Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói cần có biện pháp cứng rắn để răn đe hành vi vi phạm khi thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Trong công văn ban hành ngày 14/7 về việc cách ly người tiếp xúc gần (F1) tại nhà, Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 với F1, thay thế cho Hướng dẫn ban hành vào ngày 27/6.
Đề cập đến nguyên tắc cách ly tại nhà với Zing, Giáo sư Dale Fisher – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore – cho rằng cần phải có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo người tiếp xúc gần tuân thủ quy tắc phòng dịch.
“Chính quyền có thể đưa ra khung hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe những ai vi phạm”, ông Fisher nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng trong thời gian chờ vaccine, để tránh tình trạng quá tải hệ thống y tế, TP.HCM cần thực hiện các biện pháp chống dịch truyền thống nhằm kiểm soát tối đa tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.
Cần phải thích ứng với nguồn lực sẵn có
Theo giáo sư Dale Fisher, một khi chính quyền chuyển sang phương án cách ly tại nhà, nguồn lực cần đầy đủ để cung cấp cho người đủ điều kiện.
Giáo sư Dale Fisher – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: NUS. |
“Lý tưởng nhất là người tiếp xúc gần phải sống một mình hoặc tách biệt với những người cùng nhà, kể cả phòng tắm”, giáo sư Fisher nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng đối với những người sống trong khu dân cư đông đúc, sống chung với nhiều người như nhà trọ, vẫn nên được cách ly trong cơ sở do cơ quan chức năng quản lý.
Trong hướng dẫn mới ban hành ngày 14/7, Bộ Y tế quy định F1 được cách ly tại nhà nếu ở trong nhà riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập) hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà, chủ hộ phải treo biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19″.
Nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; khuyến khích lắp camera để giám sát F1. Nơi cách ly không được dùng điều hòa trung tâm, nên thường xuyên mở cửa sổ, để thông thoáng khí, theo hướng dẫn này.
Để nâng cao ý thức cá nhân khi thực hiện các quy định, ông Fisher nói truyền thông cần phải giải thích cặn kẽ tiêu chuẩn cách ly tại nhà, “giải thích cho họ lý do tại sao nghiêm túc cách ly lại quan trọng đến vậy”.
Ngoài ra, vị giáo sư cũng cho rằng giám sát chặt chẽ người cách ly tại nhà là điều quan trọng, thậm chí là đưa ra hình phạt thật nặng để răn đe.
Giáo sư Fisher cũng đề cập tới kinh nghiệm cách ly người tiếp xúc gần tại nhà của Singapore: “Khi Singapore cho phép cách ly tại nhà, chính phủ thường sao lưu địa chỉ bằng thiết bị vòng đeo tay bluetooth để đảm bảo mọi người ở tại nơi chỉ định. Nhà chức trách đến địa chỉ, kiểm tra ngẫu nhiên và có hình phạt nghiêm khắc cho người không tuân thủ quy tắc”.
Theo Straits Times, tại Singapore, Đạo luật về bệnh truyền nhiễm quy định những người vi phạm lệnh cách ly lần đầu tiên có thể bị phạt tới 10.000 USD hoặc bỏ tù tới 6 tháng, hoặc phạt cả hai. Lần vi phạm tiếp theo sẽ có mức phạt cao hơn.
F1 ở chung cư có thể cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, theo ông Fisher, xét nghiệm thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi cách ly tại nhà. “Một khi nhận kết quả dương tính, người đó có thể được đưa đến cơ sở cách ly ngay, thay vì ở lại và có khả năng lây nhiễm cho những người sống chung”, giáo sư cho hay.
Trong hướng dẫn ngày 14/7, Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu trong thời gian cách ly tại nhà, F1 được lấy mẫu xét nghiệm ba lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7, thứ 14. Tất cả người ở cùng nhà được lấy mẫu gộp xét nghiệm ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 kể từ khi F1 cách ly.
Chỉ có kiểm soát nguồn lây mới tránh được tình trạng quá tải
Nhận định về phương án bảo vệ bệnh viện khỏi tình trạng quá tải, chuyên gia Dale Fisher cho rằng chìa khóa nằm ở việc ngăn chặn chuỗi lây truyền đang hiện hữu trong cộng đồng.
“Lây truyền Covid-19 cần được kiểm soát để bảo vệ bệnh viện không bị quá tải. Không thể để bệnh nhân qua đời do đau tim chỉ vì mọi nguồn lực đều chuyển hướng sang chăm sóc bệnh nhân Covid-19”, ông Fisher chia sẻ.
Vị chuyên gia cho rằng cách tiếp cận tốt nhất Việt Nam có thể áp dụng là đẩy mọi nguồn lực hỗ trợ truy vết tiếp xúc và kiểm dịch; thực hiện xét nghiệm quy mô rộng; tiếp nhận các ca bệnh có triệu chứng nhẹ để cách ly trong cơ sở theo quy định, những người có triệu chứng nặng và nguy cơ cao sẽ được cách ly tập trung ở cơ sở có đầy đủ thiết bị y tế.
“Trên hết là phải thực hiện đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người”, vị chuyên gia Australia nói thêm.
“Tuy có thể gây ra nhiều tác động về kinh tế và xã hội, đây là biện pháp lý tưởng nhất để giảm thiểu tình trạng quá tải trong bệnh viện, trong khi chương trình tiêm chủng được triển khai trong 12 tháng tới”, ông nhấn mạnh.
TP.HCM kiểm soát chặt chẽ người ra vào trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, để tránh tình trạng quá tải, mỗi bệnh viện cần nâng cao năng lực trong việc kiểm soát lây nhiễm, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19, vị chuyên gia của NUS nói thêm.
Giáo sư Fisher cũng khẳng định chỉ khi số người tiêm chủng đầy đủ tăng cao, khi đó mới có thể tính đến chuyện nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế.
“Nếu người dân được tiêm chủng đầy đủ, Covid-19 không còn là mối nguy hiểm quá lớn, thì việc tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch trong cộng đồng có thể được thả lỏng”, ông Fisher nói.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine Covid-19 đủ 2 liều.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/7, Việt Nam đã tiêm 4.185.623 liều vaccine phòng Covid-19. Tính riêng trong ngày có thêm 21.815 người được chủng ngừa. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 294.676 người, tương đương 0,4% dân số.
Nguồn: News.zing.vn