Với tỷ lệ phủ quyết hơn 68%, cổ đông TEDI đang chống lại quy định đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) vừa có giải trình về việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng liên quan đến việc đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trường hợp công ty muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM thì hồ sơ đăng ký phải bao gồm Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông/Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc đăng ký giao dịch cổ phiếu.
HĐQT TEDI cho biết đã trình cổ đông xem xét, biểu quyết thông qua nội dung đăng ký lưu ký và giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 202, tổ chức trong ngày 29/6.
Đại hội đã thực hiện việc bỏ phiếu biểu quyết và lập biên bản kiểm phiếu tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Kết quả biểu quyết cho thấy đa phần các cổ đông không đồng ý nội dung trên với tỷ lệ phản đối là 68,3%. Tỷ lệ bỏ phiếu đồng ý chỉ đạt 31,48% và không có ý kiến là 0,22%.
Như vậy nội dung đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã không được thông qua. HĐQT cho biết đây là ý chí của đại đa số cổ đông TEDI, trong đó bao gồm gần như tuyệt đối là người lao động tổng công ty.
Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần”. HĐQT giải trình do cổ đông không thông qua nên không thể tự quyết định được việc đăng ký lưu ký và giao dịch trên UPCoM như quy định.
TEDI là một thành viên trong liên danh tư vấn JFV đã thực hiện bước nghiên cứu kỹ thuật của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV |
Tổng công ty TEDI thực hiện cổ phần hóa từ năm 2014 và thoái hết vốn Nhà nước vào năm 2016. Ngày 20/12/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 8396/UBCK-GSĐC chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đồng thời yêu cầu TEDI đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Trước đó tổng công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính số tiền 30 triệu đồng, do có hành vi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định (TEDI chậm nộp hồ sơ đăng ký chậm gần 18 tháng so với quy định).
Đến tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính đối với TEDI vì các lỗi báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung hàng loạt Nghị quyết HĐQT và các giao dịch với bên liên quan với số tiền 100 triệu đồng. Đồng thời cơ quan này cũng xử phạt 350 triệu đồng do TEDI không đăng ký giao dịch và niêm yết chứng khoán theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Cuộc họp cổ đông thường niên cũng ghi nhận báo cáo trái chiều từ Ban kiểm soát. Trưởng Ban kiểm soát Phạm Thị Hồng Nhung không đồng thuận với báo cáo kiểm toán của công ty kiểm toán AASC, chỉ ra các vấn đề về thời điểm ghi nhận doanh thu chậm hơn thời điểm ký nghiệm thu, chi phí thực hiện dự án trong kỳ chưa tương ứng với doanh thu, chứng từ hoàn ứng chi phí của các trung tâm không đủ điều kiện, chi phí hội họp lớn 18 tỷ đồng, có tình hình hoán đổi chi phí giữa các dự án thể hiện sự thiếu minh bạch trong số liệu công bố…
Năm 2020, TEDI ghi nhận tổng doanh thu giảm nhẹ về mức 867 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên hơn 44 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 2.447 đồng. Cổ đông thông qua quyết định chi hơn 19 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 15,5% cho năm vừa qua.
Sang năm 2021, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ lên 890 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên gần 53 tỷ đồng. Chính sách cổ tức dự kiến là 20% trên vốn điều lệ.
Nguồn: News.zing.vn