
Sau khi thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ và trình diễn máy bay không người lái ở bến Bạch Đằng (TPHCM), Maysaa (SN 2001, người Lào, tên thật là Bouavone Phanthabouasy) nán lại khu vực đường Lê Duẩn để “giữ chỗ” chờ xem buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành diễn ra sáng 27/4.
Tuy khách sạn Maysaa nằm không xa đường Lê Duẩn nhưng sợ “khó chen chân khi lượng người đổ về đông vào buổi sáng”, cô quyết định thức trắng đêm.
Maysaa thức trắng đêm chờ xem tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27/4 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đến xem tổng duyệt, nhiều người hâm mộ nhận ra Maysaa vì cô thường chia sẻ hình ảnh về văn hóa, ẩm thực, cuộc sống ở Việt Nam và có kênh TikTok với hơn 1,2 triệu người theo dõi.
“Sau khi xem xong buổi tổng duyệt, tôi hơi mệt vì cả đêm qua không ngủ. Tuy nhiên, sự chờ đợi rất xứng đáng. Mọi người đều được chứng kiến sự nghiêm túc, hoành tráng mang đến niềm hạnh phúc khó tả”, Maysaa cho biết.
Tiết kiệm tiền chi tiêu để mua vé máy bay
Từng có vài lần đến TPHCM tham quan, với Maysaa, chuyến đi lần này đặc biệt hơn cả. Cô được theo dõi quá trình tập luyện của nhiều lực lượng và hòa vào không khí hân hoan của người dân Việt Nam trong những ngày tháng 4 lịch sử.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Maysaa cho biết cô bay chặng Hà Nội – TPHCM vào tối 24/4. Cách đây vài tháng, nữ sinh đã lên kế hoạch đi xem diễu binh, diễu hành ngày 30/4.
“Tôi tiết kiệm tiền để mua vé máy bay từ khoản chi tiêu hàng tháng. Tôi hiểu đây là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam nên nhất định không thể bỏ lỡ”, cô gái Lào chia sẻ.
Maysaa ấn tượng về sự phát triển, hiện đại của TPHCM (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mặc bộ váy truyền thống, Maysaa cầm trên tay lá cờ Việt Nam và Lào chen chân giữa biển người theo dõi từng bước đi của các khối diễu binh. Sự hào phóng, mến khách, hòa đồng của người dân TPHCM làm ấm lòng cô gái đến từ nước bạn.
Theo Maysaa, điều đọng lại trong tâm trí cô những ngày qua là tinh thần yêu nước và đoàn kết của người dân Việt Nam. Đường phố rất đông, thời tiết nắng nóng nhưng mọi người đều nhường nhịn, không chen lấn hay xô đẩy, trao cho nhau từng chai nước, cái quạt rất chu đáo…
“Tôi xúc động khi nghe câu chuyện một bác cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi đi xe máy từ Nghệ An vào TPHCM để xem diễu binh. Mọi người đã cùng nhau tạo nên bầu không khí tuyệt vời, rất đáng ngưỡng mộ”, cô gái đến từ Lào tâm sự.
Dù không thể theo dõi hết toàn bộ các buổi sơ duyệt, cô gái trẻ dành lời khen về tác phong nghiêm túc và sự chỉn chu của từng cá nhân trong hàng ngũ các khối diễu binh, diễu hành.
Trong suốt buổi tổng duyệt, mỗi lần các lực lượng đi qua, Maysaa và người dân gửi tặng họ những tràng vỗ tay không ngớt. Cô gái trẻ cùng bạn bè bày tỏ sự ấn tượng trước vóc dáng cao ráo, thân hình cân đối, bước chân mạnh mẽ của dàn trai xinh, gái đẹp “cực phẩm” tham gia diễu binh.
Trong dịp kỷ niệm trọng đại này, khối quân đội Lào cùng với lực lượng quân đội Trung Quốc và Campuchia cũng tham gia diễu binh khiến Maysaa thêm phần xúc động.
Khối diễu binh của quân đội Lào sang Việt Nam từ hôm 19/4, tập luyện tại thành phố mới Bình Dương – cách TPHCM khoảng 30km, sau đó tham gia sơ duyệt hôm 25/4 và tổng duyệt sáng 27/4.
“Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà còn là hai nước anh em, đồng chí. Tôi xúc động khi nhìn thấy khối lực lượng quân đội Lào đi qua khán đài”, Maysaa trải lòng.
Nói về dự định trong những ngày tới, Maysaa cho biết, cô sẽ ở lại TPHCM đến khi kết thúc lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
Ngoài xem diễu binh, diễu hành, nữ sinh còn tham quan một số phong cảnh, di tích và địa điểm nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực.
Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Lào
Trước khi sang Việt Nam học tập, Maysaa đã được các thành viên trong gia đình nói về tình hữu nghị Việt Nam – Lào.
Ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường tại Lào, cô nữ sinh cùng bạn bè đã được học về ngày 30/4 của Việt Nam. Những bài học về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã để lại trong Maysaa sự khâm phục.
Maysaa cho biết cô sẽ luôn vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – Lào (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp THPT, Maysaa chọn sang Việt Nam học đại học vì nhận thấy đất nước này có những bước phát triển nhanh. Nữ sinh hy vọng sẽ học được nhiều kiến thức và trau dồi bản thân để trở về xây dựng đất nước Lào ngày càng giàu mạnh.
Maysaa chụp ảnh cùng một số chiến sĩ trong khối diễu binh của quân đội Lào (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
23 tuổi, Maysaa tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Sau thời gian ngắn trở về Lào, cô tiếp tục quay lại Việt Nam học cao học. Hiện, Maysaa theo học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
“Tôi chưa biết tương lai mình sẽ tiếp tục sống tại Việt Nam hay quay về Lào. Tuy nhiên, dù sống ở đâu đi chăng nữa, tôi chắc chắn sẽ nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Lào và sự phát triển của hai đất nước anh em”, cô tâm sự.
Sau buổi tổng duyệt, Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ được tổ chức vào sáng 30/4 tại TPHCM. Lễ đài chính của sự kiện đặt tại đường Lê Duẩn, gần Hội trường Thống nhất.
Buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự tham gia của 23 khối quân đội và dân quân tự vệ; 13 khối lực lượng công an; 12 khối diễu hành quần chúng; 4 khối nghi trượng và 3 khối quân đội các nước.
Ngoài các khối diễu binh, diễu hành, buổi tổng duyệt còn có sự tham gia và phối hợp của đội hình trực thăng, tiêm kích và pháo lễ. Các biên đội trực thăng, tiêm kích xuất phát từ sân bay Biên Hòa, di chuyển tới TPHCM.
Nguồn: Dantri