Có những món ăn sinh ra là để “chia rẽ” người ta, khi mà một bên thì ghét lắm, một bên thì mê mẩn. Nếu đi ăn cùng nhau như thế thì tình anh em chắc có bền lâu?
Việc đau khổ nhất khi rủ một đứa bạn thân đi ăn một món mà mình tâm đắc lắm, nhưng nó lại chỉ “hận” không thể chạy xa cả cây số. Sau đây là một vài món ăn có khả năng gây “chia rẽ nội bộ” nhất, bạn có thấy cái tên nào quen thuộc không?
Sầu riêng
Sầu riêng có lẽ là một trong số những món ăn gây mâu thuẫn nhất thế giới. Có những hai lần người nước ngoài từng nhầm sầu riêng như “vũ khí sinh học” và khí ga rò rỉ, đến mức phải di tản người ta ra khỏi khu vực có sầu riêng. Tuy nhiên đối với những ai yêu thích loại quả này thì người ta chỉ muốn “lăn lộn” cả ngày trong mùi sầu riêng cả ngày.
Hội mê sầu riêng sáng chế ra không biết bao nhiêu món từ bánh ngọt cho tới lẩu, pizza…
Nếu như team ghét sầu riêng chỉ cần ngửi mùi là té chạy và gán cho món ăn này những cái tên có phần “khẩu nghiệp” như “có mùi tất lâu giặt” hay “vũ khí sinh học” thì team mê sầu riêng cũng rất “quá đà” khi sáng chế ra không biết bao nhiêu các món ăn khác người. Ví dụ như lẩu sầu riêng, thịt nướng sầu riêng, pizza sầu riêng…
Ngò
Ngò là một món ăn gây mâu thuẫn. Điều này được thể hiện qua cơn sốt ngò đối với người Nhật: món rau thơm nhỏ bé lại có quyền năng đến mức chia nước Nhật làm 2 phe, một phe ghét ngò và một phe cuồng ngò. Team ghét ngò miêu tả món ăn này có mùi như… kem đánh răng và bọ xít. Thậm chí, họ còn yêu cầu bỏ hết ngò ra khỏi các món Thái hay món Việt Nam (vốn có ngò).
Tuy vậy, một số người Nhật khác lại… cuồng ngò cực kì. Họ có thể ăn ngò kèm với tất cả mọi thứ, từ mì ăn liền, cơm phủ cả núi rau ngò, gỏi cuốn toàn ngò, tempura ngò và cả snack ăn vặt từ ngò. Tóm lại là “hận” không thể để ngò lên tất cả mọi thứ mà ăn kèm.
Các thành phẩm của team yêu ngò Nhật Bản: cơm phủ ngò, gỏi cuốn toàn ngò, một rừng ngò trên mì gói và tempura ngò…
Mắm tôm
Mắm tôm là một món ăn gây tranh cãi, không chỉ với người nước ngoài mà trong cả nội bộ người Việt cũng chia ra làm hai phe yêu – ghét. Mắm tôm là thức ăn kèm với nhiều món khác nhau như bún đậu mắm tôm, bún riêu, xoài sống… Nhưng thể nào, khi rủ một đứa bạn ghét mắm tôm đi ăn bún đậu thì nó cũng sẽ gọi riêng một chén… nước mắm.
Nguồn ảnh: Sinh viên và chuyện đi làm.
Điều này đã không biết bao lần gây nên “sóng gió” khiến tình anh em không được bền lâu, khi mà team thích mắm tôm thì cứ mê mẩn, cố gắng thể hiện cho team không thích sự “kì diệu” của món nước chấm này. Trong khi đó, hội những người không chịu được mắm tôm chỉ có thể phản kháng lặng thầm bằng cách gọi riêng một chén nước tương, nước mắm khi ăn bún đậu, mặc kệ điều này khiến phe còn lại “buồn bực”.
Hành
Hẳn ai cũng có một đứa bạn chuyên dành cả thanh xuân để… vớt hành. Đi ăn món gì nó cũng vớt cho bằng được hành ra ngoài, đi đâu nó cũng sẽ nhắc nhở phục vụ hay chủ quán là “cho cháu một món X không hành nghen cô/chú”. Đương nhiên, trong mắt những ai ăn được và thích ăn hành thì chuyện này quả thật kì lạ hết sức.
Người ta có câu bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm, hành gần như một phần không thể thiếu trong các món ăn Việt. từ món canh thường ngày mẹ nấu trên mâm cơm cho đến đĩa cơm bụi ngoài hè phố. Thậm chí, ai ai cũng thích một ít mỡ hành rưới lên các món ăn vặt như bắp (ngô) nướng, chuối nếp nướng hoặc các món hải sản như ngêu, ốc sốt mỡ hành… Tóm lại, đối với nhiều người, hành thực sự là một nét chấm phá làm hoàn thiện hơn món ăn, khiến món ăn thơm, béo hơn và thậm chí là trông đẹp mắt hơn nữa khi có ít màu xanh xanh của hành. Đối với những người thích ăn hành, việc nhìn một bát phở không hành của mấy đứa bạn ghét hành thật sự… khiến người ta bứt rứt.
Tạm kết:
Đương nhiên, những món ăn trên không phải là những món ăn gây mâu thuẫn duy nhất. Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người, hiển nhiên là không tránh khỏi trường hợp “9 người 10 ý”. Vậy nên để tình anh em được bền lâu thì dù có thấy sở thích/sở ghét của đối phương có “dị” thì cũng nên tôn trọng và yêu thương nhau, để còn có bạn có bè mà rủ đi ăn chung nhé!
Nguồn: KENH14.VN