Cô gái ở TP.HCM chờ 4 tháng mới được thay kính cận

0
58

Nhiều hiệu kính giới hạn lượng khách đến cửa hàng trong khi số khác yêu cầu người mua khai báo y tế, xác nhận đã tiêm vaccine.

Chiều 1/10, Nguyễn Thị Thúy Vân (18 tuổi) cùng bạn ghé vào một hiệu kính trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh).

Sau 4 tháng ở nhà giãn cách, mắt kính của Vân đã bị gãy một bên đệm mũi, còn bạn cô bị tăng độ cận khiến kính không còn rõ.

“Kính mình đã bị hư hơn một tháng nay. Dù khá bất tiện, mình vẫn phải dùng tạm vì việc học tập, thường xuyên dùng máy tính không thể thiếu cặp kính này”, Ngân nói.

Sau khi chọn được gọng kính và tròng mới, Vân được hướng dẫn đo lại độ cận. Toàn bộ quá trình không mất quá nhiều thời gian vì cửa hàng vốn đã giới hạn số lượng khách.

Chia sẻ với Zing, quản lý của cửa hàng kính này cho biết trong ngày đầu tiên mở lại lượng khách hàng khá đông. Các vấn đề khách thường gặp phải gồm bị tăng độ cận, gãy gọng, sút tròng.

Nguoi tre o TP.HCM do xo mua kinh moi hau gian cach anh 1

Thúy Vân chọn gọng kính mới.

Dù nhu cầu khá lớn, cửa hàng này ra quy định giới hạn khách vào tiệm để đảm bảo khoảng cách an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

“Nhân viên khoảng 1-2 người/ca. Tất cả đều đã tiêm 2 mũi vaccine mới được đi làm. Còn khách hàng, bên mình chỉ nhận dưới 10 khách cùng lúc, phải sát khuẩn tay trước khi vào tiệm”, quản lý này cho biết.

Trong ngày mở bán trở lại, không ít hiệu kính đưa ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá 25%, mua 2 tính tiền 1, giảm giá tròng kính… nhằm thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, trái ngược với cảnh đông đúc ở một số nơi, nhiều hiệu kính chưa mở cửa trở lại, trong khi số khác khá đìu hiu, vắng khách.

Đổ xô mua kính

Thấy thông báo cửa hàng kính gần nhà mở cửa trở lại, Mai Lan Anh (19 tuổi, quận Tân Phú) nhanh chóng đặt lịch hẹn. Cô gái cho biết đây là tin vui nhất với cô sau 4 tháng chôn chân ở nhà.

Dạo quanh tiệm để ngắm các sản phẩm trưng bày, Lan Anh chọn được một chiếc kính ưng ý. Vì độ cận nặng, phải đặt tròng riêng, chủ cửa hàng hẹn cô chiều hôm sau đến lấy.

“Đợi thêm một ngày nữa cũng không sao, miễn là có kính mới để đeo vì mình sắp thi học kỳ rồi”, cô gái 19 tuổi hào hứng nói.

Đầu tháng 7, mắt kính của Lan Anh bị gãy gọng, khiến phần tròng mất khung cố định nên rơi ra. Do các cửa hàng quen đã đóng cửa theo chỉ thị của UBND TP.HCM, cô đành dùng tạm kính cũ với số độ bị lệch. Điều này gây bất tiện cho cô trong việc học online và làm bài tập trên lớp.

“Từ lúc gãy kính, mình nhìn cái gì cũng mờ mờ. Lúc học là phải phóng to màn hình lên mới thấy được thầy cô đang giảng. Ngoài giờ học, mình cũng hạn chế việc dùng thiết bị điện tử để tránh mắt tăng độ trong khi đợi tiệm kính mở lại”, Lan Anh chia sẻ.

Nguoi tre o TP.HCM do xo mua kinh moi hau gian cach anh 2

Hiệu kính ở đường Nguyễn Gia Trí giới hạn số lượng khách vào cửa hàng.

Trước thông tin thành phố cho phép một số dịch vụ mở cửa trở lại, Phát Thịnh (22 tuổi), chủ cửa hàng kính Leader (quận Tân Phú), đã đặt sẵn một lượng hàng khá lớn để đáp ứng nhu cầu của khách từ giờ đến cuối năm.

Nhằm giúp các quy trình hoạt động suôn sẻ, Thịnh bố trí thêm lực lượng nhân viên trực tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội nhằm tránh tình trạng ùn ứ.

Theo Thịnh, trong thời kỳ giãn cách, nhiều người không may gặp vấn đề với kính của mình nên họ sẽ đổ xô đi sửa hoặc thay mới ngay khi thành phố nới lỏng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Vì thế, các cửa hàng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và giúp việc kinh doanh suôn sẻ hơn.

Trong 4 tháng đóng cửa, tiệm của Thịnh vẫn nhận tư vấn qua fanpage và bán hàng theo hình thức trực tuyến.

“May mắn là lượng đơn trên sàn thương mại điện tử vẫn giữ ở mức ổn định. Hy vọng mình không phải đóng cửa thêm một lần nào nữa vì Covid-19”, Thịnh tâm sự.

Thận trọng mở lại

Phạm Đức Anh (sinh năm 1997), chủ thương hiệu kính mắt Kami Nachi (quận 11), phấn khởi khi thấy cửa hàng của mình nhộn nhịp trở lại sau thời gian đóng cửa 3 tháng.

7 ngày trước, Đức Anh đã chuẩn bị đơn hàng cho ngày đầu tiên mở cửa. Do một số nhân viên vẫn chưa được tiêm chủng, không thể đi làm lại, việc sửa soạn cũng trở nên vất vả hơn.

Chia sẻ với Zing, ông chủ 24 tuổi cho biết hôm nay đã đón khoảng 10 lượt khách, mỗi người mua trung bình từ 1-2 chiếc kính và thêm vài món phụ kiện đính kèm. Nhân dịp được mở bán, Đức Anh tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng, hỗ trợ cho những bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, cửa hàng chỉ nhận những khách đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K. Các trường hợp còn lại, anh đành cáo lỗi và hướng dẫn khách qua kênh tư vấn, đặt hàng online.

Nguoi tre o TP.HCM do xo mua kinh moi hau gian cach anh 3

Cửa hàng của Đức Anh vẫn đẩy mạnh bán online dù được mở cửa trở lại. Ảnh: NVCC.

Theo Đức Anh, để được hoạt động trở lại, anh phải giải quyết nhiều bài toán phức tạp như chỗ ở, xét nghiệm, tiêm phòng, tiền lương… Hiện tại anh chỉ duy trì một lượng nhân viên khá ít cho việc vận hành, sắp xếp nhà kho. Các vấn đề khác sẽ được xử lý từ từ tùy theo tình hình sắp tới.

“Trong mùa dịch, bên mình vẫn nhận đơn online, không nghỉ ngày nào. Chắc chắn là điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của cửa hàng. Các đơn hàng đã tiếp nhận đành hẹn giao sau giãn cách”, Đức Anh nói với Zing.

Lê Duy, chủ một hiệu kính ở thành phố Thủ Đức, cho hay anh sẽ xem xét tình hình thêm 2-3 ngày nữa mới quyết định thời gian mở cửa kinh doanh trở lại.

“Hôm qua và nay, nhiều khách quen cũng điện thoại, nhắn tin hỏi đã hoạt động lại hay chưa. Gần 4 tháng nay chưa làm ăn được gì, tôi cũng nóng ruột lắm. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, tôi vẫn chọn chờ đến hết tuần này rồi mới tính tiếp”.

Ngoài lo lắng về tình hình dịch chưa ổn định, chủ hiệu kính nói thêm mình cũng gặp khó khăn về nhân sự. “Một số nhân viên cũ chưa tiêm đủ vaccine, còn kiếm người mới thì phải cần thêm thời gian”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn