Tăng mức xử lý đối với hành vi dùng biển số giả, quy trình xử phạt cần tạo thuận lợi cho người dân… là những kiến nghị của chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Nghị định 100.
Dự thảo Nghị định 100 sửa đổi mới đây đã được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét. Nội dung sửa đổi tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.
Đánh giá đây là nghị định có tác động sâu rộng tới hàng chục triệu người dân cả nước, các chuyên gia kiến nghị cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, nghiên cứu rõ mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để đưa ra chế tài phù hợp. Đồng thời, việc giảm thủ tục, thời gian đi lại cho người dân cũng được đề nghị xem xét.
“Bằng lái quá hạn trên 3 tháng và không có bằng lái có mức phạt bằng nhau là không hợp lý”
Tại khoản 9, Điều 21 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100, Bộ GTVT kiến nghị mức phạt 10-12 triệu đồng đối với hành vi Có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; Không có giấy phép lái xe hoặc Sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đánh giá về việc này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng việc cơ quan soạn thảo “đánh đồng” 3 vi phạm trên là như nhau là không hợp lý.
Ông Tạo phân tích, tài xế để quá hạn giấy phép lái xe về cơ bản là người biết điều khiển phương tiện, trước đó họ đã được cơ quan chức năng thẩm định kỹ năng và cấp bằng. Tuy nhiên, có thể vì lí do chủ quan hoặc khách quan, tài xế chưa làm thủ tục cấp lại, gia hạn bằng lái.
Trong khi đó, người không có giấy phép lái xe có nguy cơ cao là người không biết lái phương tiện, chưa được cơ quan chức năng thẩm định về kỹ năng. Đây là nguồn nguy hiểm lớn, nguy cơ dẫn đến tai nạn cao hơn hẳn đối với nhóm tài xế để quá hạn bằng lái.
Chuyên gia kiến nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh mức phạt giữa hành vi để bằng lái quá hạn trên 3 tháng và không có bằng lái. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV nhấn mạnh thêm về hành vi Sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ông cho rằng đây có thể coi là vi phạm kép, khi tài xế vừa không có bằng lái, vừa sử dụng bằng giả để đối phó.
“Dưới góc độ xử phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng cần căn cứ vào lỗi có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau để có chế tài hình phạt nghiêm khắc hơn. Rõ ràng 3 hành vi được nêu trên khác nhau về bản chất. Đồng thời hành vi không có bằng lái và sử dụng bằng giả còn có thể bị xử lý về mặt hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, ông Chiến nói.
Mức phạt đối với tài xế sử dụng biển số giả chưa tương xứng với hệ lụy
Cuối tháng 6, độc giả Nguyễn Tuấn Anh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) phản ánh tới Zing việc ôtô của anh này bị thông báo trên hệ thống phạt nguội 4 lần trong một tháng tại Hà Tĩnh, Nghệ An và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đáng chú ý, trong thời gian trên, chiếc xe này không ra khỏi Hà Nội.
Nam tài xế có đầy đủ dữ liệu từ hệ thống gửi xe và camera tại hầm chung cư để chứng minh. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh vẫn phải trực tiếp tới trụ sở CSGT nơi quản lý địa điểm ghi nhận vi phạm để giải trình. Anh cho biết cảm thấy rất mất thời gian và chi phí bởi quãng đường Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh không phải gần.
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100, trong khi hành vi buôn bán, sản xuất biển số giả được cơ quan chức năng đề xuất tăng mức phạt 7-10 lần, tối đa có thể lên tới 70 triệu đồng thì tại khoản 4, Điều 16 vẫn giữ nguyên mức phạt 4-6 triệu đồng đối với hành vi Điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc).
Trao đổi với Zing, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng hành vi Sử dụng biển số giả là hành vi có biểu hiện gian dối.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: H.Q. |
Thực tế đã chứng minh nhiều tài xế dùng biển số giả đi trên đường thường không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật giao thông vì tâm lý cho rằng cơ quan chức năng không thể truy tìm ra họ.
Đồng thời, việc dùng biển sổ giả có thể sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, thời gian và tiền bạc của chủ xe có biển số thật trong trường hợp xe giả vi phạm. Khi đó, người có biển số thật sẽ phải bỏ công sức, thời gian để chứng minh với các cơ quan quản lý Nhà nước rằng mình không vi phạm.
Việc dùng biển số giả có thể còn nhằm thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật khác như buôn lậu, vận chuyển ma túy, gây tai nạn bỏ trốn…
“Do đó, ở góc độ xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có thể tăng mức hình phạt cao hơn nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa, cảnh báo”, luật sư Thịnh kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh việc cơ quan chức năng cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi để có chế tài xử lý phù hợp.
“Trong khi hành vi để quá hạn bằng lái từ 3 tháng trở lên bị phạt 10-12 triệu đồng mà hành vi sử dụng biển số không do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp (biển giả) chỉ có mức phạt 4-6 triệu, rõ ràng là không thỏa đáng”, ông Chiến chia sẻ.
2 ôtô cùng biển số, cùng chủng loại và màu sắc bị công an tạm giữ để xác minh, điều tra. Ảnh: H.Q. |
Còn theo, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngoài xử phạt nặng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc người đi xe biển giả mà gây ảnh hưởng cho người đi xe biển thật thì phải bồi thường toàn bộ các chi phí có liên quan. Đồng thời, thông qua hệ thống dữ liệu vi phạm, nếu phát hiện chủ xe tái phạm thì mức phạt cần được tăng cao hơn nữa.
“Tạo thuận lợi, giảm thủ tục, đi lại cho người dân cần được tính tới”
Tại khoản 8, Điều 80 của Nghị định 100 nêu rõ: Đối với trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết từ thực tế triển khai, đặc biệt trong bối cảnh cơ quan chức năng đẩy mạnh lắp đặt hệ thống camera giám sát, cho thấy một số tình trạng phát sinh.
Lấy ví dụ ôtô di chuyển trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai vi phạm bị hệ thống camera phát hiện, đại tá Nhật cho biết nhiều tài xế lái xe đường dài từ các tỉnh xa vẫn phải quay lại Hà Nội để xác minh, lập biên bản.
Hàng trăm camera phạt nguội được lắp đặt trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: H.Q. |
Do vậy, Cục CSGT đã có đề nghị tới cơ quan soạn thảo Nghị định 100 sửa đổi một số nội dung tại Khoản 8, Điều 80.
Theo đó, cơ quan này đề xuất trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng lưu trú ở tỉnh khác; hoặc bị phát hiện vi phạm hành chính ở huyện này, nhưng lưu trú ở huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả thu thâp được đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú. Các trường hợp vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan ở địa phương để giải quyết, lập biên bản.
Người lập biên bản sau đó cần chuyển biên bản, tài liệu liên quan đến cơ quan phát hiện vi phạm để ra quyết định và thi hành quyết định xử phạt.
Từ đây người vi phạm có thể căn cứ vào biên bản hoặc quyết định xử phạt để nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tránh phải đi lại nhiều lần.
“Là cơ quan trực tiếp thi hành, chúng tôi cho rằng việc tạo thuận lợi, giảm thủ tục cho người vi phạm cũng cần được tính tới nhằm hạn chế xảy ra bức xúc, thiệt hại cho người dân”, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Nguồn: News.zing.vn