Một căn bệnh tâm lý là biểu hiện cho sự “vỡ mộng” của biết bao du khách khi đến Paris.
Hầu hết chúng ta thường biết đến Paris với biết bao cái tên mỹ miều như “Kinh đô ánh sáng”, “Thủ đô thời trang thế giới” hay “Thành phố của tình yêu”. Chúng ta biết Paris thật mộng mơ, thật hoa lệ và lãng mạn qua các bộ phim tình cảm, những quyển tiểu thuyết tình yêu gối đầu giường và hẳn ai cũng có một vài lần tự hỏi là “không biết chỗ đấy ngoài đời trông như nào nhỉ”.
Thế nhưng, ít người biết rằng, “Paris” cũng là tên của một loại bệnh tâm lý có liên quan mật thiết đến thành phố này, và liên quan đến du lịch nói chung. Tháng 10/2011, trang The Atlantis đã nói về “tâm bệnh Paris” như “một hội chứng hạng sang dành cho những chuyến du lịch hạng sang”. Quả đúng vậy, vì những người mắc phải căn bệnh tâm lý này chỉ toàn là những người có khả năng đến Paris du lịch thôi. Cụ thể, trang này nói rằng mùa hè năm 2011 đã chứng kiến ít nhất 20 du khách Nhật Bản mắc phải hội chứng Paris khi họ “nhận ra nơi này không giống với những gì họ tưởng tượng”. Hay gần gũi hơn, nó giống như cảm giác vỡ mộng khi… mỗi lần order hàng online về và hết hồn nhận ra hàng nhận tới tay sao chả giống gì với trên mạng hết.
Ảnh: worldofwanderlust, coolchickstylefashion
Thậm chí, nhiều tạp chí y khoa thế giới ghi nhận rằng nếu hội chứng này trở nặng, các bệnh nhân còn có thể gây nên các phản ứng cơ thể như hoang tưởng nhẹ, nhìn thấy ảo giác, cảm giác lo âu, chóng mặt, đổ mồ hôi.
Theo trang SBS News, tạp chí Tâm thần học Nervure của Pháp cho rằng sự thất vọng nhiều du khách cảm thấy là do trước đó họ đã có một ấn tượng quá lãng mạn và hoàn hảo về Paris như một thành phố tình yêu, thời trang đầy những con người toả sáng. Đặc biệt, trang này còn nói rằng du khách Nhật là đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn cả, bởi vì người Nhật rất mê đắm nền văn hoá Pháp nói chung. Thủ đô Tokyo của Nhật đầy rẫy những tiệm bánh Pháp và các nhãn hiệu thời trang Pháp như Chanel và Louis Vuitton. Chính vì vậy mà hằng năm, có đến khoảng 6 triệu du khách Nhật ghé thăm Paris.
Phố hàng hiệu Ginza ở Tokyo đầy những thương hiệu thời trang Pháp (Ảnh: RecipeTin Eats)
Vậy thì, Paris trong thực tế phải khác tưởng tượng đến mức nào mới khiến những người hâm mộ của Kinh đô ánh sáng thất vọng tràn trề như thế?
Nhà báo Paul McQueen của trang Culture trip đã đưa ra một số nguyên do, trong đó anh nói rằng: “Mỗi người Paris đều từng phải trải qua những khoảnh khắc cực kì thách thức: khi mặt bị ép vào nách của ai đó trong giờ cao điểm tại các phương tiện công cộng, hay khi ngửi được mùi nước tiểu của những người đàn ông say xỉn vào sáng thứ ba. Thế còn những đại lộ đầy nghịt những xe cùng các tài xế giận dữ nhấn còi liên tục (một cách không cần thiết)? Không phải ai cũng bỏ qua được những trải nghiệm này như người bản địa. Và không may thay, nhiều du khách Nhật lại rơi vào cái bẫy của hội chứng Paris này”.
Hình ảnh tàu điện ngầm Métro chật kín người ở Paris (Ảnh: Insider)
Như vậy, có thể thấy, điều mà các du khách nghĩ về Paris và thực tại rất khác nhau. Paris trong mắt người bản địa là một thành phố đông đúc bận rộn và có những vấn đề như bao thành phố khác, nhưng đối với du khách, Paris gần như được xem là “thánh địa” của những câu chuyện tình yêu lãng mạn, của nghệ thuật và của những món bánh ngọt tinh tế.
Dĩ nhiên, Paris có những khía cạnh rất đỗi xinh đẹp. Không ai có thể chối cãi được sự kinh điển của tháp Eiffel với giá trị lịch sử to lớn, hay những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng như Lourve – nơi chứa bức danh hoạ Mona Lisa và bức tượng Thần Vệ Nữ cùng vô số những di sản văn hoá vô giá khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua những tiệm cà phê ven đường, những hàng cây hạt dẻ, những chiếc bánh mì baguette nóng hôi hổi giòn rụm, những món bánh ngọt tinh xảo cùng những buổi chiều thảnh thơi cho bồ câu ăn trong các công viên.
Tháp Eiffel, cung điện Versaille, bánh ngọt Pháp và những kiến trúc khiến tâm hồn nghệ thuật phải say… (Ảnh: Mint Notion, Emily Combe, Itsallbee)
Suy cho cùng, hội chứng Paris xảy ra là do sự “thần thánh hoá” một thành phố và sự “quá liều” khi sử dụng hình ảnh Paris trong phim ảnh, truyện và các văn hoá phẩm khác. Paris vẫn là Kinh đô ánh sáng, vẫn là Thủ phủ thời trang thế giới, vẫn là một thành phố có bề dày lịch sử hấp dẫn đáng để khám phá đấy thôi. Chỉ là, để có một trải nghiệm trọn vẹn và lành mạnh, chúng ta hãy chấp nhận rằng cũng giống như nhiều địa điểm khác, Paris cũng có những vấn đề, những điểm cần phát triển.
Sau dịch, nếu có ý định đi Paris, bạn hãy cẩn thận chuẩn bị tinh thần để không “vỡ mộng” nhé!
Nguồn: The Atlantis, SBS News, The Culture trip…
Nguồn: KENH14.VN