Các chuyên gia Đại học Sydney cho rằng biến chủng Delta tạo nên thách thức chưa từng có cho việc chống dịch, và Australia cũng gặp khó khăn như Việt Nam trong việc “đuổi theo” nó.
Trong tọa đàm trực tuyến do Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tổ chức ngày 22/7 với chủ đề “Con đường thoát khỏi Covid-19”, TS.BS Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Quốc gia của Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia – nói rằng biến chủng Delta đã tạo ra một đợt dịch khó khăn chưa từng có, và sự lây lan nhanh chóng của biến chủng này khiến các biện pháp Việt Nam từng thực hiện thành công 3 đợt trước gặp nhiều cản trở.
Bà cho rằng cả việc xét nghiệm, cách ly, truy vết hay tiêm vaccine đều tương đối chậm so với tốc độ lây lan của virus. Với việc xét nghiệm chưa nhanh, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam có thể cao hơn so với những gì đã được công bố.
Dù vậy, bà cũng nhận định chính phủ đã thực hiện tốt việc truyền thông 5K đến người dân.
Từ kinh nghiệm của Australia, giáo sư Ben Marais – thuộc Đại học Sydney, chuyên gia tư vấn bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Westmead – nhận định một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch hiện nay là xét nghiệm.
Tuy nhiên, về lâu về dài, giáo sư khẳng định “chúng ta không thể nào cách ly, phong tỏa và giãn cách mãi được”, chỉ có vaccine mới là chìa khóa để các quốc gia thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Biến chủng Delta thay đổi cục diện chống dịch
Trong 5 biện pháp chiến lược cơ bản mà Việt Nam thực hiện nhằm ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, đầu tiên, theo bà Thu Anh, chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xét nghiệm, truy vết và cách ly một cách nhanh chóng các đối tượng dựa trên rủi ro về dịch tễ học.
Tuy nhiên, “trên thực tế, trong đợt dịch lần này, chúng ta có thể thấy phương án xét nghiệm, cách ly và truy vết chưa thể đuổi kịp tốc độ lây lan của virus corona”.
Tính đến nay, làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta là đợt dịch nghiêm trọng nhất Việt Nam từng đối mặt.
“Đợt bùng phát dịch lần này có thể nghiêm trọng hơn cả so với những gì được báo cáo hiện nay”, bà Thu Anh cho hay.
Ngày 22/7, Việt Nam ghi nhận 6.194 bệnh nhân. Đợt dịch thứ 4 bùng phát kể từ ngày 27/4 đã có 70.672 ca, với 335 trường hợp tử vong.
Lực lượng chức năng TP.HCM phun khử khuẩn những nơi liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chính quyền đã phong tỏa một số tỉnh và địa phương có số ca nhiễm cao. Hoạt động giãn cách xã hội cũng được triển khai để chặn đứng chuỗi lây truyền từ kinh nghiệm 3 đợt dịch trước đó.
Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Viện Woolcock cho rằng giãn cách chưa phải là biện pháp cuối cùng, một phần do biến chủng Delta lây lan nhanh chóng.
Mặt khác, bà khẳng định Việt Nam đã làm tốt truyền thông đại chúng về khuyến cáo 5K đến người dân, bao gồm Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.
Một biện pháp khác mà Việt Nam đang áp dụng được chuyên gia Thu Anh nhắc tới trong buổi tọa đàm đó là tiêm chủng vaccine Covid-19. “Tốc độ tiêm vaccine hiện nay còn thấp, chậm hơn nhiều so với tốc độ lây lan của virus”, tiến sĩ nhận định.
Theo thống kê của Our World in Data, hiện khoảng 0,3% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.
“Biến chủng Delta đã để lại nhiều tác động to lớn cho Việt Nam trong đợt dịch lần này. Ba đợt dịch trước Việt Nam đã kiểm soát khá tốt, có thể nói là không quá khó khăn, nhưng lần này với biến chủng Delta thì khó kiểm soát hơn cả”, bà Thu Anh nhận xét.
“Điều này cho thấy chúng ta cần thay đổi cách đối phó với biến chủng Delta. Biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng”, chuyên gia này nhận định.
“Có lẽ trong tương lai – 6 tháng, một năm, 2 năm – Việt Nam cần thích ứng, hoạch định các chiến lược để sống chung và kiểm soát biến chủng này”, vị chuyên gia nói.
Trước khi có đủ vaccine phải “xét nghiệm, xét nhiệm và xét nghiệm”
Cũng trong buổi tọa đàm, giáo sư Ben Marais thuộc Đại học Sydney nói rằng qua phân tích làn sóng Covid-19 hiện nay tại tiểu bang New South Wales của Australia (tiểu bang cũng đang phong tỏa vì dịch), việc kiềm hãm sự phát triển và lây lan của biến chủng Delta vẫn rất khó so với các đợt bùng phát trước đây.
Từ kinh nghiệm của Australia, chuyên gia này nhận định một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch hiện nay là xét nghiệm.
“Chiến lược là xét nghiệm, xét nghiệm, và xét nghiệm. Xét nghiệm càng nhiều người càng tốt. Rõ ràng xét nghiệm vẫn là một cách hiệu quả nhất có thể trong bối cảnh hiện nay”, giáo sư Marais nói. “Ở Sydney thời gian qua, xét nghiệm là phương pháp duy nhất giúp chúng tôi phát hiện ra xem điều gì đang diễn ra trong cộng đồng”.
Theo ông Marais, chiến dịch xét nghiệm diện rộng sẽ giúp các nhà chức trách có được thông tin quan trọng để điều chỉnh biện pháp can thiệp sao cho phù hợp.
“Khi mức độ lây lan đã vượt qua mức 1.000 ca/ngày, thì công tác xét nghiệm trở nên rất khó khăn, nhưng đây vẫn là công cụ hiệu quả để có sự can thiệp phù hợp”, ông nói thêm.
Người dân phường Phú Thọ Hòa đội nắng chờ lấy mẫu tầm soát tại điểm trường THPT Trần Phú vào sáng 29/6. Ảnh: Duy Hiệu. |
Hiện nay TP.HCM, tâm dịch Covid-19 của Việt Nam, ghi nhận trung bình khoảng trên 2.000 ca mắc Covid-19/ngày.
Từ ngày 26/5 đến ngày 21/7, TP.HCM đã lấy 2.068.328 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…), trong đó 1.836.387 mẫu có kết quả, 231.941 mẫu chờ kết quả.
Hôm 15/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu thừa nhận thành phố lấy mẫu diện rộng, lấy số lượng nhiều nhưng hiệu quả thấp.
“Chúng ta phải đánh trúng trọng điểm, sau đó đánh ra vùng lân cận nên hiệu quả rõ nét”, ông Châu cho biết về sự điều chỉnh. Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp giữa lấy mẫu đơn, mẫu gộp và xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tiết kiệm thời gian, có hiệu quả cao hơn.
Về lâu dài, theo giáo sư Marais, chiến lược “không Covid-19”, tức là việc giảm số ca mắc Covid-19 xuống gần như bằng 0 và khoanh vùng bảo vệ các khu vực an toàn, là chiến lược hiệu quả nhưng chỉ mang tính ngắn hạn để đối phó.
“Chúng ta không thể nào cách ly, phong tỏa, giãn cách mãi được. Cách duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi Covid-19 là vaccine”, giáo sư Marais nhấn mạnh.
Sáng 22/7, TP.HCM chính thức tiêm vaccine đợt 5 cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên với 930.000 liều. Các loại vaccine Covid-19 được sử dụng trong đợt tiêm này là Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 4.367.939; trong đó, tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955, theo Bộ Y tế.
“Tuy nhiên khi đã được tiêm, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp như 5K hay giãn cách xã hội”, chuyên gia Marais khuyến cáo.
Nguồn: News.zing.vn