Người Sài Gòn có lối suy nghĩ độc đáo lắm, thi thoảng lại còn hơi “dị dị”, nhưng quen một chút thì ai cũng rất thích thú với cái sự “vui tánh” này. Không tin thì điểm qua loạt những hàng quán khó giải thích bằng logic bình thường sau đây!
Sài Gòn là một điểm đến thú vị, ngoại trừ các địa danh nổi tiếng nằm trong lịch trình tham quan của du khách thì còn lại, từ trung tâm đến các quận xung quanh, nơi nào cũng ẩn chứa đầy rẫy những điều hay ho chờ bạn khám phá. Chẳng nói đâu xa, đơn cử như mấy hàng street food bình thường thôi cũng độc đáo, “vui tánh”, khiến người ta phải dở khóc dở cười như thế này đây:
Khoai nướng Vô Diện
Giữa dòng đời tấp nập, có khi nào ta chạm phải ánh mắt nhau… ơ?
Fan của văn hoá Nhật Bản nói chung và Ghibli Studio nói riêng có lẽ sẽ phải… dụi mắt mấy lần khi bước tới ngã tư Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng. Bởi vì tại nơi đó, Vô Diện (Kaonashi) đang ung dung ngồi… bán khoai. Mặt khác, không ít người Sài Gòn không nhận ra nhân vật này cũng phải một phen “hú hồn chim én” khi thấy một vị “đen thui” lù lù ngồi bên vệ đường. Tuy nhiên bạn đừng lo, bởi vì bên cạnh có một chiếc bảng thuyết minh: “vì muốn lương thiện nên Vô Diện đi bán khoai”. Như vậy là Vô Diện này chỉ bán khoai nướng để kiếm kế mưu sinh mà thôi.
Vô Diện bán khoai “mưu sinh”, chỉ có thể có ở Sài Gòn!
Khoai của Vô Diện là khoai mật, được nướng rất đều tay nên có những khách dù không quen với nhân vật này, cũng thường xuyên ghé ủng hộ vì hương vị chất lượng và giá cả phải chăng. Mặt khác, nhiều người cho rằng Vô Diện bán vì “đam mê”, bởi lắm khi bận quá, không có tiền lẻ thối cho khách, bạn Diện cũng vô tư “phán”: “hôm nào ghé trả cũng được!”
Đấy, tìm khắp nơi cũng không đâu thấy Vô Diện đi bán khoai như Sài Gòn! Chỉ có ở đây bạn mới ăn được khoai do Vô Diện nướng thôi, đủ “dị” chưa nào?
Bánh tráng chảnh
Slogan “không đụng hàng” của chị Mai: “Tui mà ghét là tui khỏi bán cho!”
Đối với các cô cậu học sinh, sinh viên hay ra Hồ Con Rùa ngồi “chill” thì chắc hẳn không ai xa lạ với nhân vật hết sức quyền lực trên “địa bàn” này: Chị Mai bán bánh tráng. Từ xa xa đã nhìn thấy một người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ đứng bên cạnh gánh bánh tráng, trước đó có một tấm bảng tên khiến mọi người phải… e dè: CHẢNH.
Vốn thương hiệu của chị Mai cũng không phải là Chảnh, mà là do bình thường chị quá thân thiết với hội học sinh, sinh viên nơi đây nên thường hay “làm giá” như: “Cà chớn đi, lần sau tui ghét là tui khỏi bán à nha” hay “gọi bánh tráng mà không nói cứ vẫy, tưởng gọi bạn, gọi kiểu đó lần sau coi chừng không bán à”… Khách quen ở đây thường chẳng lạ gì kiểu đùa này của chị Mai, và cũng thường chọc vui chị là “chảnh”. Thấy thế, chị lấy chữ Chảnh làm thương hiệu luôn.
Bánh tráng của chị Mai có cả nem chua, hương vị đặc biệt.
Tuy nhiên có một điều cần biết là khi mua bánh của chị thì phải tử tế, lễ phép nếu bạn nhỏ tuổi hơn, chứ nếu nói năng “cộc lốc” thiếu chủ ngữ, vị ngữ thì có khi chị Mai sẽ “ghim” bạn và không thèm bán bánh cho đấy.
Trà sữa Phượng Hoàng
Nếu đến với trà sữa Phượng Hoàng ngay vào giờ cao điểm, bạn hãy chuẩn bị tinh thần là chỉ được mua hai ly mỗi người, muốn mua thêm thì phải quay ra xếp hàng lại. Quy tắc thoạt nghe có vẻ kì cục, nhưng hầu hết người mua đều ngầm chấp thuận và chẳng ai phản đối cả, bạn có biết vì sao không? Ấy là vì một nguyên do rất dễ thương: Anh chủ không muốn ai phải chờ quá lâu nên đặt ra nguyên tắc này để khi quá đông, những người đến sau không phải đứng chờ lâu dưới cái nắng.
Mặt khác, nhiều khách kể lại rằng các anh chủ thường hay để ý khách lắm. Khách nào chen hàng, lên trước, các anh đều không bán ngay mà chỉ tập trung theo thứ tự. Ngoài ra, khi có người lớn tuổi đến mua thì cũng được các anh ưu tiên phục vụ trước để các cụ không phải chờ lâu. Điều này được rất nhiều người ủng hộ nên quán trà sữa Phượng Hoàng bao năm vẫn mua may bán đắt, dù đôi khí có hơi “yêu sách”. Người Sài Gòn ấy mà, “dị” thì “dị”, nhưng cũng rất tốt tính, nhỉ?
Chè ma
Sài Gòn có một quán chè mà phải đi ăn sau 9h tối, sớm hơn thì không được. Vì sao lại như vậy ấy hả? Vì đó là chè “ma” đấy! Tuy nhiên bạn đừng vội sợ hãi, bởi vì làm gì có ma ở đây đâu. Người Sài Gòn lại “vui tánh”, quen miệng gọi thế vì quán chè mở cửa đến tối khuya muộn mà thôi.
Đó là một quán chè người Hoa rất nổi tiếng Sài Gòn, hay còn được biết đến với tên là quán chè “cột điện”, vì nó nằm ngay một chiếc… cột điện. Quán bán đã nhiều thập kỷ và truyền qua đến giờ cũng vài thế hệ rồi. Thuở đầu, quán cũng có một cái tên rất “kêu” đấy chứ, là chè “Châu Giang”. Tuy nhiên với suy nghĩ độc đáo và hài hước của người Sài Gòn thì nó lại biến thành cái tên “bình dân” như… Cột điện, hoặc không thì “đáng sợ” như… chè ma.
Cơm tấm bãi rác
Nguồn ảnh: belltran, ntnamhair.
Du khách phương xa tới mà nghe tới cái tên này chắc hẳn phải “hết cả hồn”, bởi vì cơm tấm thì ngon, nhưng… gắn với bãi rác ư? Đó là một quán cơm tấm lề đường nằm gần bãi rác ở chợ Xóm Chiếu. Quán không tên, ban đầu mở ra để phục vụ người dân trong khu vực, rồi dần dà được người ta gọi với cái tên “cơm tấm bãi rác”. Có lẽ trong tâm trí của người Sài Gòn, hai chữ “bãi rác” chỉ đơn giản là một “cột mốc” để định vị được quán cơm, chứ không ai quan tâm đến chuyện khác nữa.
Cơm tấm bãi rác bán được không biết bao nhiêu năm rồi, dù cho mang cái tên gây “hoang mang” như thế. Đặc biệt, một đĩa cơm ở đây có giá dao độngt ừ 70k – 100k là bình thường. Ở Sài Gòn không biết những quán cơm có bàn ghế, máy lạnh với giá cả phải chăng hơn, thế nhưng vẫn không bì được với một hàng quán vỉa lè “lộ thiên”, lại còn nằm cạnh bãi rác. Chuyện “vui tánh” như thế, chỉ có thể có ở Sài Gòn!
Nguồn: KENH14.VN