Sự cố cháy tàu ở Sri Lanka hồi tháng 5 đã tác động tiêu cực đến môi trường và ngành thủy sản. Hệ lụy từ thảm họa hạt vi nhựa có thể bao trùm cả Ấn Độ Dương nhiều thập kỷ tới.
Trong gần 2 tuần, một làn khói đen dày đặc phủ kín bầu trời ngoài khơi phía tây Sri Lanka. Khói bốc lên từ một con tàu container cách bờ biển hơn 16 km.
Tàu X-Press Pearl mang cờ Singapore bốc cháy vào ngày 20/5 trên đường đến thủ đô Colombo. X-Press Pearl chứa 350 tấn dầu và ít nhất 81 container “hàng nguy hiểm”, bao gồm cả axit nitric – một hóa chất độc hại cao được sử dụng để sản xuất phân bón.
80 tấn hạt nhựa – nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa – đã tràn xuống đại dương sau sự cố.
Tác động môi trường có thể thấy ngay tức khắc.
Hạt nhựa phủ trắng các bãi biển phía tây của Sri Lanka. Các viên nhựa mắc kẹt trong mang và miệng của cá, khiến chúng chết ngạt. Hàng chục con rùa biển quý hiếm đã trôi dạt vào bãi biển, một số con có dấu vết cháy sém trên mai. Tính đến cuối tháng 6, khoảng 200 xác động vật biển đã được thống kê.
Các cộng đồng đánh bắt cá bị ảnh hưởng nặng nề và người dân địa phương lo ngại sẽ mất nhiều năm để hòn đảo phục hồi sau thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Sri Lanka.
Hơn hai tháng sau sự cố, hàng tỷ hạt nhựa đã trôi dạt vào gần như mọi hòn đảo và dự kiến phân tán khắp Ấn Độ Dương.
Tàu X-Press Pearl cháy suốt 2 tuần kể từ ngày 20/5 trước khi chìm một nửa. Ảnh: CNN. |
Sinh vật biển chết hàng loạt
Sri Lanka vốn là điểm đến của nhiều khách du lịch trên khắp thế giới. Những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh như ngọc tại đây không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển đa dạng.
Việc động vật biển dạt vào bờ ở thời điểm này trong năm, sau khi vướng vào lưới đánh cá hoặc do gió biển động, là hiện tượng cũng không quá xa lạ. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường địa phương cho biết hiện tượng lần này không bình thường.
Anh Don Muditha Katuwawala, điều phối viên của nhóm bảo tồn biển Sri Lanka Pearl Protectors, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân của số lượng cá thể biển bị chết, bao gồm cá heo và rùa. Điều đáng chú ý là sự gia tăng bắt đầu ngay sau vụ tai nạn. Có 30 đến 40 trường hợp được báo cáo mỗi ngày”.
Chất thải nhựa từ con tàu được tìm thấy trong cá ở vùng biển xung quanh Sri Lanka. Ảnh: CNN. |
Ông Sohan Kapurusinghe, một nhà bảo tồn rùa với 28 năm kinh nghiệm, tin rằng những cái chết của sinh vật biển là do thảm họa cháy tàu.
Theo ông, thông thường nếu một con rùa dạt vào bờ do bị mắc vào lưới hoặc biển động, sẽ có những vết cắt trên vây hoặc vết nứt trên mai của chúng. Nhưng những con rùa mà ông nhìn thấy gần đây trên các bãi biển có những vết cháy xém rõ ràng trên mai, mắt và tuyến muối của chúng sưng to.
Ông nói: “Hầu hết xác chết rùa được tìm thấy dọc các bãi biển trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau thảm họa tàu X-Press Pearl. Có những vết cháy rõ ràng trên mai của chúng… Xung quanh miệng, bạn có thể thấy máu chảy loang lổ, có nghĩa là chúng đang chảy máu từ bên trong”.
Theo ông, điều này cho thấy chúng có thể đã tiếp xúc với hóa chất hoặc bị thương trong đám cháy.
Tuy nhiên, một số nhà sinh vật biển uy tín đã cảnh báo không nên đưa ra kết luận quá sớm về cái chết của động vật và kêu gọi người dân chờ đợi quá trình khám nghiệm tử thi.
Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã khiêng xác một con rùa bị dạt vào bãi biển Angulana, phía nam thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 24/6. Ảnh: CNN. |
Thảm họa hạt vi nhựa
Trong khi quá trình khám nghiệm tử thi được tiến hành, người dân Sri Lanka vẫn đang thu thập hàng tấn hạt nhựa thoát ra từ đám cháy.
Những tuần sau trận hỏa hoạn, sóng biển đổi màu trắng xóa bởi hạt nhựa. Ở một số khu vực, hạt nhựa dạt vào bờ biển, chất cao đến đầu gối.
Các hạt hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa dạt vào bờ biển từ tàu X-Press Pearl. Ảnh: CNN. |
Asha de Vos là một nhà sinh học biển và là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Sri Lanka Oceanswell. Nhóm của cô đã thiết lập một trình theo dõi để cộng đồng gửi hình ảnh của những bãi biển nơi họ phát hiện ra nhựa, với ngày giờ cụ thể.
Cùng nhau, họ đã xây dựng được một bức tranh về mức độ di chuyển của hạt nhựa và lên kế hoạch thực hiện khảo sát hàng tháng về nồng độ nhựa ở một số khu vực.
Một điều đáng chú ý là trong số các hạt nhựa màu trắng, họ nhận thấy một số hạt đã cháy xém và bị nung chảy trong lửa. Theo Asha de Vos, nếu có thể nắm được mức độ biến chất của các hạt nhựa, nhóm của cô có thể dự đoán được những tác động do nhựa gây ra sẽ kéo dài bao lâu.
Bài học từ Durban
Các chuyên gia cảnh báo những hạt nhựa sẽ vẫn dạt vào bờ trong nhiều năm tới và trở thành một phần vĩnh viễn của dòng chảy và thủy triều trên các đại dương.
Trong một thảm họa tương tự ở Nam Phi năm 2018, 49 tấn hạt nhựa đã tràn ra vùng biển xung quanh thành phố Durban. Một năm sau đó, hạt nhựa được tìm thấy cách đó hơn 4.000 km ở một hòn đảo giữa Đại Tây Dương. Đến năm 2020, chúng xuất hiện trên bờ biển phía Tây Australia, cách nơi xảy ra thảm họa đến hơn 8.000 km.
Giáo sư hải dương học Charitha Pattiaratchi tại Đại học Western Australia cho biết hạt nhựa là chất gây ô nhiễm chính từ các thảm họa tàu thuyền.
“Các hạt nhựa sẽ tiếp tục hiện diện ở các vùng nước bề mặt của Ấn Độ Dương trong nhiều thập kỷ và sẽ đổ bộ vào nhiều quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Maldives”.
Mặc dù hạt nhựa không nhất thiết độc hại đối với con người, nhưng ông Pattiaratchi cho biết chúng có thể mắc kẹt trong mang cá và khiến cá chết ngạt.
Ngành thủy sản gánh hậu quả
Ngành thủy sản của Sri Lanka đã bị ảnh hưởng sâu sắc sau vụ việc. Những cộng đồng đánh bắt vốn đã phải hứng chịu thiệt hại do đại dịch nay không thể hành nghề do mọi người lo sợ cá không an toàn để ăn.
Anh D.S. Fernando, một ngư dân ở thành phố biển Negombo, cho biết: “Mọi người sợ ăn cá vì chúng có thể bị ô nhiễm. Giá cá giảm mạnh. Tình hình rất vô vọng”.
Công nhân chế biến cá muối ở Negombo, nơi hạt nhựa và các mảnh vụn khác từ sự cố dạt vào bờ biển. Ảnh: CNN. |
Vào ngày 11/7, Bộ trưởng Thủy sản bang Kanchana Wikesekera cho biết số tiền trị giá 2,1 triệu USD sẽ được trao đến các ngư dân như một phần bồi thường tạm thời từ X-Press Pearl.
Trong khi đó, chính phủ và các nhà điều tra môi trường vẫn tiếp tục xác định mức độ của thảm họa. Các chuyên gia dầu mỏ quốc tế đang cố gắng đảm bảo số dầu còn lại trên tàu không tràn ra biển, gây thêm thảm họa. Thuyền trưởng của con tàu, Vitaly Tyutkalo đã bị bắt vào ngày 14/6 với cáo buộc vi phạm Đạo luật Ô nhiễm môi trường biển của Sri Lanka.
Nguồn: News.zing.vn