Xu hướng mua sắm chuyển dịch nhanh sang kênh bán lẻ hiện đại đang giúp triển vọng có lãi của chuỗi VinCommerce và Bách Hóa Xanh trong năm nay được củng cố.
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua diễn biến khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index mất 73 điểm, hầu hết cổ phiếu lớn đều giảm sâu. Tuy nhiên trong giai đoạn giá xuống, nhóm cổ phiếu bán lẻ lại đi ngược thị trường chung khi thiết lập các đỉnh giá mới, nhờ hưởng lợi ngắn hạn từ nhu cầu mua sắm tăng đột biến.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động tiếp tục tăng 2,3% lên mức đỉnh lịch sử 176.500 đồng/cổ phiếu. Tính rộng ra MWG đã tăng giá gần 13% trong tuần vừa qua và tăng hơn 48% kể từ đầu năm.
Với mức đỉnh này, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đạt hơn 83.900 tỷ đồng, đứng thứ 16 trên bảng xếp hạng vốn hóa và là cổ phiếu gần nhất sắp đạt cột mốc 100.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài và công ty riêng Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ sở hữu tổng cộng 14% vốn, tương đương với giá trị khoảng 11.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu MWG và MSN tăng mạnh
Tương tự cổ phiếu MSN của Masan Group cũng vừa lập đỉnh 119.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/7, trước khi điều chỉnh trong phiên cuối tuần về 116.900 đồng/cổ phiếu. Tính chung một tuần, MSN tăng giá gần 3% và tăng 32% kể từ đầu năm.
Hiện giá trị vốn hóa của Masan Group ghi nhận hơn 138.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp lớn thứ 12 trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ gián tiếp hơn 179 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan), tương đương với giá trị sở hữu hơn 20.900 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG và MSN từ đầu năm. Ảnh: TradingView |
Bộ đôi cổ phiếu bán lẻ này tăng tốc trong tuần qua một phần nhờ tâm lý mua sắm ngắn hạn đột biến, nhất là khu vực TP.HCM trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn thành phố. Việc các chợ đầu mối tạm dừng hoạt động gián tiếp giúp kênh bán lẻ hiện đại hưởng lợi lớn.
Một số siêu thị thuộc Satra, Co.op, Bách Hóa Xanh, VinMart… ghi nhận sức mua vọt lên 5-7 lần thời điểm gần cuối tuần, đơn hàng online cũng tăng nhiều lần, tình trạng kệ hàng trống trơn trở nên phổ biến và giá cả cũng có xu hướng tăng lên.
Thị trường bán lẻ thực phẩm đang ghi nhận sự cạnh tranh lớn. Khối ngoại gia nhập từ sớm với các chuỗi Go! và Top Market (trước đây là BigC), MM Mega Market hay sự vươn lên của Aeon Mall… Phía doanh nghiệp nội cũng đang lớn mạnh với các hệ thống của Co.op, Satra, siêu thị Emart của Thaco…
Hai công ty đang niêm yết là Đầu tư Thế Giới Di Động sở hữu hệ thống Bách Hóa Xanh và Masan Group điều hành chuỗi VinMart, VinMart+ (thông qua VinCommerce).
Kỳ vọng VinCommerce và Bách Hóa Xanh có lãi
Masan Group cho biết có 2.334 cửa hàng bán lẻ vào cuối quý I, trong đó có 2.212 siêu thị mini VinMart+ và 122 siêu thị VinMart. Địa bàn hoạt động phân bổ chính ở 2 khu vực Hà Nội và TP.HCM.
Tập đoàn cho biết các cửa hàng ở Hà Nội đang hoạt động tốt và hoàn thành các chỉ tiêu trong khi nhóm cửa hàng tại TP.HCM cần nỗ lực để có thể ghi nhận lợi nhuận. Riêng chỉ tiêu doanh thu/m2 của nhóm cửa hàng tại TP.HCM vẫn tăng 10,7% trong quý đầu năm.
Đại dịch đang khiến xu hướng mua sắm chuyển dịch nhanh sang kênh bán lẻ hiện đại, nhờ đó hệ thống VinCommerce có thể hưởng lợi đáng kể. Trong năm 2021, lãnh đạo Masan Group kỳ vọng VinCommerce sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh nhờ giảm bớt các cửa hàng kém hiệu quả và tái cấu trúc chi phí vận hành.
Tập đoàn còn muốn tăng mục tiêu tổng biên lợi nhuận thương mại của VinCommerce lên 30% so với mức hơn 20% ở hiện tại nhờ việc thương lượng các điều khoản với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ các ki-ốt Phúc Long và xây dựng danh mục nhãn hàng riêng.
Nhu cầu mua sắm tăng đột biến ở các siêu thị tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
VinCommerce được chia sẻ 20% doanh thu với Phúc Long, tương đương với 1 triệu đồng/ngày. Theo kế hoạch đến cuối năm 2021, mô hình này sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp cùng Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên lợi nhuận EBITDA của cửa hàng VinMart+ có tích hợp Phúc Long sẽ gia tăng 4%.
Trong khi đó MWG sở hữu hệ thống 1.851 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại cuối tháng 5. Chuỗi bán lẻ thực phẩm này đạt doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng sau 5 tháng, tăng trưởng 36% nhờ nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu. Doanh thu online của chuỗi cũng gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Chuỗi Bách hóa Xanh sẽ có lãi EBITDA ở cấp độ công ty vào cuối năm nay và thực sự có lãi vào năm 2022
Lãnh đạo Đầu tư Thế Giới Di Động
Đáng nói là các cửa hàng Bách Hóa Xanh tập trung ở khu vực phía Nam, do đó càng hưởng lợi lớn khi TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội. Nhu cầu mua sắm tăng đột biến khi người dân đổ xô ra siêu thị tích trữ, đơn hàng online gần đây cũng tăng 5-6 lần so với thấp điểm khi đạt 8.000-9.000 đơn mỗi ngày.
Tại kỳ họp cổ đông gần nhất, lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng chuỗi Bách hóa Xanh sẽ có lãi EBITDA ở cấp độ công ty vào cuối năm nay và thực sự có lãi vào năm 2022. Bối cảnh mới đang giúp cho triển vọng trên càng được củng cố và tiến nhanh hơn đến việc có lãi cho chuỗi thực phẩm này.
Cũng trong đại hội, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ giá cổ phiếu MWG đã từng thay đổi đột ngột khi Điện Máy Xanh bắt đầu có lãi và tin tưởng trong tương lai sẽ tiếp tục tái diễn sự kiện này khi Bách Hóa Xanh chuyển từ lỗ thành lời.
Ngoài ra cổ phiếu MWG trong ngắn hạn còn được hỗ trợ bởi thông tin sắp chi khoảng 475 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt 10% và phát hành gần 238 triệu cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại năm 2020 với tỷ lệ 50%. Thời gian thực hiện trong tháng 7-8.
Nguồn: News.zing.vn