Cổ Chất – Làng tơ nổi tiếng đất Nam Định

0
150

“Nam Định có bến đò Chè – Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”. Câu ca đưa ta về với làng nghề Cổ Chất, nằm ven dòng sông Ninh (xã Phương Định, Trực Ninh, Nam Định) nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

 

Làng Cổ Chất nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20 km theo hướng quốc lộ 21. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời ở Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa.


Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa, trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay.


Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh.


Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945.


Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.


Một chiều thu đến với ngôi làng Cổ Chất, ấn tượng đầu tiên là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.


Ở làng ươm cả tơ trắng và vàng, kén tằm được thu mua từ các vùng lân cận và xa hơn là Thanh Hóa, Thái Bình… Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày được đem đi kéo sợi. Tơ thành phẩm được các thương lái về tận làng mua xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Nội) và sang các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan.


Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.


Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.


Dạo quanh ngôi làng thơ mộng bên dòng sông Ninh hiền hòa, vỏng vọng trong tiếng gió là những âm thanh lạch cạnh phát ra từ những xưởng kéo tơ thủ công, tiếng máy dệt trong những ngôi nhà nhỏ. Hình ảnh cả ngôi làng gần như được nhuộm bởi một màu váng óng của những mẻ tơ đang “tắm” nắng cho khô mình khiến làng Cổ Chất thật nên thơ, yên ả…

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn