Nhiều chuyên gia nhận định thời trang tương lai có dấu ấn đậm nét của kỹ thuật số. Bạn có thể sở hữu những bộ trang phục bắt mắt dù không thực sự mua nó.
Trên AFP ngày 8/10, hai cây viết Jordi Zamora và Eric Randolph đã có bài viết về xu hướng mới của thời trang. Đó là ngành thời trang chúng ta chưa thực sự biết quá nhiều với những bộ đồ không tồn tại. Theo họ, ý tưởng về tương lai thời trang lạ lùng này là “sự nhảy vọt quá xa về khái niệm”.
Thời trang ảo là gì?
“Chúng ta dường như đã bước vào vũ trụ Black Mirror, bất chấp những lời cảnh báo từ tập phim Fifteen Million Merits. Nếu cảnh các nhân vật mua đồ cho nhân vật ảo của họ khiến bạn thích thú, giờ đây, bạn cũng có thể làm điều tương tự”, trích bài viết trên tạp chí Analytics India.
Thực tế, quần áo ảo (hay quần áo không tồn tại) đã có mặt từ khá lâu. Nếu là dân chơi game, nhiều người cũng không còn xa lạ việc chọn trang phục cho nhân vật trong The Sims. Năm 2019, Moschino cũng ra mắt bộ sưu tập ảo lấy cảm hứng từ tựa game này. Quần áo của Gucci hay The North Face cũng tạo ra sự thích thú với người chơi Pokemon Go.
Thời trang ảo là phần quen thuộc của thế giới game. Ảnh: Dazed. |
Các thương hiệu xa xỉ không phải bên duy nhất quan tâm tới thời trang ảo. Theo AFP, các cửa hàng kỹ thuật số đang “mọc lên” ngày càng nhiều. Khách hàng có thể mua chúng để sử dụng hình ảnh, video đăng lên mạng xã hội.
Việc khoe ảnh, video với bộ trang phục đẹp là điều nhiều người quan tâm. Thị trường thời trang ảo đang đánh đúng “chỗ ngứa” của khách hàng trong thời đại công nghệ.
Để tạo nên bức ảnh hoàn hảo với trang phục ảo, khách hàng cần đáp ứng một số yêu cầu chụp. Ảnh: DressX. |
Các sản phẩm được tạo nên bằng công nghệ kỹ thuật số. Những nhà cung cấp có cách riêng để tạo ra các phiên bản 3D của sản phẩm. Họ cũng đưa ra những hướng dẫn về chụp ảnh, bao gồm cách tạo dáng, chọn ánh sáng, độ vừa vặn của quần áo đến khách hàng. Sau đó, đội ngũ công nghệ của các nhà cung cấp sẽ chỉnh sửa hình ảnh phù hợp, dựa trên thông tin khách hàng đã gửi.
DressX là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Họ có những hướng dẫn như khách hàng cần chọn ảnh ánh sáng tự nhiên, quần áo vừa vặn, tóc không che cơ thể… Ngoài ra, DressX cũng khuyên khách hàng không chụp ảnh mặt và cơ thể bị tối, ánh sáng tương phản cao…
Lợi ích của thời trang ảo
Hiện tại, ngành công nghiệp thời trang chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và gần 20% lượng nước thải. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc về các biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp này còn sử dụng nhiều năng lượng hơn ngành công nghiệp hàng không và vận chuyển cộng lại.
Trách nhiệm lớn thuộc về các thương hiệu thời trang nhanh. Ngoài ra, thói quen mua sắm không kiểm soát của người dùng cũng khiến các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Những bộ trang phục bắt mắt được tạo nên từ công nghệ. Ảnh: This Outfit Does Not Exist. |
Gần đây, tại show diễn của Louis Vuitton ở Paris (Pháp), một phụ nữ đã bất ngờ lao lên sàn với tấm biển “Overconsumption = Extinction” (tạm dịch: Tiêu dùng quá mức = Tuyệt chủng). Dù đã bị nhân viên an ninh lôi đi ngay sau đó, thông điệp của người này cũng được lan rộng khắp thế giới: Thời trang đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Isabelle Boemeke – người mẫu Brazil – là tín đồ của thời trang kỹ thuật số. Chia sẻ với AFP, cô tin đây chính là chìa khóa cho môi trường trong tương lai.
“Tôi biết nhiều phụ nữ chỉ mua một bộ đồ và dùng nó cho một bức ảnh. Sau đó, họ không bao giờ đụng vào nó nữa. Họ có thể giảm sự lãng phí này bằng cách sử dụng thời trang kỹ thuật số cho những bài đăng trên mạng đó”, cô nói.
Trong khi đó, Daniella Loftus – người mẫu kiêm nhà tư vấn thời trang – cũng đồng tình quan điểm này. Ngoài ra, Loftus cũng nhận xét đại dịch đang tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh thời trang ảo. Mọi người bị “nhốt” trong nhà cả ngày và không có nơi nào để khoe quần áo đẹp.
Nhờ công nghệ, bạn có thể diện bộ váy lộng lẫy ngay trong căn bếp với chi phí thấp hơn nhiều.
Thời trang ảo tiết kiệm chi phí và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ảnh: Dirtybarn. |
Cameron-James Wilson – giám đốc điều hành của The Diigitals – đã trao đổi với BBC về tầm quan trọng của quần áo kỹ thuật số. Theo ông, đây là kỹ thuật tuyệt vời cho các chiến dịch quảng cáo ít lãng phí hơn. Nó cho phép các thương hiệu giới thiệu bộ sưu tập tới người dùng mà tránh lãng phí vật liệu (được trả lại hoặc đem vứt đi vì thừa thãi).
Cùng quan điểm, Mortan Grubak – giám đốc sáng tạo điều hành tại Virtue thuộc tạp chí lối sống VICE – cho biết các thương hiệu quan tâm tới loại hình này. Dù cho, họ không nhất thiết phải thực sự bán quần áo ảo. Các thương hiệu thích thú với tương lai có thể làm việc với những nhân vật có ảnh hưởng mà không cần tặng quà thực tế. Với việc cung cấp hình ảnh từ quần áo ảo, họ sẽ tiết kiệm kha khá tiền.
“Tôi tin chúng ta đang trên đường đến tương lai thực tế ảo, thực tế tăng cường hoàn toàn ảo”, nhà thiết kế giày thể thao Jeff Staple trả lời tờ Glossy.
Trong suy nghĩ của Jeff Stapple, việc đặt con voi vào trong phòng giờ cũng hoàn toàn khả thi.
Dù vậy, thời trang kỹ thuật số vẫn còn sơ khai. Tuy nhiên, các thương hiệu và người dùng cũng đang dần bắt nhịp với xu hướng này. Hiện tại, chúng ta có lẽ chưa thể trở thành nhân vật chính trong “Fifteen Million Merits” của Black Mirror. Điều đó còn phụ thuộc vào sự thành công của loại hình thời trang lạ lẫm này.
Nguồn: News.zing.vn