Hàng trăm tàu Trung Quốc trong nhiều năm đã đổ trái phép chất thải xuống vùng biển tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây tổn hại tới môi trường ở đây, theo chuyên gia Mỹ.
Ảnh vệ tinh trong 5 năm qua cho thấy rác thải sinh hoạt, nước cống, và nước thải đã tích tụ và sinh ra tảo tại các dải san hô của cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc neo đậu theo từng tốp đầu năm nay, AP trích lời bà Liz Derr, Giám đốc công ty Simularity Inc (Mỹ) phát triển công nghệ phân tích ảnh vệ tinh, cho biết hôm 11/7.
Chỉ riêng ngày 17/6, ít nhất 236 con tàu được phát hiện ở quần đảo Trường Sa, bà Derr nói tại một diễn đàn trực tuyến của Philippines.
“Hàng trăm con tàu neo đậu tại Trường Sa đang đổ nước thải chưa qua xử lý xuống những rạn san hô. Mỗi khi những tàu này không di chuyển, chất thải lại tích tụ”, bà Derr cho biết.
Hình ảnh một số tàu Trung Quốc neo đậu ở rạn Đá Ba Đầu của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 7/3. Ảnh: AP. |
“Đây là thảm họa quy mô khổng lồ và chúng ta sắp chạm đến mốc không còn khả năng khắc phục”, bà Derr cảnh báo.
Chuyên gia này còn cho biết các đàn cá, bao gồm loài cá ngừ di cư, thường sinh sản trong những rạn san hô đang bị gây tổn hại. Điều này có thể khiến trữ lượng đàn cá suy giảm đáng kể.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Hồi tháng 3, một cơ quan chính phủ Philippines phụ trách giám sát Biển Đông cho biết phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô đá Ba Đầu vào ngày 7/3.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cơ quan này cho rằng số thuyền nói trên là “một mối đe dọa do khả năng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như rủi ro đối với an toàn hàng hải”. Vào thời điểm bị phát hiện tại đá Ba Đầu, các tàu cá nói trên đang không đánh bắt.
Nguồn: News.zing.vn