Chuyển từ nhà trọ sang ở khách sạn phố cổ trong dịch

0
34

Vắng du khách, nhiều khách sạn ở Hà Nội đã chuyển hướng cho thuê theo tháng. Khách hàng chủ yếu là người đi khám bệnh hoặc nhân viên văn phòng chuyển địa điểm công tác trong dịch.

Gần 2 tháng qua, Lê Trọng Nghĩa (sinh năm 1997) chuyển đến ở tại một khách sạn trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Anh thuê phòng với giá 5 triệu đồng/tháng, chi trả thêm khoảng 500.000 đồng cho phí dịch vụ và điện, nước, mạng Internet.

Chia sẻ với Zing, Nghĩa cho biết mình là nhân viên ngân hàng làm việc tại hội sở quận Đống Đa. Từ khi dịch bệnh bùng phát, anh được thuyên chuyển đến chi nhánh quận Hoàn Kiếm nhằm đảm bảo giãn cách.

Nhà Nghĩa ở quận Hà Đông, di chuyển lên khu vực phố cổ khá xa và bất tiện. Vì vậy, anh quyết định thuê luôn khách sạn để ở nhằm tiết kiệm thời gian đi lại.

“Đi quãng đường xa từ nhà đến nơi làm việc, tôi phải qua nhiều chốt kiểm dịch, chờ đợi khá lâu. Hơn nữa, chi nhánh ngân hàng và khách sạn đều chung vùng xanh, tôi đỡ lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh”, Nghĩa nói.

thue khach san theo thang anh 1

Một phòng trong khách sạn trên phố Hàng Bạc được quảng cáo trên mạng xã hội.

Chỉ ở thời vụ

Theo Nghĩa, việc ở khách sạn chỉ là tình thế bắt buộc trong giai đoạn giãn cách xã hội. Với mức lương nhân viên ngân hàng, đối với anh, giá thuê phòng khách sạn khá đắt đỏ. Không những thế, việc ăn uống tại đây cũng không thể thoải mái như ở nhà hoặc khu trọ bình thường.

“Những ngày Hà Nội chưa cho hoạt động lại hàng quán cũng như dịch vụ ship đồ ăn, tôi và những khách thuê khác đều đặt suất ăn từ khách sạn. Còn quần áo, tôi cũng gửi lễ tân giặt là hộ với giá 20.000 đồng/kg”, Nghĩa kể lại.

Anh cho hay, qua gặp gỡ ở nhà ăn khách sạn, anh được biết tại đây có nhiều người thuê khác cũng là dân ngân hàng, công sở như mình. Hầu hết đều thuê phòng để thuận tiện cho việc đi làm trong dịch, chỉ dự định ở ngắn hạn cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định.

“Giá thuê thế này không nhiều người gánh được. Ai trong chúng tôi cũng chỉ ở thời vụ mà thôi”, anh nói.

Cũng như Nghĩa, chị Mai Thị Đào (sinh năm 1972) đã cùng chồng thuê khách sạn ở phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm) để ở trong hơn 2 tháng qua. Từ Hà Tĩnh, chị Đào đưa chồng ra Hà Nội điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Chị cho biết căn phòng mình thuê có giá 5 triệu đồng/tháng đã tính cả chi phí điện, nước. Hàng ngày, vợ chồng chị đặt suất ăn từ nhà bếp khách sạn, mỗi suất dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng tùy món.

“Thông thường, mỗi tháng, tôi đưa chồng đến bệnh viện xạ trị trong 10 ngày rồi lại về quê. Giờ đây dịch bệnh bùng phát, xe cộ không đi lại được, chúng tôi đành thuê khách sạn ở tạm, chấp nhận chi phí đắt đỏ.

Ở khách sạn không bất tiện gì, chỉ có điều việc ăn uống không được như ý. Chồng tôi bị bệnh, miệng nhạt, đôi khi anh thấy đồ ăn không ngon”, chị Đào chia sẻ.

Khách sạn giảm giá ‘rẻ hơn nhà trọ’

Tìm kiếm trong một số hội, nhóm về nhà trọ, homestay trên mạng xã hội, có thể thấy khá nhiều khách sạn tại khu vực phố cổ, gần bờ hồ Hoàn Kiếm đăng tin tìm khách thuê theo tháng hoặc dài hạn.

Nhiều nơi tự quảng cáo có chất lượng 3-4 sao, phòng đầy đủ tiện nghi như bàn, ghế, điều hoà, bình nóng lạnh… Về giá thuê, một số khách sạn công khai mức giá từ 2,5 triệu đến 10 triệu đồng tùy vào diện tích, view ra hồ hoặc hướng cửa sổ.

Thậm chí, có khách sạn còn cung cấp thêm dịch vụ đưa đón khách thuê tại điểm xuất phát hoặc giảm ngay 10% cho tháng lưu trú thứ 3.

thue khach san theo thang anh 4

Một căn phòng trong khách sạn của chị Hạnh, giờ đã chuyển sang hình thức căn hộ dịch vụ.

Chị Phạm Thị Anh, người kinh doanh 2 khách sạn trên phố Hàng Bạc và Lò Sũ, cho biết mình đã phải chuyển sang hình thức cho thuê theo tháng từ tháng 2 (sau Tết âm lịch).

Lý do là bởi ngành du lịch đã “đóng băng” quá lâu, chị không thể gồng gánh chi phí thuê địa điểm. Ngoài ra, chị cũng lo ngại phòng ốc để lâu không người ở sẽ bị hư hỏng và ẩm thấp.

“Trước đây, khách sạn chúng tôi chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài hoặc trong nước thuê theo ngày. Giờ tìm khách thuê theo tháng, thú thật, chúng tôi đã giảm giá rất thấp, còn rẻ hơn cả nhà trọ. Khách thuê hiện giờ chủ yếu là nhân viên văn phòng hoặc người đi khám bệnh, độ phủ số lượng phòng khoảng 50%”, chị Anh nói.

Chị cũng chia sẻ khách sạn mình có khu vực bếp ăn, khách thuê có thể đến tự nấu nướng. Tuy nhiên, hầu hết đều đặt suất ăn theo menu của khách sạn do việc mua sắm thực phẩm trong dịch khó khăn.

Tương tự, do Covid-19, chị Dương Hồng Hạnh cũng phải chuyển khách sạn tại phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm) của gia đình mình sang hình thức căn hộ dịch vụ, cho thuê theo tháng và dài hạn với mức giá 3 triệu – 4 triệu đồng/phòng/tháng.

Theo chị Hạnh, hiện một nửa số phòng trong khách sạn đã được cho thuê, khách đa phần là người đi khám bệnh, dân văn phòng và có cả hộ gia đình nhỏ.

“Tôi mới chuyển sang cho thuê dài hạn khoảng 3 tháng nay. Khách của tôi không ai biết sẽ ở lại trong bao lâu, họ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Tôi thấy rằng quản lý khách thuê dài hạn dễ hơn nhiều so với khách lẻ theo ngày”, chị Hạnh cho hay.

Chị Hạnh cũng nói chưa có kế hoạch quay trở lại hình thức cho thuê theo ngày như trước đây.

“Tôi không biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt. Chúng tôi chỉ biết tình hình tới đâu, tính tới đó”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn