7,5 triệu HKD, tương đương với chiếc HCV Olympic 2020, chưa chắc đã giúp nhà vô địch Hong Kong Edgar Cheung sở hữu căn hộ 42 m2 ở thành phố.
Khoản tiền 7,5 triệu HKD (960.000 USD) nghe như một giấc mơ ngọt ngào đối với một người khao khát được sở hữu ngôi nhà riêng.
Nhưng giá trị thực sự của nó trên thị trường bất động sản đắt đỏ của Hong Kong (Trung Quốc) là bao nhiêu, SCMP đặt ra câu hỏi.
Mức giá “trên trời”
Hãy nhìn vào giải thưởng xổ số mà một nhà phát triển đầu tư lớn gần đây đưa ra để tăng tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp ở thành phố này. Đó là một căn hộ một phòng ngủ hoàn toàn mới, có diện tích khoảng 42 m2, trị giá 10,8 triệu HKD.
Mức giá nghe chừng quá đắt đỏ cho một không gian sống nhỏ hẹp như vậy, song lại khá hợp lý so với giá thị trường. Vị trí của bất động sản này năm ngay trên một ga tàu điện ngầm lớn.
Edgar Cheung (24 tuổi) đem lại HCV đầu tiên cho Hong Kong sau 25 năm. Ảnh: SCMP. |
7,5 triệu HKD là số tiền thưởng mà nhà vô địch đấu kiếm Hong Kong Edgar Cheung Ka-long nhận được sau khi đem về cho thành phố tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên trong 25 năm qua.
Trong đó, 5 triệu HKD đến từ chương trình Giải thưởng Khuyến khích Vận động viên của chính quyền. 2,5 triệu HKD còn lại là khoản quyên góp cá nhân của Lam Tai-fai, người đứng đầu Viện Thể thao Hong Kong.
Nhiều năm về trước, ông Lam từng hứa sẽ giúp bất kỳ VĐV giành huy chương Olympic trong tương lai trở thành một “gia chủ”.
Thực tế cho thấy 2,5 triệu HKD gần như vô dụng trên thị trường bất động sản Hong Kong hiện nay. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ông Lam chẳng thể lường trước được quỹ đạo của giá bất động sản Hong Kong.
Một số người cho rằng ít nhất số tiền đó có thể giúp thanh toán phần nào tiền nhà. Thế nhưng, đồng thời người mua phải có khả năng bỏ ra hàng chục nghìn HKD mỗi tháng trong hàng chục năm để trả hết khoản thế chấp.
Nhiệm vụ khó khăn của chính quyền
“Không đủ đất” từ lâu đã trở thành một điệp khúc thân quen để giải thích cho giá nhà trên trời ở thành phố này, nhưng câu hỏi vẫn là “tại sao”.
Nhu cầu cao về nhà ở chưa bao giờ thay đổi ở Hong Kong, ngay cả dưới sự tàn phá kinh tế của đại dịch Covid-19.
Wong nằm bên trong căn hộ 11 m2 mà gia đình anh thuê hàng nghìn HKD mỗi tháng. Ảnh: K. Y. Cheng. |
Danh sách lý do gây nên tình trạng đó còn kéo dài, nhưng có một vấn đề cơ bản bị bỏ qua từ lâu. Đó là thiếu một chương trình hưu trí toàn diện ở thành phố Hong Kong.
Đối với nhiều người làm công ăn lương, sở hữu một ngôi nhà mang lại cảm giác an toàn rất lớn. “Tôi không quan tâm ngay cả khi tôi mất việc lúc này” là cảm giác chung của những người hoàn tất khoản thế chấp mua nhà.
Những người về hưu tương đối eo hẹp về tiền bạc, nhưng lại không đủ nghèo để đủ điều kiện nhận trợ cấp về nhà ở hoặc các khoản thanh toán phúc lợi thường thấy rằng Quỹ Hưu trí Bắt buộc của chính quyền Hong Kong rất kém tin cậy.
Chỉ 7% diện tích đất ở Hong Kong được sử dụng làm nhà ở. Các nhà chức trách cho rằng cần có thời gian để phát triển đất phù hợp xây nhà.
Trong khi đó, Hong Kong xếp cuối bảng so với các thành phố ở nước láng giềng về không gian sống trên đầu người.
Năm 2018, thành phố Thâm Quyến có tỷ lệ 27,8 m2/người, Singapore là 25,08 m2, Thượng Hải là 24,15 m2 và Tokyo là 19,5 m2. Còn Hong Kong chỉ vỏn vẹn 14,9 m2/người.
Vấn đề nhà ở gây đau đầu ở Hong Kong trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Shutterstock. |
Xia Baolong, Giám đốc Văn phòng Quan hệ Hong Kong và Macau thuộc chính phủ Trung Quốc, đã ban hành chỉ thị vào tháng 7 nhằm loại bỏ những ngôi nhà nhỏ, không đạt tiêu chuẩn để đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Cùng với sự phức tạp về chính trị, năng lực giải quyết vấn đề nhà ở đau đầu này là một bài kiểm tra quan trọng đối với bất kỳ ai mong muốn gánh vác công việc quản lý thành phố, nhất là khi nhiệm kỳ của chính quyền hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Khi giá trị của một huy chương vàng Olympic thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá của một căn hộ nhỏ, nhà lãnh đạo tương lai của Hong Kong ắt phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn ở phía trước, theo SCMP.
Nguồn: News.zing.vn