Thừa nhận đôi lúc “bị hiện thực đánh cho vài cú tát” khi quyết định rời TP.HCM nhộn nhịp, Thùy Uyên vẫn thấy những gì bản thân đánh đổi là xứng đáng.
“Mình quyết định rồi, mình sẽ lên Đà Lạt”, giữa năm 2020, Nguyễn Thị Thùy Uyên (sinh năm 1992) nói với bạn bè, đồng nghiệp, người thân.
Thời điểm đó, Uyên đang là nhân viên một tập đoàn về công nghệ thông tin của Singapore, lương khá, ít nhất là đủ cho cô có một cuộc sống thoải mái ở TP.HCM. Vì vậy, không khó hiểu khi phần lớn phản ứng cô nhận lại là sự bất ngờ, thậm chí sốc.
Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1992 hiểu đây không phải là một quyết định bốc đồng và biết bản thân muốn gì, cần gì.
Về Đà Lạt
“Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, trong một lần về quê trốn dịch, tự nhiên mình thấy cuộc sống ở TP.HCM phụ thuộc vào nhiều thứ quá, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, không biết người đi thuê trọ như mình sẽ xoay xở như thế nào”, Thùy Uyên kể với Zing.
Cộng thêm vấn đề sức khỏe và luôn ấp ủ về một cuộc sống an yên bên vườn tược, cô nhân viên văn phòng bắt đầu suy tính đến chuyện thay đổi môi trường sống.
Khi nghĩ về những điểm đến thơ mộng, yên bình, trong đầu Uyên hiện ra ngay cái tên Đà Lạt. Thường xuyên đến mảnh đất này du lịch, khoảng 5-6 lần/năm, từ lâu, cô đã “mê” cái không khí nhẹ nhàng, hình ảnh những căn nhà gỗ ấm áp ở đây.
Uyên quyết định bỏ cuộc sống với thu nhập ổn định ở TP.HCM để lên Đà Lạt. |
Cứ như vậy, tháng 6/2020 ra quyết định, tháng 7 Uyên đã xin nghỉ việc, cầm theo chút tiền tiết kiệm được lên “vùng đất hứa”.
“Lúc nghe tin, Hải Nam, bạn trai mình, ủng hộ còn gia đình không hẳn phản đối gay gắt mà chỉ sợ mình sẽ phải chịu khổ, không quen được cuộc sống trên này. Đồng nghiệp thì có người tiếc, có người cổ vũ bởi chính một người chị mình quen cũng từng có ước mơ giống vậy nhưng không dám bỏ ngang công việc, giờ thì vướng bận con cái, gia đình. Vì vậy, quyết định của mình giống như thay chị ấy thực hiện điều ấp ủ”.
Khó khăn
Ban đầu, Uyên định tìm thuê nhà gỗ để sinh sống song không ưng ý căn nào nên quyết định thuê đất, tự xây dựng. Tuy nhiên, vì không hề có kinh nghiệm, cô phải bỏ dở hai dự án trong vòng nửa năm. Sang đến địa điểm thứ 3, may mắn gặp được người chủ đất tốt, có kinh nghiệm, Uyên được hỗ trợ rất nhiều và bắt đầu tìm ra hướng đi đúng.
“Sau khi bị hiện thực đánh cho vài ‘cú tát’, mình bớt mơ mộng, thực tế hơn và xốc lại tinh thần để nhanh chóng hoàn thành kế hoạch. Mình tìm đến tất cả chủ những căn nhà gỗ mà mình biết ở Đà Lạt để hỏi han kinh nghiệm, có người từ chối chia sẻ, cũng có người nhiệt tình chỉ dẫn nên sau cùng, mình đã thuê được một anh thợ khá đa năng, lành nghề”.
Về thiết kế căn nhà mơ ước, Uyên và bạn trai dựa vào nhu cầu cá nhân, tưởng tượng ra công năng mình muốn, tham khảo thêm trên mạng, những nơi từng đi và tư vấn của người thợ để vẽ ra rồi “làm tới đâu, chỉnh tới đó”.
Căn nhà gỗ trong mơ dần thành hình với sự nỗ lực của đôi trẻ. |
Dù vậy, khi bước vào thi công, cô gái sinh năm 1992 vẫn thấy “ngợp” trước khối lượng công việc cần xử lý. Để tiết kiệm chi phí, lấy kinh nghiệm và kiểm soát được việc thay đổi thiết kế, việc nào có thể tự làm, cô đều không thuê ngoài.
“Mình từng tự bào gần 20 khối gỗ bằng máy cầm tay, miệt mài từ ngày này qua ngày khác, đến nỗi nhiều hàng xóm biết mình với biệt danh ‘cô gái hay đứng bào gỗ ở đường Đống Đa’ cho đến đào đất, trộn xi măng… Bạn trai mình là dân lập trình, trước chỉ biết dùng chuột máy tính giờ cũng học cầm máy bào, máy cắt”.
Đặc biệt, Uyên từng một mình ngủ lại canh công trình, xung quanh phần lớn là cây cối, suốt 3 tháng vì Nam vẫn bận việc ở TP.HCM, chỉ có thể lên Đà Lạt vào cuối tuần. Có những lúc đau, mệt, vừa sợ vì ở một mình, cô bật khóc, nghĩ lại những tháng ngày ổn định ở thành phố.
“Nhiều lúc nản lắm, cũng muốn từ bỏ nhưng nghĩ chẳng lẽ bỏ công việc, thời gian, tiền bạc, mồ hôi công sức lên đây rồi lại nhận về những thứ dang dở như vậy, hai đứa lại động viên nhau, nghĩ về ngôi nhà mơ ước đang dần thành hình”.
Trái ngọt
Từ tháng 6, khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, Uyên chính thức lên hẳn Đà Lạt sinh sống, nhận thêm một công việc online. Hải Nam cũng chuyển sang 100% làm việc tại nhà do dịch nên hai người có thể ở gần nhau.
Đến đầu tháng 11, ngôi nhà gỗ của đôi trẻ đi vào hoàn thiện, chỉ còn cần sửa sang một số chi tiết nhỏ. Ngoài không gian sống, hai người phân thêm các phòng, dự định mở homestay, chia sẻ không gian yên bình với những người có chung sở thích.
Cuộc sống của Uyên thay đổi theo chiều hướng tích cực kể từ khi lên Đà Lạt dựng nhà. |
“Từ ngày về Đà Lạt, mình nhận ra những thứ mình đánh đổi là hoàn toàn xứng đáng. Hồi trước, mình suốt ngày đâm đầu vào công việc, về nhà hay gắt gỏng, cạn kiệt năng lượng. Giờ thì khác nhiều, mình cũng học được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng mới trong cuộc sống”.
Thời gian này, nhịp sinh hoạt điều độ, sức khỏe của Uyên cũng tốt hơn nhiều. Thay vì thức đến 0h, 1h sáng như trước, cô thường ngủ vào 21h rồi 5h30-6h dậy, chẳng cần báo thức mà nhờ ánh sáng, âm thanh tự nhiên tràn vào phòng.
Ngoài ra, cô gái sinh năm 1992 cũng bắt đầu học trồng cây, nhổ cỏ, uống trà, những chuyện trước đây cô chưa từng làm, cũng không nghĩ sẽ có ngày dành thời gian cho chúng.
“Hiện, mình rất hài lòng với cuộc sống ở đây. Mình dự định cứ sống, cứ trải nghiệm một thời gian nữa, nếu thực sự thấy phù hợp, mình nhất định sẽ gắn bó lâu dài với Đà Lạt”.
Nguồn: News.zing.vn