Cổ phiếu CMS tăng 4 lần trong một tháng cùng thanh khoản tăng cao, dù công ty liên tiếp ghi nhận mức lỗ lớn.
Dòng tiền đầu cơ đang tạo nên cơn sóng mới cho thị trường chứng khoán và cũng tạo ra những bất ngờ ở một số cổ phiếu riêng lẻ. Chẳng hạn “cơn điên” của dòng tiền đang đẩy giá của của một doanh nghiệp liên tục thua lỗ lên mức kỷ lục.
Chốt phiên cuối tuần, cổ phiếu CMS của công ty cổ phần CMVietnam tăng trần lên mức đỉnh lịch sử 19.600 đồng mỗi đơn vị. Mã này bứt phá từ cuối tháng 10 và ghi nhận 18 phiên liên tiêp tăng mạnh (trong đó 13 phiên tăng trần).
Cổ phiếu CMS đang được niêm yết trên sàn HNX và cũng là mã có mức tăng giá mạnh nhất sàn này khi thị giá cao gấp 4 lần chỉ trong một tháng gần nhất. Giá trị vốn hóa theo đó đang hơn 337 tỷ đồng.
Đáng chú ý là mức tăng đột biến của CMS được đi kèm với thanh khoản khá cao cho thấy nhà đầu tư đã đổ một lương tiền lớn vào. Tổng khối lượng trung bình một tháng vừa qua trên 400.000 cổ phiếu/phiên, gấp gần 5 lần trước đây. Thậm chí phiên 17/11 ghi nhận kỷ lục 1,85 triệu cổ phiếu CMS được chuyển nhượng với giá trị 32,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu CMS tăng đột ngột từ cuối tháng 10 đến nay. Đồ thị: TradingView. |
Công ty CMVietnam tiền thân là Cavico CMS được thành lập vào năm 2007. Hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, ngoài ra còn có dịch vụ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, thương mại và bất động sản… Vốn điều lệ hiện tại là 172 tỷ đồng.
Tuy nhiên trái ngược với sự “thăng hoa” trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMVietnam lại không mấy khả quan. Năm 2020, công ty này thua lỗ kỷ lục gần 14 tỷ đồng.
Theo báo cáo quý III, công ty tiếp tục làm ăn kém hiệu quả khi doanh thu giảm 9% về dưới 56 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến việc thua lỗ thêm 2,3 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm đã lỗ gần 9 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 196 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4,12 tỷ đồng. Với tình hình 9 tháng lỗ nặng như hiện nay, khả năng đơn vị đạt được kế hoạch kinh doanh là rất khó.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh trì trệ tạo áp lực khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ chuyển từ dương 51 tỷ đồng sang âm 63 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư trong kỳ ghi nhận con số dương vì trong kỳ công ty thu hồi được các khoản cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA CMVIETNAM | ||||||
Nhãn | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | 9T/2021 | |
Lợi nhuận sau thuế | Tỷ đồng | 5.7 | -0.3 | 4.1 | -14 | -8.9 |
Do việc kinh doanh sa sút liên tiếp, HNX đã quyết định đưa cổ phiếu CMS vào diện bị cảnh báo kể từ tháng 4/2021 đến nay, lý do bởi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 ghi nhận là con số số âm.
Bức tranh tài chính chưa có nhiều khởi sắc nhưng biến động cổ đông đang có chuyển biến lớn. Ông Phạm Hồng Mạnh vừa bán cổ phiếu vào hôm 17/11 và không còn là cổ đông lớn. Ngoài ra người thân của Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Phúc cũng đang đăng ký bán toàn bộ 394.000 cổ phiếu CMS.
Bên cạnh đó công ty còn vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 24/11 để tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào thời gian tới, tuy nhiên chưa công bố thời gian, địa điểm và nội dung họp.
Thực tế việc cổ phiếu vẫn tăng mạnh dù doanh nghiệp làm ăn bết bát đang diễn ra thường xuyên hơn trên thị trường. Một môi giới hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết nhu cầu đầu tư chứng khoán hiện rất lớn, khách hàng chỉ quan tâm làm sao mua bán được cổ phiếu mà đôi khi không quan tâm đó là doanh nghiệp như thế nào.
Những cái tên khác nổi lên gần đây như cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O cũng tăng chóng mặt 3 lần chỉ sau một tháng bất chấp khoản lỗ ròng 224 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Hay như cổ phiếu HUT của Tasco – “ông trùm BOT” cũng lên gần gấp đôi sau 3 tháng mặc dù liên tục ghi lỗ trong 7 quý kinh doanh liên tiếp.
Nguồn: News.zing.vn