Pha Luông, địa danh tồn tại trong suy nghĩ của mọi người từ bao thế hệ nay, là nơi xa xôi, là nỗi ám ảnh về sự hiểm trở, gian nan, khắc nghiệt.
Nhưng ở đó cũng là nơi kỳ vĩ nhất của thiên nhiên. Nhà thơ Quang Dũng từ viết về Pha Luông với những vần thơ đẹp: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mày súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Đối với những ai đã chinh phục được đỉnh Pha Luông, đó vẫn là hành trình gian khổ để đời. Nhưng, một lần đến, một lần biết thì ai cũng yêu mến Pha Luông, cũng trào dâng muôn vàn cảm xúc và thấy Pha Luông thân thương biết bao.
Pha Luông, theo tiếng Thái nghĩa là ngọn núi lớn, được gọi là “nóc nhà của Mộc Châu”. Pha Luông nằm cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km, ở khu vực giáp ranh với nước bạn Lào. Nhìn từ thị trấn Mộc Châu về phía đông trong những ngày trời trong sẽ thấy ngọn núi có một phía dựng thẳng đứng, một phía cong cong hình cánh cung, thấy những lùm mây trắng thường xuyên ôm lấy đỉnh núi.
Để đến được đỉnh núi Pha Luông, chúng tôi phải trải qua một hành trình đầy thử thách và ngập tràn cảm xúc. Con đường gần 10km chạy xe máy từ đường lớn vào tới đồn biên phòng là con đường của thử thách.
Chúng tôi đi qua biết bao con dốc, bao khúc cua hẹp chênh vênh giữa vách đá và vực sâu, trên mặt đường gập ghềnh đá to đá nhỏ, băng qua vài con suối, qua những cây cầu gỗ nhỏ do bà con người H’Mông tự xếp ván thành cầu để xe đi. Có lúc, chúng tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc vì đường đi quá xấu và hiểm trở, cả đoàn phải đẩy, kéo xe cho nhau. Thế nhưng, với khát khao chinh phục của sức trẻ, chúng tôi vẫn tiếp tục.
Đi bộ từ đồn biên phòng lên đỉnh núi mất khoảng 4-5 tiếng với những người nghiệp dư như chúng tôi. Đường mòn chỉ có đi thẳng và lên dốc, không có những đoạn leo cao sau đó có đoạn tụt dốc để phục hồi sức lực như đường lên các đỉnh núi khác, khiến chúng tôi mất sức và mỏi chân. Nhưng Pha Luông có sức hấp dẫn mãnh liệt khiến cho kẻ lữ hành chỉ có thể bước tiếp mà không thể dừng lại. Đó là cảnh sắc, là những nụ cười thân thương của những em bé H’Mông sống dọc đường lên đỉnh Pha Luông. Cảnh sắc thay đổi biến hóa đầy thú vị kèm theo những thử thách muôn màu.
Chúng tôi đi xuyên qua nương lúa, nương ngô của bà con, chúng tôi thảnh thơi bên chân ruộng bậc thang kỳ vĩ và ngắm nhìn bà con người H’Mông đang lao động. Chúng tôi phải rạp mình đi qua rừng trúc hẹp và dài, tựa như mê cung. Chúng tôi biến thành người tí hon trong khu rừng rậm với những thân cây cao vút khổng lồ.
Chúng tôi phải bò qua những vách đá, đu mình qua những rễ cây khổng lồ, phải trượt qua những thân cây nằm rạp trên đường mòn. Chúng tôi phải rọi đèn qua những đoạn đường cây chen nhau lấp hết ánh sáng, bị lóa mắt bởi ánh nắng xuyên qua những lá phong đỏ lấp lánh, rọi những ray nắng đẹp như truyện cổ tích xuống rừng… Thử thách đan xen với thiên nhiên hữu tình, khiến cảm xúc của chúng tôi cũng biến đổi liên hồi.
Và tột đỉnh của cảm xúc là khi vượt qua khu rừng rậm, tối tăm, ẩm thấp để đến một bình nguyên đầy ánh sáng trên đỉnh Pha Luông. Cảm giác vỡ òa trong niềm sung sướng khi chinh phục được đỉnh núi huyền thoại và chứng kiến một khung cảnh đẹp như mơ.
Đỉnh Pha Luông là những tảng đá xếp chồng với nhiều hình thù. Đỉnh núi cao dựng đứng, từ trên đỉnh nhìn xuống mặt đất phía dưới tựa như đường thẳng. Những khối đá khổng lồ mang dáng hình của các con thú được bà con đặt tên là mỏm con Cóc, mỏm con Rùa, là kiệt tác của bàn tay tạo hóa, khiến con người ngỡ ngàng, khâm phục.
Phía trên là vùng đất rộng lớn bằng phẳng với nhiều loại cây quý, đặc biệt là cây đỗ quyên. Những gốc cây đỗ quyên cổ thụ sần sùi vẫn bung nở những bông hoa trắng muốt, những bông hoa đỏ rực, bông màu tím thanh cao, xinh đẹp. Đỗ quyên nở rộ nhất là tầm tháng 3 đến tháng 5. Dịp đến Pha Luông lần này, chúng tôi may mắn đã bắt được khoảnh khắc đẹp của loài hoa rừng này.
Từ trên đỉnh núi, chúng tôi thả hồn ngắm mây trắng êm như bông, nhẹ nhàng chuyển động trong nắng. Mây trắng bồng bềnh đến bất tận, tựa như một biển mây, như chốn tiên giới, khiến lòng người sảng khoái, quên hết muộn phiền. Đến trưa nắng to, mây tan, khung cảnh trước mắt là trập trùng núi non tím xanh. Đường biên giới Việt – Lào hiển hiện, chia rõ hai nửa, sườn núi của Việt Nam là rừng nguyên sinh xanh tốt, bên của Lào là vạt núi bám đầy cỏ rêu.
Tất cả sự kì vĩ, thơ mộng, bất tận của tự nhiên thu vào trong tình yêu mến của con người, để thấy Pha Luông thật gần.
Gần đây, có một số nhà đầu tư du lịch đưa ra ý tưởng xây dựng một hệ thống cáp treo hoàn hảo trên đỉnh Pha Luông. Nhưng với địa thế vùng biên đặc biệt, dự án này không được chấp nhận. Cũng chính vì lý do đó, việc chinh phục đỉnh Pha Luông hiện nay chỉ dành cho những người đủ điều kiện sức khỏe và được đội biên phòng cho phép. Đối với nhiều người, Pha Luông có lẽ vẫn “xa xôi”, nhưng nếu chúng ta dành nhiều tình yêu cho quê hương, đất nước, sẽ thấy mọi điều thật gần gũi, thân thương.
Theo Đỗ Thảo
LĐO
Nguồn: DANTRI.COM.VN