Xung quanh Vạn Lý Trường thành có nhiều truyền thuyết bi tráng, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là điển tích nàng Mạnh Khương nhỏ máu tìm xác chồng.
Vạn Lý Trường Thành là công trình nổi tiếng của Trung Quốc, liên tục được xây dựng từ thời Xuân Thu (bắt đầu từ năm 770 TCN) cho đến thời nhà Minh (1368-1664), với mục đích bảo vệ quốc gia khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ…
Một trong những đoạn tường thành nổi tiếng nhất do Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây, từ thế kỷ thứ 3 TCN. Đoạn tường thành này nằm ở phía bắc, xa hơn phần Vạn Lý Trường Thành dưới thời nhà Minh và hiện còn sót lại ít di tích.
Trước kia, nhiều du khách vẫn tin rằng Vạn Lý Trường Thành có thể nhìn thấy từ không gian, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã phủ nhận điều này. Ảnh: Listverse. |
Đây là một trong những điểm thu hút du khách bậc nhất ở Trung Quốc. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ, nơi này còn được biết đến với những điển tích cảm động lòng người. Một trong số câu chuyện du khách sẽ được nghe nhiều nhất khi tới Vạn Lý Trường Thành là nàng Mạnh Khương tìm chồng.
Theo Listverse, vào đời nhà Tần có một đôi vợ chồng họ Mạnh sống ngay cạnh đôi vợ chồng họ Khương. Họ đều là những người sống vui vẻ, tốt bụng nhưng không ai trong số đó có con. Nhiều năm trôi qua, nhà Mạnh quyết định trồng một cây bầu nhưng khi đậu trái, quả lại nằm ở phần đất của nhà họ Khương.
Khi cắt đôi trái bầu, hai vợ chồng vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một bé gái xinh đẹp ở trong đó. Hai nhà liền cùng nhau nuôi dạy cô bé và đặt tên là Mạnh Khương Nữ.
Tượng nàng Mạnh Khương ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: China. |
Mạnh Khương Nữ lớn lên và lấy chồng họ Phạm. Hai người kết hôn chưa lâu thì chồng nàng bị bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Mạnh Khương ở nhà chăm cha mẹ chồng già yếu, coi sóc việc nhà và ngày đêm ngóng chồng trở về.
Tuy nhiên, do chồng đi bao năm vẫn biền biệt nên Mạnh Khương bèn đi tìm không quản đêm ngày. Khi đến nơi, nàng dò hỏi mọi người mới hay tin chồng đã chết từ lâu, thây vùi dưới chân Vạn Lý. Đau buồn trước cái chết của chồng, nàng đã khóc 3 ngày đêm và nước mắt làm sụp đổ một đoạn tường thành, làm lộ ra những đống xương trắng. Mạnh Khương liền cắn tay cho bật máu, rồi nhỏ vào những đám xương khô. Khi máu nhỏ vào, đám xương khô bỗng sáng bừng lên. Mạnh Khương liền ôm lấy hài cốt của chồng, an táng chu đáo rồi gieo mình xuống biển Bột Hải tự vẫn.
Ngày nay, câu chuyện về nàng Mạnh Khương phần lớn người dân Trung Quốc đều biết và có nhiều dị bản khác nhau.
Sau khi nàng Mạnh Khương mất, thái tử Phù Tô hạ lệnh mai táng nàng chu đáo và truy tặng phẩm hàng Tả tướng quân cho chồng nàng, truy phong tước hiệu Trinh Phu Nhân cho Mạnh Khương. Thấy sự việc lạ lùng, người dân nơi đây đã lập một miếu đá gọi là Khương Nữ Tử. Hiện nay tại Sơn Hải quan, tỉnh Hà Bắc vẫn còn đền thờ nàng.
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý Di tích Văn hóa Nhà nước Trung Quốc vào năm 2012, Vạn Lý Trường thành dài hơn 21.000 km.
Đường đến Vạn Lý Trường Thành: Gần Bắc Kinh có 3 địa điểm để tới thăm Vạn Lý Trường Thành là Bát Đạt Lĩnh (Badaling), Mộ Điền Cốc (Mutianyua) và Tư Mã Đài (Simatai). Ðoạn Vạn Lý Trường Thành Bát Ðạt Lĩnh nằm về hướng tây bắc trên dãy núi Thái Hà, cách Bắc Kinh 60 km, được xây từ năm 1505 thời vua Chính Đức nhà Minh. Từ Hà Nội và TP HCM đều có đường bay thẳng tới Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Giá vé tùy từng thời điểm, từ 260 USD trở lên. Ngoài ra, du khách Việt Nam cũng có thể sang Trung Quốc qua đường bộ tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… |
Anh Minh (theo Listverse)
Nguồn: Vnexpress.net