Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

0
Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Quán phở Bình ở số 7 đường Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM), nhìn bề ngoài không khác một tiệm ăn thông thường. Thế nhưng, bên trong vẻ ngoài bình dị ấy là một kho tư liệu về những năm tháng kháng chiến đầy máu lửa khi nơi đây từng là Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Khi ấy, với vị trí đắc địa, lại nằm lọt thỏm trong khu dân cư có nhiều người nước ngoài sinh sống, quán phở nghiễm nhiên trở thành “vùng an toàn”, không bị nghi ngờ.

Chính tại đây, những cán bộ, chiến sĩ Biệt động Thành F100 đã bày mưu tính kế, chuẩn bị cho một trong những chiến dịch quân sự mang tính bước ngoặt của lịch sử.

Tiệm phở trở thành “căn cứ đỏ”

Tầng trệt căn nhà số 7 hiện vẫn là nơi đặt quán phở gia truyền, do bà Nguyễn Thanh Thủy – con dâu ông Ngô Toại (tên thật là Ngô Duy Ái, người sáng lập quán) – cùng các em trong gia đình tiếp quản và duy trì hoạt động sau khi ông Toại qua đời vào năm 1994.

Nhắc lại truyền thống cách mạng của gia đình, bà Thủy kể, ba chồng bà từng là công nhân Nhà máy tơ Nam Định. Khi còn trẻ, ông đã tích cực tham gia, tổ chức nhiều phong trào đấu tranh yêu nước ở miền Bắc. Sau khi phong trào bị đàn áp, ông bị truy nã gắt gao, buộc phải di chuyển vào Nam.

Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - 1

Những bức ảnh về quán phở khi xưa được treo ngay tại tầng trệt (Ảnh: Cẩm Tiên).

Trong thời gian đầu bị cắt đứt liên lạc với tổ chức, ông Toại mở một quán phở tại Gia Định (nay là quận Bình Thạnh) và đặt tên là: Phở Hà Nội, để mưu sinh và âm thầm chờ ngày kết nối trở lại với đồng chí, đồng đội.

Nhờ có tay nghề nấu phở gia truyền, chỉ sau một thời gian ngắn, quán phở của ông nhanh chóng nổi tiếng, đông khách. Nhờ kinh tế khấm khá, ông có điều kiện mua thêm nhiều mảnh đất khác, trong đó có căn nhà số 7.

Khách ghé quán ngày một nhiều là cơ hội để đồng đội tìm cách liên lạc trở lại với ông Toại. Khi có “vị khách đặc biệt”, ông sẽ ra dấu hiệu riêng. Nhà vệ sinh phía sau quán phở trở thành nơi kiểm tra ban đầu trước khi người khách được đưa lên gác trên trao đổi thông tin, họp bàn kế hoạch.

Trong suốt những năm hoạt động, phần lợi nhuận từ việc kinh doanh quán phở được ông Toại sử dụng để mua thêm bất động sản nhằm che mắt đối phương và dành phần lớn để mua lương thực, vũ khí phục vụ cách mạng.

Ngoài ông Toại còn có bà Trần Thị My (vợ ông Toại), Ngô Thị Hiếu (con gái ông Toại), Ngô Kim Bạch (con rể ông Toại) đều tham gia hoạt động cách mạng.

Bộ chỉ huy chọn nơi này làm cơ sở vì có vị trí đặc biệt khi nằm ngay trung tâm, sát bên Sở Mỹ, thuận lợi cho việc quan sát, nắm bắt tình hình địch. Bởi thế, nơi nguy hiểm nhất lại trở thành điểm an toàn nhất.

Cơ sở hoạt động kín đáo đến mức chỉ khi thông tin bị đăng trên báo Tia Sáng ngày 9/2/1968, dư luận mới sững sờ nhận ra, bấy lâu nay ngay giữa lòng địch vẫn tồn tại một “căn cứ đỏ”.

Căn nhà nhỏ chứa hơn 100 “vị khách đặc biệt”

Bà Thủy kể, để che mắt địch, nhiều chiến sĩ được bố trí vào vai nhân viên phục vụ quán phở, đồng thời nhận nhiệm vụ tiếp nhận tài liệu, đưa đón cán bộ và làm giao liên.

Trong suốt thời gian dài, quán phở hoạt động bình thường, đón khách tấp nập mỗi ngày, nhưng bên trong là cả một mạng lưới hoạt động ngầm đầy kỷ luật, khẩn trương.

Cuối tháng 1/1968, lệnh tấn công được đưa ra. Quán phở đóng cửa với lý do “nghỉ Tết”. Thực chất, cả gia đình chủ quán cùng các chiến sĩ Biệt động chuẩn bị lương thực, y tế, nơi trú ẩn. Hơn 100 chiến sĩ tập kết về đây, sinh hoạt chật kín trong căn nhà hai tầng, tất cả phải ngủ ngồi vì không đủ chỗ.

Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - 2

Không gian tầng trên quán phở từng là Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (Ảnh: Cẩm Tiên).

Đêm Giao thừa, hai phát pháo sáng từ sân thượng chính là tín hiệu nổ ra cuộc tổng tiến công. Các mũi tấn công của Biệt động đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Cũng từ căn nhà này, các chỉ huy phân khu đã truyền lệnh đi khắp nơi.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, biệt kích Sài Gòn bao vây căn nhà. Dù đã kịp thời tiêu hủy những tài liệu quan trọng, song, trong cuộc vây ráp, 13 cán bộ của Sở chỉ huy vẫn bị bắt giữ, bao gồm toàn bộ gia đình ông Toại cùng một số đồng chí chưa kịp rút lui. Những ai không có tờ khai bị xử bắn tại chỗ, số còn lại bị áp giải về Tổng nha.

Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - 3

Những tài liệu lịch sử được lưu giữ tại tầng trên của căn nhà (Ảnh: Cẩm Tiên).

Thời điểm ấy, nhờ có điều kiện tài chính để lo lót cho cảnh sát, gia đình ông Toại thoát án tử. Riêng ông Toại bị kết án lưu đày khổ sai 20 năm, toàn bộ tài sản cũng bị chính quyền Sài Gòn tịch thu.

Theo lời bố chồng kể lại, bà Thủy cho biết, đó là giai đoạn khó khăn nhất của cả gia đình khi phải sống gần như biệt lập giữa khu dân cư toàn con cháu và gia đình chính quyền Sài Gòn, bị kỳ thị, xa lánh, thậm chí, con cái đi học cũng gặp nhiều trở ngại. Đến năm 1973, ông Toại mới được trả tự do trong một đợt trao đổi tù binh theo chính sách lúc bấy giờ.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, quán phở mở cửa trở lại. Gia đình ông Ngô Toại tiếp tục bán phở mưu sinh như một cách để gìn giữ truyền thống.

Ngày nay, nhiều hàng quán mọc lên ở khắp TPHCM, quán phở Bình vẫn giữ nét mộc mạc, khiêm nhường. Tấm biển xi-măng đỏ – vàng trước hiên nhà trở thành điểm khác biệt với dòng chữ: “Nơi đây, nhà số 7 Lý Chính Thắng (Yên Đổ cũ), từ năm 1963 đã trở thành địa điểm liên lạc và nuôi dấu cán bộ Biệt động Thành F100”.

Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - 4

Bà Thủy cùng các em tiếp quản quán phở của cha như một cách giữ gìn truyền thống gia đình (Ảnh: Cẩm Tiên).

Thứ níu chân thực khách không chỉ là mùi thơm của tô phở nghi ngút khói mà còn là bầu không khí lịch sử ở đây.

Bà Thủy chia sẻ: “So với thời hoàng kim, lượng khách giờ đã vơi đi nhiều. Nhưng gia đình tôi vẫn quyết giữ lấy quán phở như một cách thực hiện di nguyện của ba, giữ gìn nơi từng là cơ sở cách mạng, cũng là ký ức một thời”.

Phía tầng trên quán phở, khu di tích vẫn đón một lượng khách ổn định đến tham quan và tìm hiểu lịch sử, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên và khách đoàn. Đặc biệt, không ít tổ chức, đơn vị lựa chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức lễ kết nạp Đảng với mong muốn tăng thêm giá trị thiêng liêng, ý nghĩa lịch sử cho sự kiện.

Trong những ngày tháng 4, lượng khách ghé thăm đông hơn thường lệ. Mỗi lượt khách gia đình sẽ đóng 20.000 đồng để trang trải chi phí điện, nước và góp phần duy trì, bảo tồn không gian di tích.

Khu vực bếp được đặt ngay phía trước, mở hoàn toàn tầm nhìn, cho phép thực khách dễ dàng quan sát toàn bộ quá trình chế biến.

Chuyện ly kỳ quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - 5

Phần phở đặc biệt giá 85.000 đồng (Ảnh: Cẩm Tiên).

Giá mỗi tô phở từ 65.000 đến 85.000 đồng, mức giá không hề rẻ so với mặt bằng chung, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả bởi chất lượng nguyên liệu cùng bề dày lịch sử gắn liền với quán.

Lần đầu ghé đến quán và thưởng thức tô phở trong không gian hoài cổ, Ngọc Tiên (nhân viên văn phòng ở quận 3, TPHCM) đánh giá: “Tôi thấy tô phở khá đầy đặn với nhiều loại thịt như tái, nạm, gân và bò viên. Phần thịt tái vừa chín tới, giữ được độ mềm, thơm, béo nhẹ nhưng không hề dai. Nước dùng trong, vị ngọt thanh khá hài hòa”.

                

Nguồn: Dantri