạo nội dung, Fonos cũng dành nhiều tâm huyết và nhân lực cho khâu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ.
Ở góc độ vĩ mô hơn, tôi rất vui vì hiện nay ngành xuất bản cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp nội dung hiện đại, trong đó chuyển đổi số là một hướng đi đã được xác định trong 5 năm tới.
Sách nói và sách giấy truyền thống là mối quan hệ tương hỗ, không mang tính thay thế hay va chạm lợi ích, mà là win – win, đôi bên cùng có lợi.
Thái Minh Châu
Đây là thông tin đưa ra tại hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2021.
Cụ thể, đến năm 2025, ngành xuất bản hướng đến đạt tỷ lệ sách/người từ 5,5 đến 6 cuốn trong một năm, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nền xuất bản hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Sách nói được xem là một xu thế cần đẩy mạnh. Fonos chắc chắn sẽ nỗ lực hơn nữa để cùng các bên nâng cao vị thế của ngành xuất bản cũng như đạt được mục tiêu chung.
– Thời gian vừa qua, Fonos và Alpha Books triển khai chương trình tặng sách nói miễn phí trong ngày cách ly. Ngoài ý nghĩa xã hội, đây có phải là cách giúp sách nói Fonos đến gần hơn với người nghe?
– Thời điểm này, mỗi doanh nghiệp đều có những cách khác nhau để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Tặng sách nói miễn phí là cách Alpha Books và Fonos chọn thực hiện trong khả năng của mình.
Việc giãn cách xã hội không thể ngăn chúng ta đến với một nhu cầu thiết yếu là cùng “người bạn sách” chăm sóc sức khỏe thân – tâm – trí và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống bình thường mới.
Chúng tôi đặc biệt muốn gửi gắm những tựa sách và nội dung miễn phí này đến những người có công việc đặc thù khó cầm được một cuốn sách trên tay, đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và cả những ai đang phải “tạm trú” trong khu cách ly.
Hy vọng có thể tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực ngay lúc này, cho mọi người.
Nguồn: News.zing.vn