Cittàslow – những ‘thị trấn chậm’

0
187

Tại Italy, 40 thị trấn đã gia nhập phong trào Cittàslow. Đặc điểm của những thị trấn này là phát triển theo hướng thân thiện với môi trường và cấm bán thức ăn nhanh. Với Cittàslow, một cuộc sống mới dường như đang mở ra, hoàn toàn trái ngược những gì thực tế hiện hữu.

Đường phố tại

Đường phố tại Orvieto.

“Sống trong “thị trấn chậm” là một cách hiện hữu, một lối sống, một cuộc sống thường nhật khác. Đó là một cuộc sống có nhịp chậm, ít sôi động nhưng nhân ái hơn, thân thiện với môi trường hơn, các thế hệ hiện tại và tương lai đoàn kết hơn, những truyền thống địa phương được tôn trọng hơn trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và liên kết”.

Đó là đoạn mở đầu bản tuyên ngôn của phong trào Cittàslow. Phong trào này nhắm đến một hệ thống các thành phố quốc tế, nơi có cuộc sống thoải mái. Ngoài 40 thị trấn tại Italy, đã có thêm hai thị trấn thuộc vương quốc Anh là Ludlow và Aylsham, hai thị trấn của Đức là Waldkirch và Hersbruck, hai thị trấn Na Uy là Sokndal và Levanger, một thị trấn ở Croatia tham gia phong trào.

Trong số 40 Cittàslow ở Italy, thị trấn Orvieto là nơi được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Người ta đến đây không chỉ vì có rượu vang đỏ Orvieto Classico lừng danh, dầu ô liu, nấm Truffes đen quý hiếm mà còn vì cuộc sống nơi đây rất dễ chịu.

Logo của Ovireto là hình con ốc sên mang trên lưng một thị trấn. Nó biểu tượng cho triết lý sống tại đây: Sống chậm để phát triển tốt hơn. Trong một thế giới mà hầu như tất cả các nước trên toàn cầu đều chọn tốc độ để phát triển sản xuất nhưng “không đếm xỉa gì tới con người và chất lượng cuộc sống”, theo nhận xét của thị trưởng Orvieto Stefano Mocio, những thị trấn Cittàslow dường như đang đi ngược dòng nếu không muốn nói là lạc lõng.

Ở Orvieto có đầy đủ những yếu tố của một Cittàslow điển hình: Khuyến khích những công nghệ xanh trong lĩnh vực năng lượng, gia tăng những khu phố đi bộ, ưu tiên phát triển phương tiện đi lại công cộng, quản lý nghiêm ngặt xe hơi, đoàn kết giữa các thế hệ, trân trọng truyền thống ẩm thực địa phương, cấm nuôi trồng động thực vật biến đổi gien, phát triển những dự án đô thị xanh, mở những khu công nghiệp ít ô nhiễm nhất…

Thị trưởng Stefano Mocio giải thích: “Chúng tôi không có tham vọng làm thay đổi thế giới hay áp đặt cách nhìn của chúng tôi về phát triển đô thị trên toàn Italy. Chúng tôi cũng không gò ép cư dân ở đây sống theo lối sống này, bởi trước khi có phong trào Cittàslow, Orvieto vốn dĩ đã sống như thế. Tất cả những gì chúng tôi đang làm là tối ưu hóa chất lượng cuộc sống nơi đây”.

Trên thực tế, cuộc sống ở Orvieto không phải lúc nào cũng nhàn tản, chậm rãi. Người ta vẫn phải thức dậy lúc 6 giờ sáng để bắt đầu công việc của một ngày. 7 giờ tối các bà nội trợ vẫn phải chạy vắt giò lên cổ đến các quầy bán thịt tươi trong khu phố trước giờ đóng cửa.

Stefano Mocio thừa nhận: “Muốn tạo ra của cải, phải sản xuất và xuất khẩu. Chúng tôi không thể thoát khỏi quy luật này. Vấn đề là một mặt tuân thủ quy luật đó, mặt khác chúng tôi chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Cittàslow không phải là phong trào của những người chây lười và cũng không phải là một phong trào thụ động. Vấn đề là thay vì thụ động chạy theo toàn cầu hóa, chúng tôi thay thế những mặt tiêu cực của nó bằng những mặt tích cực của cách xử thế ngày xưa”.

Xuất phát từ phong trào “thức ăn chậm” để chống lại văn hóa “thức ăn nhanh”, phong trào Cittàslow phát triển một cách âm thầm. Sáng kiến này ra đời năm 2002 với bước đi tiên phong của 4 thị trấn Orvieto, Bra (vùng Piedmont), Greve in Chianti (vùng Toscane) và Positano (vùng Campanie).

(Theo Người Lao Động)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn