Hai chuyên gia từ Đại học Hong Kong cho rằng quy định cách ly ít nhất 21 ngày đang được nhiều tỉnh, thành phố Trung Quốc áp dụng là không có cơ sở khoa học và có thể rút ngắn.
Là một phần trong chiến dịch “Zero Covid-19”, Trung Quốc có một trong những khoảng thời gian cách ly dài nhất thế giới, theo South China Morning Post.
Các ca mắc cộng đồng cùng các trường hợp tiếp xúc gần sẽ lập tức được đưa đi cách ly. Đồng thời, người dân trong một khu vực – có thể lên tới vài triệu người – sẽ được xét nghiệm tầm soát nhiều lượt.
14 ngày cách ly là “hơn cả đủ”
Thời gian cách ly ở Trung Quốc tùy thuộc vào từng tỉnh/thành phố. Nhưng ở nhiều nơi, thời gian này ít nhất sẽ là 21 ngày. Chẳng hạn, người từ nơi khác tới Bắc Kinh lần lượt sẽ phải cách ly 14 ngày trong khách sạn, 7 ngày tiếp theo ở nhà hoặc khách sạn, sau đó là 7 ngày “theo dõi sức khỏe”.
Tại Thâm Quyến, người Hong Kong tới đây cần trải qua 14 ngày cách ly và 7 ngày theo dõi triệu chứng. Họ cũng có thể đề nghị được dành một nửa thời gian cách ly tại nhà.
Nhân viên y tế tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Một số tỉnh khác còn có yêu cầu dài hơn. Ví dụ, người từ nơi khác tới thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, sẽ phải cách ly 28 ngày tại khách sạn và ở nhà thêm 28 ngày nữa để theo dõi sức khỏe.
Thời gian cách ly được quyết định dựa trên thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2. Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi một người nhiễm virus tới khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Chủng Covid-19 ban đầu có thời gian ủ bệnh khoảng 6 ngày, trong khi biến chủng Alpha có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 3 ngày. Biến chủng Delta dễ lây lan có thời gian ủ bệnh 4 ngày, theo một nghiên cứu về đợt dịch từ tháng 5 tới tháng 6 tại tỉnh Quảng Đông.
Theo Cơ quan Y tế Hong Kong, hầu hết người mắc Covid-19 sẽ xuất hiện triệu chứng trong vòng 14 ngày nhiễm virus, nhưng phổ biến nhất sẽ là 5 ngày.
Một số nhà dịch tễ học như Ben Cowling và Jin Dong Yan thuộc Đại học Hong Kong không đồng ý với thời gian cách ly 21 ngày vì cho rằng không có bằng chứng ủng hộ cho cách làm như vậy.
Ông Cowling nhiều lần khẳng định một lượt xét nghiệm sau 10 ngày cách ly là đã đủ, và 14 ngày cách ly là “hơn cả đủ”. Ông Jin cũng cho rằng thời gian cách ly có thể được rút ngắn đối với người đã tiêm đầy đủ.
“Tiêm chủng có thể rút ngắn khoảng thời gian virus phát tán”, ông nói. Đây là khoảng thời gian virus rời cơ thể người bệnh qua dịch tiết đường mũi và miệng. “Vì có kháng thể, người đã tiêm trên thực tế là sẽ chống lại virus”.
Một nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân ở một quầy xét nghiệm lưu động trên phố tại Bắc Kinh vào ngày 20/10. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia còn cho biết thời gian cách ly 21 ngày tập trung còn làm dấy lên lo ngại về vệ sinh, hoặc làm tăng rủi ro một người bị nhiễm virus trong lúc cách ly tại khách sạn.
Đầu tháng 10, cơ quan y tế Hong Kong đã phải siết chặt biện pháp giảm lây nhiễm tại nơi cách ly do một người đàn ông nhiều khả năng đã bị lây chủng Delta Plus từ người ở phòng bên, khi cả hai cùng mở cửa nhận đồ ăn.
Tuy hiếm gặp, một số nghiên cứu cho thấy một số ít ca mắc có thể có thời gian ủ bệnh dài hơn 14 ngày. Tháng 10, một phụ nữ cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày thứ 26 sau khi tới Hong Kong từ Mỹ.
Thời gian cách ly ở nơi khác là bao lâu?
Những nước chọn cách sống chung với Covid-19 không đặt ra thời gian cách ly hoặc chỉ quy định khoảng thời gian ngắn.
Nếu ở Anh, người chưa tiêm chủng đầy đủ chỉ phải cách ly trong 10 ngày; người đã tiêm chủng có thể không phải cách ly.
Các biện pháp cách ly cũng khác nhau tùy vào mỗi bang và thành phố ở Mỹ. Chẳng hạn, người tới bang New York và California không bị yêu cầu cách ly, nhưng chính quyền các địa phương khuyến khích người dân tự cách ly 7 ngày nếu chưa tiêm chủng đầy đủ.
Một trung tâm cách ly với 1.000 phòng được xây dựng ở tỉnh Phúc Kiến vào ngày 27/9. Ảnh: China News Service. |
Singapore cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ được nhập cảnh mà không phải cách ly nếu họ tới từ một số quốc gia như Australia, Hàn Quốc và Mỹ. Khách tới từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan (Trung Quốc) cũng có thể nhập cảnh dù chưa tiêm chủng và chỉ cần tự cách ly trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.
Một số nước khác có quy định nghiêm ngặt hơn. Người tới New Zealand chỉ được phép miễn cách ly nếu tới từ một số quốc đảo Thái Bình Dương. Những người khác nhập cảnh New Zealand với “mục đích thiết yếu” cần cách ly 7 ngày tại khách sạn và ở nhà cho tới khi có kết quả xét nghiệm vào ngày thứ 9.
Người tới đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng cần dành 14 ngày cách ly ở khách sạn hoặc cơ sở cách ly tập trung khác.
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đến nay chưa thông báo kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly. Một số nơi như thành phố Quảng Châu thậm chí còn siết chặt quy định cách ly vì đợt dịch bùng phát từ tháng 10.
Chính phủ Trung Quốc cũng chưa tuyên bố thời điểm nới lỏng kiểm soát biên giới. Nhưng chuyên gia bệnh hô hấp Chung Nam Sơn từng nói nước này có thể tái mở cửa nếu tỷ lệ tử vong được duy trì ở mức 0,1%, và tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 lây cho người khác trung bình ở mức 1-1,5 người.
Tỷ lệ tử vong toàn cầu vì Covid-19 đã rơi xuống khoảng 2% vào tháng 11, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Các nước có độ phủ tiêm chủng cao còn có tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Chẳng hạn, tỷ lệ người đã tiêm chủng ở Anh tử vong sau khi nhiễm chủng Delta là khoảng 0,14-0,18%, theo ông Jin.
Đặc biệt, một số người từ Hong Kong dự kiến có thể nhập cảnh Trung Quốc đại lục mà không cần cách ly bắt đầu từ tháng 12. Tuy nhiên, số lượng người được nhập cảnh không cách ly ban đầu sẽ bị hạn chế ở mức khoảng vài trăm người/ngày.
Nguồn: News.zing.vn